Bắc Giang mạnh mẽ khôi phục sản xuất sau đại dịch, kim ngạch xuất khẩu đứng top đầu cả nước
9 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Bắc Giang bằng cả năm ngoái. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đứng tốp đầu cả nước. Kết quả này thêm khẳng định doanh nghiệp Bắc Giang đã hồi phục sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho đối tác.
Kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng bằng cả năm 2021
Thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 8 với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 14 tỷ USD, Bắc Giang xếp thứ 7 cả nước, nằm trong tốp 8 tỉnh, TP có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD.
Theo Sở Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Giang 9 tháng ước đạt hơn 32 tỷ USD, bằng cả năm 2021. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 16 tỷ USD, tăng hơn 60,4% so với cùng kỳ năm trước và đạt 84% kế hoạch năm.
Các sản phẩm xuất khẩu như: Hàng dệt may, da giày, máy tính, điện tử, điện thoại và các loại thiết bị điện, sản phẩm từ chất dẻo. Những DN có giá trị xuất khẩu dẫn đầu tỉnh gồm: Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam; Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Công ty TNHH Crystal Martin (Việt Nam).
Thị trường xuất khẩu lớn nhất là Trung Quốc, sau đó là Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha và một số nước khác.
Ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát, ngoài hỗ trợ công nhân quay trở lại làm việc, các doamnh nghiệp đẩy mạnh tuyển dụng lao động mới cùng với nhiều chế độ đãi ngộ, đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại để nâng công suất, tăng sản lượng sản phẩm, ổn định sản xuất, đóng góp lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp cũng như kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.
Cùng với DN nước ngoài, DN trong nước cũng có giá trị xuất khẩu cao. Tiêu biểu như Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG là một điển hình. 8 tháng năm nay, đơn vị xuất khẩu 2 triệu sản phẩm, giá trị xuất khẩu khoảng 60 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bắc Giang chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp, thông tin kịp thời
Các DN nỗ lực trong sản xuất, kinh doanh cùng sự hỗ trợ tích cực của tỉnh, cơ quan chuyên môn đã góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu của tỉnh bứt phá.
Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 2 FTA thế hệ mới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những cam kết ở mức độ cao trong tất cả các lĩnh vực, kể cả truyền thống và phi truyền thống. Đây là cơ hội để các địa phương tăng trưởng nhanh.
Bắc Giang đặc biệt quan tâm đến các chủ trương, chính sách hội nhập của Đảng và Nhà nước. Tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo Hội nhập kinh tế quốc tế; tập trung chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến kiến thức về hội nhập kinh tế (năm 2021, 2022 triển khai đến 100% DN có hoạt động xuất nhập khẩu); tranh thủ phát huy những lợi thế so sánh của địa phương; khai thác hiệu quả lợi thế của các FTA đã có hiệu lực, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của địa phương, Bắc Giang đã chủ động triển khai, phổ biến những lợi thế của các FTA đối với Bắc Giang đến các DN, hợp tác xã.
Tác động của các Hiệp định FTA không chỉ mở rộng thị trường, thúc đẩy tăng trưởng xuất nhập khẩu mà còn ở khía cạnh thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh, qua đó tạo nguồn cầu lớn cho hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư.
Kinh tế thế giới và trong nước có sự phục hồi mạnh mẽ được hỗ trợ bởi các chính sách. Sự phục hồi kinh tế thế giới kéo theo nhu cầu sử dụng nguyên, nhiên vật liệu, nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh đã thúc đẩy sản xuất, xuất nhập khẩu của Việt Nam, trong đó có tỉnh Bắc Giang.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bắc Giang kiên trì mục tiêu tăng trưởng, lấy sản xuất công nghiệp là động lực, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu. Bắc Giang thực hiện mạnh mẽ quyết liệt việc chuyển đổi mô hình chống dịch Covid-19, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế theo chủ trưởng của Chính phủ giúp tăng trưởng phục hồi tốt, nhanh hơn.
- VinFast bàn giao 100 ô tô điện VF 8 đầu tiên, chuẩn bị xuất khẩu ra quốc tế
- Giám đốc Nguyễn Thanh Bình miệt mài giải bài toán khó cho ngành nghề xuất khẩu lao động
- Phạt tù cựu giám đốc lừa đảo xuất khẩu lao động
Bắc Giang đang tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN, đồng thời thường xuyên cập nhật tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, kịp thời khuyến cáo tới các địa phương, DN chủ động có phương án ứng phó, hạn chế tình trạng ùn ứ cục bộ tại cửa khẩu... phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 19 tỷ USD trong năm 2022.
Tiểu Yến