Bão số 6 - siêu bão Mangkhut đổ bộ, Đông Bắc mưa rất to, hồ thuỷ điện Hoà Bình đóng cửa xả đáy
(Thethaovanhoa.vn) - Theo bản tin 11h ngày 16/9, cập nhật tin bão mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 10 giờ ngày 16/9, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 114,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 220km về phía Đông Đông Nam.
- CẬP NHẬT: Bão số 6 - Siêu bão Mangkhut trên Đông Bắc Biển Đông, gió giật mạnh trên cấp 17
- Bão Xangsane - Cơn bão số 6 tàn khốc bậc nhất trong lịch sử Việt Nam: Bài học đau thương
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 6 - siêu bão Mangkhut mạnh cấp 14 (150km/giờ), giật cấp 16. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ vùng tâm bão Mangkhut; Phạm vi gió mạnh cấp 10 trở lên khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, từ khoảng chiều tối 16/9 cơn bão số 6 sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu nhanh. Đến 10 giờ ngày 17/9, vị trí tâm bão ở khoảng 22,8 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Phạm vi gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ vùng tâm bão.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 6, gần sáng ngày 17/9, ở phía Bắc Quảng Ninh có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ở các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; các tỉnh Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Hà Giang có gió giật cấp 6-7; các tỉnh khác ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ít chịu ảnh hưởng về gió mạnh của bão số 6. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 10 giờ ngày 18/9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 23,5 độ Vĩ Bắc; 102,2 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam tỉnh Vân Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6, dưới 40km/h.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Tây Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17/9 đến ngày 18/9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm. Khu vực Việt Bắc và Tây Bắc có mưa vừa, mưa to với lượng mưa phổ biến 50-100mm, riêng Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu có mưa 100-150mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.
Từ ngày 17-18/9, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên thượng lưu sông Lô, sông Kỳ Cùng và sông Bằng Giang ở mức BĐ1 - BĐ2, đỉnh lũ trên sông Thao ở mức BĐ2 và trên BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình ở mức BĐ1. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.
Đóng 1 cửa xả đáy hồ thuỷ điện Hoà Bình
Ngày 16/9, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ban hành Công điện số 53 về việc đóng 1 cửa xả đáy hồ thủy điện Hoà Bình.
Theo đó, căn cứ nhận định từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia và diễn biến tình hình thực tế hiện nay, thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai lệnh Giám đốc Công ty Thuỷ điện Hoà Bình đóng 1 cửa xả đáy hồ Hoà Bình vào hồi 10 giờ ngày 16/9
Yêu cầu Công ty tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến lưu lượng đến hồ, mực nước thượng, hạ lưu đập, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp với tình hình thực tế.
Tuỳ theo diễn biến mưa lũ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai sẽ có quyết định điều hành phù hợp với tình hình thực tế.
Hồi 7 giờ ngày 16/9, mực nước hồ Hoà Bình ở cao trình 116,11 m, lưu lượng đến hồ 3.420 m3/s, tổng lưu lượng xả 3.991 m3/s (gồm lưu lượng qua 1 cửa xả đáy và lưu lượng chạy qua máy phát điện).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Quảng Ninh không được lơ là
Sáng 16/9, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 6, siêu bão Mangkhut, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng đã thị sát tuyến đê Hà Nam, hồ Yên Lập (thị xã Quảng Yên), và một số vị trí xung yếu của tỉnh. Tại những nơi kiểm tra, Phó Thủ tướng đã trò chuyện, động viên với các lực lượng đang trực tiếp làm nhiệm vụ gia cố tuyến đê, bảo vệ hồ, tham gia công tác phòng, chống bão.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Mangkhut là cơn bão mạnh, đã tàn phá nhiều quốc gia trên đường đi qua như Philippin, Trung Quốc. Mặc dù đến thời điểm này theo dự báo, cơn bão đã suy yếu nhưng do đường đi của bão khá phức tạp nên địa phương cần theo dõi sát sao diễn biến của bão. Cần chuẩn bị kỹ phương châm “4 tại chỗ”, chủ động phương tiện, thiết bị, nguồn nhân lực ứng phó nhanh, kịp thời với cơn bão. Đảm bảo phương án sơ tán, di dời người dân khi cần thiết. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
Trong trường hợp bão không đổ bộ trực tiếp vào Quảng Ninh, thì vẫn có ảnh hưởng từ hoàn lưu bão gây mưa lớn, do vậy, mọi phương án ứng phó phải được chuẩn bị kỹ càng, không được chủ quan, lơ là. Tỉnh cần tiếp tục tập trung trong công tác chỉ đạo, điều hành từ cấp tỉnh đến cơ sở. Huy động tất cả tàu tuyền về nơi tránh trú bão an toàn, không để tàu thuyền ra khơi trong điều kiện thời tiết chưa đảm bảo; siết chặt công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các hồ, đập trên địa bàn…
Tỉnh cũng cần quan tâm, có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch, người dân các khu vực du lịch, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất. Riêng đối với các mỏ, hầm lò trên địa bàn, cần có phương án hiệu quả để phòng chống mưa bão, ngập lụt hiệu quả.
Nam Định cấm biển, khẩn trương kêu gọi tàu thuyền
Để chủ động ứng phó với bão số 6, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương, đơn vị tập trung triển khai phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/9, khẩn trương kêu gọi tàu, thuyền vào nơi tránh trú an toàn.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 6 có khả năng ảnh hưởng đến tỉnh Nam Định trong các ngày 17 - 18/9. Do đó, các địa phương, nhất là các huyện ven biển khẩn trương sơ tán, di dời người dân tại các chòi canh ngao, lồng bè nuôi thủy sản, bãi tắm ven biển vào nơi an toàn trước 17 giờ ngày 16/9.
Các huyện, thành phố tổ chức lực lượng chặt tỉa cành cây, tháo dỡ các biển hiệu quảng cáo; chằng chống nhà cửa, kho tàng, xây dựng phương án bảo đảm an toàn tại các bệnh viện, trường học, công sở. Đặc biệt, xác định các khu vực trọng điểm phòng, chống lụt bão để sẵn sàng ứng cứu; xây dựng phương án và chuẩn bị điều kiện cần thiết để sơ tán dân khi có yêu cầu.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê sông, đê biển, lưu ý các vị trí đê, kè xung yếu, đang thi công sửa chữa; chủ động các biện pháp phòng, chống úng ngập bảo vệ diện tích lúa mùa và vùng nuôi trồng thủy hải sản...
Thảo Nhi (tổng hợp)