Tìm sức sống mới cho Hoàng thành Thăng Long (Kỳ 2): Từ Bảo tàng hoàng cung tới Bảo tàng khảo cổ ngoài trời
Nếu việc phục dựng điện Kính Thiên là kế hoạch dài hơi và khó có thể hoàn thành trong 10 - 15 năm tới, thì việc xây dựng 2 bảo tàng trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long lại sắp diễn ra trong thời gian gần.
Cụ thể, đó là trường hợp của Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long đặt tại góc phố Hoàng Diệu - Phan Đình Phùng và Bảo tàng Trưng bày khảo cổ tại khu vực 18 Hoàng Diệu.
Cần nhắc lại, nhu cầu cần có một hai bảo tàng trưng bày đặc thù tại Hoàng thành Thăng Long (HTTL) đã được nhắc tới rất nhiều trong những năm qua, khi lượng hiện vật tại đây liên tục tăng lên theo các đợt khai quật thường niên. Thậm chí, do quá tải về nơi bảo quản, một lượng hiện vật từ HTTL phải gửi tại kho chứa của Bảo tàng Hà Nội.
Độc đáo Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long
Như chia sẻ của các chuyên gia trong nhiều năm qua, ban đầu, Bảo tàng Hà Nội cũng có thể trưng bày các hiện vật liên quan đến HTTL. Nhưng để làm nổi bật các giá trị văn hóa lịch sử mang tính toàn cầu của di sản này, việc xây dựng Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long là rất cần thiết.
Theo đó, vị trí được đề xuất là tòa nhà số 1 Hoàng Diệu, nằm trong phạm vi khu thành cổ ở góc Tây Bắc, đã được Bộ Quốc phòng bàn giao lại cho Hà Nội. Đây là công trình thời Pháp thuộc, được xây dựng từ năm 1906, vốn là Sở Binh lương của người Pháp và hiện vẫn được biết tới với cái tên Vaxuco.
Như đánh giá của các chuyên gia, tòa nhà này có diện tích rất lớn (khoảng 2.000m2), phần mặt tiền nhìn ra đường Hoàng Diệu dài tới 70m, có kiến trúc cổ điển, đặc trưng với hệ thống ống khói, cầu thang và mái nhà lớp bằng đá phiến lớn nên rất thuận lợi để cải tạo làm bảo tàng trưng bày.
Vào thời điểm hiện tại, theo thông tin từ Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, sau khi được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng, việc trùng tu và cải tạo tòa nhà Vaxuco đã được tiến hành, cơ bản hoàn thiện khoảng 90% hạng mục dự kiến. Trong thời gian tới, phía trung tâm sẽ tập trung xây dựng các nội dung hoạt động và trưng bày, để Bảo tàng Hoàng cung Thăng Long có thể khai trương vào dịp 10/10 năm 2024 tới đây. Như lời ông Nguyễn Thanh Quang (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội), đây sẽ là một bảo tàng có cách trưng bày hiện đại, áp dụng các công nghệ mới và được kỳ vọng sẽ trở thành điểm nhấn phục vụ du khách tới Hoàng thành.
Thực tế, ở thời điểm này, giới chuyên môn đã có thể hình dung phần nào về sức hút của bảo tàng này qua cuộc trưng bày Báu vật Hoàng cung Thăng Long diễn ra vào 8/9, trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Gồm 29 hiện vật - trong đó có nhiều đồ gốm cao cấp dành cho nhà vua và hoàng hậu - đây là nhóm hiện vật tiêu biểu gắn với đời sống cung đình xưa của các vương triều từ Lý, Trần, Lê sơ, Mạc đến Lê Trung Hưng.
Đặc biệt, với việc sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping cho phép làm nổi bật những hoa văn độc đáo của hiện vật hoặc tái hiện vẻ đẹp 4 mùa của hoàng cung xưa trên phần hậu cảnh, các hiện vật đặc biệt như chậu đất nung thời Trần, mô hình tháp men xanh lục thời Lê sơ… đã tạo ấn tượng đặc biệt với người xem và mở ra những kỳ vọng lớn về Bảo tàng.
Thêm một khu vực “check-in” đặc biệt Trong tháng 9, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cũng vừa cho ra mắt không gian check-in tại cổng Đông, thuộc Khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Lầu lục giác được cải tạo thành studio sử dụng công nghệ trường quay ảo hỗn hợp. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm hoặc chụp ảnh trên phông nền không gian xưa cũ của Hoàng thành được tái hiện lại bằng công nghệ về các thời Lý - Trần, hoặc lấy bối cảnh ngày Xuân, họp chợ. Ngoài ra, công nghệ cũng cho phép xuất hiện các Di sản Thế giới tại Việt Nam như cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn… trong không gian này. Một gian hàng với trang phục Việt Nam truyền thống cũng được bố trí để phục vụ những du khách chụp ảnh lưu niệm. |
Chờ đợi bảo tàng khảo cổ ngoài trời
Ở không gian đối xứng với Thành cổ Hà Nội qua trục đường Hoàng Diệu, khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu, cũng đã được lên kế hoạch đầu tư vài hạng mục lớn, trong đó có bảo tàng khảo cổ ngoài trời.
Thực tế, khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu phát lộ từ năm 2002 và có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giúp quần thể Hoàng thành Thăng Long nhận danh hiệu Di sản văn hóa thế giới của UNESCO vào 8 năm sau đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khu vực này vẫn chưa được khai thác xứng tầm, dù vào năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng khu di tích này, trong đó bao gồm nhiều hạng mục như khu trưng bày, bảo quản hiện vật tại chỗ.
Hiện tại, cũng theo ông Nguyễn Thanh Quang, vào tháng 7 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương thực hiện công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị cho không gian này với kinh phí gần 800 tỷ đồng (khoảng 33 triệu USD). Dự kiến, Bảo tàng Trưng bày khảo cổ Hoàng Diệu sẽ được hoàn thành vào thời điểm trước năm 2025.
Cần nhắc lại, vào năm 2014, một cuộc thi thiết kế phương án kiến trúc bảo tồn và phá huy giá trị khu di thích này đã được tổ chức, thu hút nhiều đơn vị trong nước, quốc tế tham gia, trao 6 giải thưởng, trong đó có hai giải Nhì. Và trong hội thảo quốc tế vừa qua, KTS người Pháp Jean Francois Milou (Tổng giám đốc Studio Milou, công ty kiến trúc Singapore từng giành một trong hai giải Nhì tại cuộc thi) cũng đã có những chia sẻ về cách tiếp cận là nên có một bảo tàng về khảo cổ tại 18 Hoàng Diệu, có thể làm kiểu lộ thiên.
- Tìm sức sống mới cho Hoàng thành Thăng Long (Kỳ 1): 'Giấc mơ lớn' về điện Kính Thiên
- Hà Nội phục dựng các di sản kiến trúc cung điện tại Hoàng thành Thăng Long
- Hội thảo quốc tế về bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hoàng Thành Thăng Long
Theo chuyên gia này, các thiết kế xây dựng tại khu trưng bày 18 Hoàng Diệu cần tạo điều kiện tối ưu cho việc bảo tồn các di tích khảo cổ, nên cần sử dụng vật liệu nhẹ, cùng hệ thống khung đỡ, nhằm giảm thiểu lượng cột có trọng tải lớn để tránh ảnh hưởng tới nền móng di tích.
Ngoài ra, bảo tàng khảo cổ cần có hệ thống mái che tinh tế, cho phép ánh sáng tự nhiên xuyên qua, đồng thời có sự tiếp cận linh hoạt từng khu vực, kèm theo các trung tâm thuyết minh độc lập, hoặc các “ban công khảo cổ”, nhằm cung cấp góc nhìn toàn cảnh từ hệ thống bục thuyết minh, hiện vật, video tư liệu… Đặc biệt, khuôn viên của khu 18 Hoàng Diệu nên được phủ thêm nhiều cây xanh để tạo ra góc nhìn ấn tượng cho các khu hố khảo cổ bên trong bảo tàng.
“Với những gì đang có, tôi tin HTTL sẽ trở thành một trong vài công viên khảo cổ đẹp nhất trên thế giới, đồng thời ngày một gần gũi hơn với công chúng, để có thể biến một di sản vật thể trở thành một phần phi vật thể trong mỗi người dân Việt Nam” - KTS Milou cho biết.
Hơn 10 thế kỷ văn hóa Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam là ông Christian Manhart nói: “Vẫn còn nhiều lớp khảo cổ dưới lòng đất tại Hoàng thành chưa được khám phá. Tôi muốn nhấn mạnh rằng nghiên cứu và bảo tồn di sản là một quá trình rất lâu dài, đòi hỏi phải có kế hoạch và thực hiện một cách chiến lược. Đồng thời, các ưu tiên và lĩnh vực trọng tâm trong nghiên cứu cần được xác định rõ ràng. Hoàng thành Thăng Long là minh chứng cho hơn 10 thế kỷ văn hóa, lịch sử và giao lưu của thành cổ này với châu Á, trải qua các triều đại trị vì, nên cần làm cẩn trọng nhất có thể”. |
(Còn tiếp)
Cúc Đường