Tiêu điểm trong ngày: Từ mảnh đất suy thoái ở làng Dorbor nhìn ra thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây hơn 10 năm, Nonga Nie, một nông dân thuộc cộng đồng người thiểu số Dorbor ở Ghana đã khởi công xây dựng ngôi nhà làm chỗ che mưa nắng cho gia đình. Nhưng phải đến năm 2019, ngôi nhà mới được hoàn thiện mà trở ngại chính là do thiếu vốn khi mà bản thân cô và gia đình phải vật lộn để kiếm đủ miếng ăn và chăm lo sức khỏe của người thân trong suốt ngần ấy thời gian.
Mọi thứ chỉ trở nên sáng sủa hơn khi cộng đồng chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp này tìm ra một hướng đi hiệu quả vừa giúp cải thiện những diện tích đất đang ngày càng suy thoái, vừa giúp nâng cao sản lượng vụ mùa và thu nhập.
Ngành nông nghiệp được cho "gây ra" khoảng 80% diện tích đất suy thoái trên toàn thế giới. Các báo cáo chỉ ra khoảng 1,5-7 triệu ha đất nông nghiệp bị suy thoái mỗi năm, trong đó hơn 40% đất suy thoái nghiêm trọng ở châu Phi. Tình trạng suy thoái đất tại “lục địa Đen” xảy ra nghiêm trọng hơn cả do người dân nơi đây sống phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên như rừng và các sản phẩm nông nghiệp. Dân số càng đông thì nhu cầu đất nông nghiệp càng tăng, dẫn tới các hoạt động phá rừng gia tăng, diện tích đất sử dụng cũng tăng, kể cả những vùng đất dễ bị suy thoái như vùng đất dốc và các vùng cần được bảo vệ, từ đó tình trạng suy thoái đất càng nghiêm trọng hơn.
Ghana hiện có khoảng 35% diện tích đất đứng trước nguy cơ suy thoái và sa mạc hóa. Các vùng đất trồng trọt ở quốc gia này, những nơi mà con người canh tác sử dụng phân bón hóa học và hóa chất, tới nay đã không còn khả năng sản xuất. Vốn chìm trong nghèo đói, khi đất trồng trọt cũng suy giảm chất lượng, các nguồn nước thì cạn kiệt do hạn hán kéo dài, đời sống người dân nơi đây càng thêm bấp bênh do thu nhập giảm. Với 80% dân số cả nước sống ở vùng nông thôn, canh tác nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính, tình trạng sa mạc hóa, suy thoái đất và hạn hán gây ra ngày càng nhiều nguy cơ cho các cộng đồng địa phương Ghana. Hơn ai hết, cộng đồng người Dorbor ở miền Trung quốc gia này hiểu rằng tương lai của họ phụ thuộc vào việc tránh, giảm thiểu và đảo ngược tình trạng sa mạc hóa và suy thoái đất.
Suốt một thập niên, mái nhà của Nonga Nie vẫn cứ dang dở khi nguồn thu duy nhất của gia đình đều trông chờ vào những mảnh ruộng ngày càng khô cằn và dần mất hết năng suất. Do canh tác không hợp lý, lạm dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên đất, nước, các sản phẩm nông nghiệp và cá nuôi trong khu vực ngày càng bị acid hóa. Lo không đủ miệng ăn cả nhà trong khi chi phí chăm lo sức khỏe cũng tăng vì nguồn thực phẩm không đảm bảo, đã có lúc Nie nghĩ chỉ có phép màu mới giúp gia đình cô có được một mái nhà tử tế.
Phép màu thực sự đã xảy ra, ngay từ những điều giản dị nhất trong chính lối canh tác hằng ngày mà người dân học hỏi từ một chương trình hỗ trợ quốc tế. Thông qua chương trình Small Grants Programe của Liên hợp quốc, nông dân trong khu vực đã nỗ lực cải thiện phương thức quản lý và sử dụng đất nông nghiệp, thay đổi thói quen canh tác, sử dụng các kỹ thuật thuần tự nhiên, phân bón hữu cơ để giảm thiểu các loại hóa chất độc hại khi canh tác, cũng như cải thiện quản lý chất thải rắn, trồng xen canh. Dự án đã giúp người nông dân địa phương nâng cao khả năng ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu khi canh tác theo mô hình nông nghiệp thông minh với khí hậu, kết hợp chăn nuôi và trồng trọt theo hình thức nông nghiệp hữu cơ.
Trước khi dự án được triển khai, mỗi năm, nông dân địa phương sử dụng khoảng 62 tấn phân bón hóa học và khoảng 26.700 lít thuốc trừ sâu trong canh tác. Bà Boakye Yiadom, một nông dân khác tại Dorbor, chia sẻ trước đây người dân chỉ biết dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu khiến chất lượng đất suy thoái dần theo thời gian và kéo theo sản lượng cũng ngày một eo hẹp. Tuy nhiên, nhờ dự án mới, người dân biết đến cách thức canh tác sử dụng phân hữu cơ làm từ thực phẩm thừa, phân gia súc và thân cây mục, xen canh các loại cây phụ trợ, nhờ đó sản lượng ngũ cốc như ngô, đậu tương và hạt điều tăng và thu nhập cũng tăng gấp đôi. Quan trọng hơn, gia đình 10 miệng ăn nhà bà cũng khỏe mạnh hơn, không còn phải đến bệnh viện thường xuyên như trước khi sử dụng chính những thức ăn gia đình làm ra. Với bà, giờ đây đất tốt lên và người cũng vui hơn.
Sáng kiến này đã tạo ra rất nhiều lợi ích cho người nông dân ở Dorbor. Dự án đã giúp Nonga Nie đến với phương thức canh tác xen canh, phối hợp với các hoạt động như nuôi ong, nuôi lợn, và tăng gia sản xuất kinh doanh như buôn đậu nành, hạt điều… để tăng thu nhập. Giờ đây, cô có đủ vốn hoàn thiện ngôi nhà mơ ước. Tổng cộng 165 gia đình trong cộng đồng Dorbor đã biết đến mô hình canh tác phối hợp trồng trọt và chăn nuôi, ủ phân bón sinh học và trồng xen canh gối vụ để tăng sản lượng. Cây trồng giờ đây có khả năng chống chọi với hạn hán tốt hơn, dù mưa hay nắng, sản lượng vẫn đảm bảo, giúp người dân có tiền dư giả để thuê thêm người làm, chăm sóc gia đình con cái, và có cả tiền để dành. Sau thành công của mô hình tại Dorbor, dự án được nhân rộng tới nhiều cộng đồng cư dân khác.
Câu chuyện của một cộng đồng người thiểu số ở Ghana đã phản ánh một thực tế rằng có những điều mà con người có thể làm để tránh, để giảm thiểu nguy cơ hoặc đảo ngược tình trạng khô hạn và sa mạc hóa. Nhu cầu này càng trở nên cấp bách khi tình trạng khô hạn và sa mạc hóa được dự báo sẽ ngày càng diễn biến nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu kéo theo những đợt hạn hán kỷ lục, những trận mưa lớn gây lụt lội chưa từng có, cuốn phăng những diện tích đất màu mỡ, để lại những nền đất cằn cỗi bạc màu.
Ngay tại Việt Nam, tháng 3 vừa qua, nông dân miền Đồng bằng Sông Cửu Long đã chứng kiến một mùa khô hạn và xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất từ trước tới nay. Mùa khô hạn và xâm nhập mặn năm nay đến sớm, khắc nghiệt bất thường và kéo dài khiến 6 tỉnh gồm Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng phải công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh chống hạn mặn. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới, cũng như các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là tìm cách thích ứng, như tìm các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng với hạn, mặn; rà soát lại các quy hoạch phát triển xem có thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng để điều chỉnh cho phù hợp...
Những ví dụ trên đã phần nào chỉ ra nguồn tài nguyên đất được thiên nhiên ban tặng đang bị con người vắt kiệt và cũng chỉ có con người mới có thể thay đổi thực trạng này bằng những hành động cụ thể như thay đổi phương thức canh tác, giống cách làng Dorbor hồi sinh đất chết. Nhân Ngày Thế giới chống khô hạn và sa mạc hóa 17/6 năm nay, LHQ còn đưa ra một ý tưởng mới lồng ghép trong chủ đề chính, tập trung vào mối quan hệ giữa tiêu dùng và đất đai, kêu gọi cộng đồng thay đổi thói quen tiêu dùng khi hiểu rằng nguyên nhân chính dẫn tới sa mạc hóa và suy thoái đất chính là hành động sản xuất và tiêu thụ không ngừng nghỉ của con người.
Khi dân số tăng, người dân giàu có hơn và nhiều khu đô thị mới mọc lên, nhu cầu đất trồng trọt càng lớn trong khi chất lượng đất lại ngày càng suy giảm và tình trạng này còn nghiêm trọng hơn do tác động của biến đổi khí hậu. Để có đủ đất canh tác đáp ứng nhu cầu của 10 tỷ người vào năm 2050, loài người cần thay đổi cách sống. Với khẩu hiệu “Food. Feed. Fibre.” (Thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, vải sợi), ngày 17/6 năm nay được dành để nâng cao nhận thức mỗi cá nhân về cách giảm thiểu những tác động do chính bản thân mình gây ra thông qua việc điều chỉnh các thói quen về 3 nhu cầu thiết yếu trên.
Theo LHQ, tới nay, hơn 2 tỷ ha đất từng có chất lượng tốt để canh tác đã suy thoái, hơn 70% hệ sinh thái tự nhiên đã bị biến đổi và dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 90% vào năm 2050. Trong khi đó, đến năm 2030, thế giới cần thêm 300 triệu ha đất có thể trồng trọt được để cung cấp thức ăn, hơn 115 triệu ha đất để cung cấp nguyên liệu vải sợi cho ngành dệt may.
Theo ông Ibrahim Thiaw, Thư ký điều hành Chương trình chống sa mạc hóa LHQ, nếu loài người tiếp tục duy trì thói quen sản xuất và tiêu thụ như hiện tại, thì chúng ta sẽ "ăn" cả vào năng lực đảm bảo sự sống của Trái Đất cho tới khi không còn gì ngoài rác thải sót lại. Loài người cần lựa chọn sáng suốt hơn về những thứ sẽ ăn và những thứ sẽ mặc để góp phần bảo vệ và khôi phục đất trồng. Đáng tiếc, với tốc độ đô thị hóa hiện nay, rất nhiều người thậm chí còn không được thường xuyên nhìn thấy đất, dù đó chính là nơi nuôi dưỡng những thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và vải sợi thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày. Con người cũng dường như lãng quên luôn lợi ích thực sự bắt nguồn từ thiên nhiên.
Chỉ những thay đổi nhỏ trong thực đơn và hành vi như hạn chế thức ăn thừa, mua thực phẩm từ các chợ địa phương, trao đổi quần áo thay vì luôn mua mới, con người sẽ giải phóng đất đai cho những mục đích sử dụng khác và giảm khí thải nhà kính. Riêng việc thay đổi thực đơn ước tính sẽ giúp giải phóng khoản 80 đến 240 triệu ha đất trồng. Thay đổi bằng những phương thức bền vững và hiệu quả hơn là cách giúp thế giới thịnh vượng nhờ nguồn tài nguyên đất.
TTXVN