Tin mới nhất về việc phá dỡ phần vi phạm tòa nhà 8B Lê Trực
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 24/10, UBND quận Ba Đình cho biết, công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng đã chính thức chấp nhận về nguyên tắc tham gia lập phương án phá dỡ giai đoạn 2, tòa nhà 8B Lê Trực, theo đề nghị của quận vào ngày 12/10.
- VIDEO: Chủ tòa nhà 8B Lê Trực không hợp tác cung cấp hồ sơ
- Vụ cưỡng chế phá dỡ sai phạm tại 8B Lê Trực (Hà Nội): An toàn nhưng không thể chậm trễ!
- HÌNH ẢNH hiện trường vụ cưỡng chế phá dỡ tại tòa nhà 8B Lê Trực
Sau khi nhận được sự chấp thuận, UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan thuộc quận phối hợp chặt chẽ, cung cấp tài liệu và tạo điều kiện thuận lợi nhất để công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng thực hiện nhiệm vụ.
Phía công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, ông Nguyễn Văn Khánh Giám đốc cho biết, là đơn vị đã tham gia thiết kế công trình 8B Lê Trực, công ty nhận thấy có một số thuận lợi khi triển khai công việc và xin sẵn sàng phối hợp, trong phạm vi năng lực của mình.
Trước đó, để có cơ sở triển khai phá dỡ phần vi phạm trật tự còn lại của toà nhà (giai đoạn 2) đảm bảo tiến độ và an toàn, trên cơ sở đánh giá năng lực kinh nghiệm và được Sở Xây dựng Hà Nội giới thiệu, UBND quận Ba Đình đề nghị công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng phối hợp, lập phương án, biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 công trình 8B Lê Trực.
Đối với đơn vị chủ đầu tư, UBND quận Ba Đình cho biết, ngày 13/5/2016, quận đã có Văn bản số 664/UBND-QLĐT yêu cầu công ty cổ phần May Lê Trực cung cấp hồ sơ phục vụ công tác xử lý vi phạm tại toà nhà này. Trường hợp, chủ đầu tư tòa nhà, không cung cấp hồ sơ, sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức xử lý do nguyên nhân không có đầy đủ hồ sơ chi tiết về công trình vi phạm này.
Thời gian qua, trong quá trình phá dỡ giai đoạn 1 (tầng 19) của toà nhà, công ty cổ phần tập đoàn Phương Bắc đã phối hợp với các cơ quan chức năng khảo sát kết cấu và kiến trúc phần chiều cao vi phạm và phần giật cấp của tòa nhà để lập biện pháp phá dỡ giai đoạn 2.
Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của công trình nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn 2 rất khó khăn. Cụ thể, phá dỡ phần giật cấp hầu như sẽ phải phá bỏ phần cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cũng như, hạn chế ảnh hưởng kết cấu tòa nhà, các chuyên gia kỹ thuật của Bộ Xây dựng, Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Ba Đình thống nhất đề nghị công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng lập thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà này.
Mạnh Khánh (TTXVN)