A+ A A- Kiểu đọc sách

60 năm thảm kịch Munich: Vẫn mãi là nỗi đau lịch sử của M.U

11:30 05/02/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 6/2/2018 đánh dấu 60 năm thảm họa Munich, một chương tồi tệ nhất trong lịch sử của Manchester United sau khi chiếc máy bay chở đội bóng gặp nạn và khiến 23 người chết, trong đó có nhiều thành viên của đội hình danh tiếng 'Busby Babes' - Những đứa trẻ của Busby

Lịch sử bóng đá đã chứng kiến nhiều thảm họa hàng không nhưng có lẽ, không thảm kịch nào được nhớ đến nhiều như sự kiện diễn ra ở Munich năm 1958 và lấy đi của Man United tới 8 cầu thủ, dù đó là vụ AC Torino năm 1949, Zambia năm 1993, The Strongest (Bolivia) năm 1969, Pakhtakor Tashkent (Uzbekistan) năm 1979, Alianza Peru năm 1987 và gần đây là Chapecoense của Brazil năm 2016.

May mắn cho Red Devils là một số người sống sót vẫn đang gắn bó cùng CLB, nếu không muốn nói họ là nhân chứng lịch sử của buổi tưởng niệm một trong những đội hình xuất sắc nhất trong lịch sử tại Old Trafford.

Đội hình Man United 1958

BI KỊCH NGÀY 6/2/1958

Không biết lịch sử có được viết lại và Man United có thể đe dọa sự thống trị của Real Madrid khi đó hay không, đội hình danh tiếng 'Busby Babes' được đánh giá rất cao. Họ đã 3 lần vô địch Anh trong 6 năm từ 1952 đến 1957 và bất tuân đề nghị của FA để tham dự Cup C1 mới thành lập.

Trong mùa giải đầu tiên 1956/57, đội bóng của Matt Busby thi đấu tốt và lọt vào đến bán kết - đè bẹp Anderlecht 10-0 trong trận đấu đầu tiên trên sân nhà. Ngoài ra, họ cũng đánh bại Borussia Dortmund và Athletic Bilbao trên hành trình của mình.

Tuy vậy, đương kim vô địch Real Madrid quá mạnh và Los Blancos đã thắng 5-3 chung cuộc ở bán kết. Điều an ủi cho Red Devils là họ có hai chân sút hàng đầu của Cup C1 là Dennis Viollet với 9 bàn và Tommy Taylor với 8 bàn, trong khi Alfredo Di Stefano của Real Madrid có 7 bàn.

Sau khi vô địch Anh một lần nữa, Man United lại có mặt ở Cup C1. Họ vượt qua Shamrock Rovers và Dukla Prague ở những vòng đấu đầu tiên để lọt vào tứ kết gặp Red Star Belgrade. Trong trận lượt đi trên sân nhà, bàn thắng muộn của Eddie Colman giúp Red Devils thắng 2-1.

Nên nói thêm là Man United thường thi đấu không tốt sau mỗi trận trở về từ châu Âu, vì thế, Busby đã đề nghị thư kí của Football League, Alan Hardaker, hoãn trận đấu kế tiếp. Thế nhưng, đề nghị của ông đã bị từ chối.

Chính vì phải ra sân ở giải vô địch Anh, Man United muốn di chuyển bằng máy bay thay vì bằng phà như kế hoạch ban đầu. Trận lượt về với Red Star diễn ra vào ngày 5/2/1958 và Man United dẫn 3-0 trong 31 phút nhờ cú đúp của Bobby Charlton. Ty nhiên, đội chủ nhà đã gỡ hòa 3-3 và các cầu thủ của Busby phải nỗ lực rất lớn để duy trì kết quả này. Man United thắng chung cuộc 5-4 và lọt vào bán kết.

Một ngày sau, họ bắt đầu chuyến trở về Manchester định mệnh. Chuyến bay từ Belgrade đã hạ cánh ở Munich để tiếp nhiên liệu trong điều kiện thời tiết xấu lúc 13 giờ 15 phút và tuyết rơi dày đặc trên đường băng đồng nghĩa họ phải nán lại Đức lâu hơn.

Lúc 14 giờ 20, máy bay được lệnh cất cánh nhưng rồi mọi nỗ lực của cơ trưởng James Thain và cơ phó Kenneth Rayment không thành. Rồi họ thử lại một lần nữa.

Thất bại ở lần thứ hai cất cánh khiến hành khách phải trở lại sân bay. Theo kế hoạch ban đầu, chuyến bay đã bị hủy bỏ nhưng ở nỗ lực cuối cùng, thảm họa lại xảy ra.

Lúc 15 giờ 04 phút, máy bay tăng tốc nhưng không đạt được tốc độ hay độ cao cần thiết và trượt khỏi đường băng trước lúc đâm vào một hàng rào rồi một nông trại gần đó. Một phụ nữ và ba đứa con của cô đã may mắn thoát chết. Trong khi đó, một phần đuôi máy bay bị vỡ và nhiên liệu đã tạo ra vụ nổ bên trong. Những ai ngồi ở phía sau là những nạn nhân đầu tiên.

Hiện trường tai nạn ngày 06/02/1958

MAN UNITED MẤT GẦN MỘT ĐỘI HÌNH

Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của 23 người, 21 người sống sót. Trong 23 người chết có 8 người là cầu thủ của Man United. Geoff Bent, Roger Byrne, Eddie Colman, Mark Jones, David Pegg, Tommy Taylor và Liam Whelan chết tại chỗ. Cầu thủ Duncan Edwards và cơ phó Rayment chết tại bệnh viện sau 15 ngày.

Nên nói thêm, Edwards khi đấy chỉ mới 21 tuổi và được xem là một trong những tài năng xuất sắc nhất của bóng đá Anh. Trong khi đấy, Johnny Berry và Jackie Blanchflower, em trai của huyền thoại thi đấu cho Tottenham là Danny Blanchflower, không thể thi đấu được nữa vì những chấn thương mà họ gặp phải. 60 năm trôi qua

Thảm họa Munich đã gây chấn động Manchester và xã hội Anh. Hàng nghìn người đã dự đám tang các nạn nhân. Ở nhiều trận đấu trên khắp nước Anh, tất cả đều dành 2 phút để tưởng niệm.

Điều đáng nói là Man United đã được các đối thủ cho mượn cầu thủ sau đó, cũng như là đội bóng duy nhất được phép cho cầu thủ không đủ điều kiện thi đấu ở FA Cup (đã khoác áo đội khác) ra sân.

Trong thời gian Busby vắng mặt, trợ lý Jimmy Murphy là người nắm đội và họ đã đánh bại Sheffield Wednesday 3-0 ở FA Cup vào cuối tháng 2 năm đó. Kinh ngạc hơn, Man United một lần nữa vô địch Anh sau 7 năm và trở thành đội bóng Anh đầu tiên vô địch Cup C1 khi đánh bại Benfica ở Wembley năm 1968.

Sau này, Man United đã tổ chức tưởng niệm thảm họa Munich với nhiều hình thức khác nhau. Chẳng hạn như ngày 7/2/1998, họ tưởng niệm 40 năm thảm họa ở trận gặp Bolton và thời gian được đẩy lên 15 giờ 15 phút cho đúng thời gian máy bay gặp nạn.

Hay năm 2008, lễ tưởng niệm 50 năm thảm họa diễn ra ở Old Trafford với sự tham dự của các thành viên còn sống sót trong đội hình năm 1958. Lễ tưởng niệm diễn ra cùng với việc khánh thành đường hầm Munich nhằm tưởng nhớ đội bóng.

Năm nay, Man United khẳng định lễ tưởng niệm được tổ chức tại Old Trafford vào ngày 6/2/2018 để đánh dấu 60 năm thảm họa. Trước đó, tất cả sẽ dành 1 phút im lặng khi Red Devils có trận gặp Huddersfield Town trong khuôn khổ Premier League vào ngày 3/2.

Mạnh Hào

Busby Babes - Những đứa trẻ của Busby

Tên gọi"Busby Babes" là tên được đặt cho nhóm cầu thủ Manchester United, được tuyển chọn và đào tạo bởi đội trưởng Joe Armstrong và trợ lý Jimmy Murphy thành đội đầu tiên dưới sự quản lý của Matt Busby. "Busby Babes" là tập hợp các cầu thủ trẻ tài năng được đào tạo từ CLB với phương pháp riêng và 8 trong số đó đã chết tại thảm họa máy bay ở Munich 1958. Người sống sót trong lứa "Busby Babes" có Bobby Charlton sau này trở thành huyền thoại của bóng đá Anh và chính Manchester United.

Quan trọng hơn, đào tạo trẻ đã trở thành truyền thống xuyên suốt làm nên sức mạnh của Quỷ đỏ sau này là lứa cầu thủ tài năng thập niên 90 gồm: Beckham, Giggs, Scholes, anh em nhà Neville... là minh chứng.

 

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...