Bàn về Quy hoạch Hà Nội giữa cơn sốt đất…
Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào đã làm mọi người cùng cười vui, khi ông “thực thà” kể rằng, ông cũng có 1 ha đất ở Đồng Mô mua từ cả chục năm trước khi giá còn rất rẻ (vài chục đến trăm triệu). Nhưng cách đây mấy hôm ông trở lại thăm lại cái mảnh đất dự liệu sau này sẽ làm trang trại của mình thì được người ta gạ mua với giá tiền tỷ. Cả chục năm rồi mà mảnh đất của tôi vẫn thế, heo hút, không có đường vào, và ở đó nóng lắm, tôi vào thăm một cái rồi lại phải chạy về ngay, Đại biểu Đào kể.
Với câu chuyện đó, ông Đào muốn nhấn mạnh rằng quy hoạch chung Hà Nội là việc rất cần phải làm để “cụ thể hóa” việc sát nhập Hà Nội và Hà Tây trước đây. Thế nhưng, quy hoạch cần phải có tính thực tế, và phải tính đến những hệ lụy của việc quy hoạch. Cụ thể, ông đặt câu hỏi: Liệu những người xây dựng Quy hoạch đã dự liệu đến sự rối ren trong các quan hệ về đất đai trong khu vực quy hoạch hay chưa? Ông cũng nói thẳng rằng, cử tri đã từng đặt câu hỏi rằng liệu có phải vì “có ông nào có mấy trăm ha ở đây (tức ở Ba Vì” nên mới mở quy hoạch như vậy” (đặt Trung tâm Hành chính Quốc gia lên Ba Vì, xây dựng trục Thăng Long nối Hồ Tây với Ba Vì)!?
Không chỉ có Đại biểu Đào mà nhiều ĐBQH khác cũng rất băn khoăn về việc xây dựng trục Thăng Long cũng như lý do chọn Ba Vì làm Trung tâm Hành chính Quốc gia. Đây là hai “điểm nhấn” trong Quy hoạch chung, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội, mà có lẽ trước tiên là giới bất động sản, thế nhưng lý do lựa chọn thì Đồ án còn trình bày chưa rõ và thuyết phục. Một ĐBQH bình luận: Bức tranh trục Thăng Long vẽ đẹp như thế (trong đồ án quy hoạch) thì nhân dân chạy về đó mua đất là phải. Rồi vị này đặt câu hỏi, Đông Anh, Sóc Sơn đất đai nhiều như thế mà tại sao đồ án không mô tả mà lại chỉ tập trung vào trục Thăng Long? Khái toán tổng thể cho quy hoạch này là 90 tỷ USD, vậy thì tiền vốn ở đâu? Trong khi một đoạn đường nội thành (vành đai 1) từ Ô chợ Dừa đến Voi Phục 10 năm rồi vẫn chưa triển khai xong. Vậy liệu ta có đủ năng lực để thực hiện quy hoạch lớn này không?
Rõ ràng là Đồ án Quy hoạch còn đang ở trên bàn cân, thế nhưng “hậu quả’ của nó là cơn sốt đất đùng đùng ở Sơn Tây, Ba Vì, Đan Phượng… Một ĐBQH kể: Tôi xuống làm việc với đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát huyện Đan Phương, đồng chí Viện trưởng cho biết, đất đai ở đây hôm trước phát giá 60 triệu/m2, hôm sau đã là 80 triệu, xu hướng mấy ngày nữa là 100 triệu/m2.
Đồ án đã gây ra cơn sốt đất ảo trên thị trường bất động sản khu vực này. Vậy các cơ quan hữu quan phải làm gì chứ, phải định hướng dư luận như thế nào chứ? Đặt ra câu hỏi này rồi một ĐBQH đề xuất phải tổ chức một cuộc họp báo rộng rãi giải thích rõ cho dư luận hiểu rõ rằng đây mới chỉ là đồ án để lấy ý kiến thôi. Từ đồ án quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết là cả một chặng đường dài. Ngoài ra cũng nói rõ lộ trình thực hiện để định hướng các giao dịch bất động sản, chứ nếu không thì cả Hà Nội sẽ sốt đất.
Xem ra, Quy hoạch chung Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 không chỉ có tầm nhìn rộng về khoa học quy hoạch đô thị, về định hướng phát triển Thủ đô…, mà còn phải có tầm nhìn về thị trường bất động sản, và giải quyết ngay những bài toán trước mắt đang đặt ra với cái “bong bóng” khổng lồ đang sôi sục ở những miền quê thanh bình cũ của Xứ Đoài mây trắng, và đặc biệt là dưới chân đỉnh Ba Vì linh thiêng…