Tiểu thuyết 'Đức Thánh Trần': Một lối đi khác của tiểu thuyết lịch sử
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 27/2/2018 tại đường sách Nguyễn Văn Bình đã diễn ra buổi giao lưu ra mắt cuốn tiểu thuyết lịch sử Đức Thánh Trần (NXB Hội nhà văn, 2017) của nhà văn Trần Thanh Cảnh. Đây là tiểu thuyết đầu tiên của ông sau bốn tập truyện ngắn.
- Sẽ phát 15 vạn túi lương tại lễ hội Đức Thánh Trần
- Gần 15.000 người nhận lương của Đức Thánh Trần
- Bí ẩn pho tượng lạ về Đức Thánh Trần
Trong buổi giao lưu này, nhà văn Trần Thanh Cảnh đã chia sẻ những điều nằm sau hơn 250 trang sách mà ông đã đặt bút viết liên tục trong ba tháng trước khi bản thảo lần đầu hoàn thành. Rất nhiều bạn đọc đã đặt hàng loạt câu hỏi xoay quanh cuốn sách này. Vậy nó có gì mà bạn đọc quan tâm như vậy?
Chỉ giải mờ không giải thiêng
Có thể bạn đọc quan tâm tới cuốn Đức Thánh Trần bởi Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn vốn đã là một vị thánh trong tâm thức người Việt từ gần ngàn năm qua. Thêm vào đó chính bởi danh tiếng của tác giả cuốn tiểu thuyết. Trần Thanh Cảnh từ sau thành công của tập truyện ngắn Kỳ nhân làng Ngọc đoạt giải thưởng Hội Nhà văn 2015 đã khẳng định cho mình một chỗ đứng trong lòng độc giả.
Và hơn hết, chính các vấn đề mối tình An Tư - Thoát Hoan hay Trần Ích Tắc đang gây tranh cãi của giới học thuật trong nước ở truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc của Trần Quỳnh Nga đăng trên báo Văn nghệ số ra ngày 16/12/2017 cũng được Trần Thanh Cảnh nhìn nhận theo một hướng phản biện khác.
Khi Trần Quỳnh Nga úp mở cho rằng Trần Ích Tắc trung quân ái quốc thì tác giả cuốn tiểu thuyết Đức Thánh Trần thẳng thắn chỉ ra Trần Ích Tắc là kẻ phản quốc. Còn với An Tư và Thoát Hoan thì ông chỉ ra đây là mưu lược tài ba của Trần Hưng Đạo nhằm dùng “mỹ nhân kế” hạ gục một tên tướng háo sắc của giặc phương Bắc.
Một cách nhìn mang tính đối trọng: Kẻ phản - người trung, kẻ hung bạo - người tài ba. Ông cũng cho biết: “Văn chương có quyền hư cấu nhưng không có quyền thay đổi bản chất lịch sử”.
Có thể nói Trần Quỳnh Nga quá lố và không thành công với các ý đồ dựng truyện của mình nhưng giải thiêng, chi tiết đời thường hóa các thần tượng lịch sử vốn được xem là xu hướng của hầu hết các tiểu thuyết gia lịch sử Việt Nam hiện đại từ nửa sau thế kỷ 20 đến hôm nay.
Còn Trần Thanh Cảnh thì lại chọn một lối đi khác cho riêng mình. Đó là ông lựa chọn cái nhìn thánh hóa một thần tượng như Trần Hưng Đạo từ một con người bình thường trở nên phi thường theo thời gian.
Thêm vào đó ông chủ trương “giải mờ” những điểm mà chính sử chỉ đề cập đến rất ít ví dụ như trong Đại Việt sử ký toàn thư (cuốn sử mà ông căn cứ để viết nên tiểu thuyết này) khi viết về nhà Trần chỉ đề cập vẻn vẹn bốn chữ “Lễ hội Mo Nang” thì trong truyện của mình nhà văn Trần Thanh Cảnh dùng hẳn một chương để nói về nó.
Cũng chính bởi chủ đích không ôm đồm và “giải mờ” nên khi gặp những thắc mắc như vì sao trong cuốn tiểu thuyết không đề cập sâu vào vấn đề hai lần chiến thắng quân Nguyên - Mông của vị anh hùng dân tộc này, cũng như tại sao một gia sản lớn của Trần Hưng Đạo là Hịch tướng sĩ không được nhắc đến. Tác giả cho biết ông cố ý như vậy vì làm rõ chiến công của Trần Hưng Đạo thì đã có lịch sử ghi lại rất nhiều...
Có phải là một tiểu thuyết dâm và tục?
Nhà văn Nguyễn Trí - người dẫn chương trình buổi giao lưu nêu ý kiến cho rằng cuốn tiểu thuyết của Trần Thanh Cảnh có phần dâm và tục khi diễn tả cảnh ái ân. Đặc biệt ở chương 3: Lễ hội Mo Nang và chương 6: An Tư - Thoát Hoan mối tình oan nghiệt.
Tuy nhiên như lời tựa cho cuốn sách, nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam nhận xét: “Trần Thanh Cảnh khởi thảo Đức Thánh Trần sau khi đã cho ra mắt độc giả hai tập truyện ngắn mang đậm chất hoa tình, thậm chí là tinh thần “phóng túng”, khá đặc trưng cho đất và người Kinh Bắc. Cái nếp ấy vẫn được ông giữ lại trong cuốn tiểu thuyết đầu tay này, qua những trường đoạn viết về ái tình hừng hực nhựa sống của những người đàn ông, đàn bà Việt Nam thế kỷ 18”.
“Ái tình hừng hực nhựa sống” nhưng đó không phải là kiểu mô tả thô thiển, dâm và tục mà là những trang viết đầy cuốn hút dẫn dắt bạn đọc vào thế giới nội tâm nhân vật để diễn giải những hiện tượng lịch sử dưới góc độ văn chương. Ví dụ, vì sao Trần Quốc Tuấn quyết cưới được Yên Thành hay Thoát Hoan không thể giết An Tư công chúa.
Và vấn đề ái dục luôn là điểm hấp dẫn của dòng họ có truyền thống nội hôn và xuất thân từ vùng sông nước như triều Trần. Giữa sự thật trần thế ấy mà nâng tầm được một vị thánh hiển vinh như cách mà Trần Thanh Cảnh đã làm trong cuốn sách này cũng là một điểm hấp dẫn trong nghệ thuật kể chuyện của ông.
Tiểu Mục Đồng