Ngày 15 tháng Giêng vừa qua đã diễn ra lễ kỉ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến ngay tại từ đường của cụ ở làng Bùi, thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
(TT&VH) - Ngày 15 tháng Giêng vừa qua đã diễn ra lễ kỉ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến ngay tại từ đường của cụ ở làng Bùi, thôn Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ông sinh năm 1835, mất ngày 5/2/1909, tức ngày 15 tháng Giêng năm Kỷ Dậu.
>> Trăm năm "Vườn Bùi chốn cũ"
Trước lễ kỉ niệm 100 năm ngày mất Nguyễn Khuyến khoảng 1 tháng, các em học sinh THCS và PTTH huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã được học một chương trình ngoại khóa riêng về tiểu sử, phẩm chất con người cũng như các tác phẩm thơ nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Khuyến.
Đến huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam vào những ngày trước và trong lễ kỷ niệm, du khách sẽ được nghe thân thế sự nghiệp của Nguyễn Khuyến được phát trong các chương trình phát thanh của ĐPT Bình Lục cũng như trên 21 ĐPT của các xã, thị trấn.
Chiếc ao nhỏ trong tư gia của Nguyễn Khuyến
Ngày 15 tháng Giêng, khi đi hết “ngõ trúc quanh co khách vắng teo” với hai bên là hai hàng cớ phướn tung bay rực rỡ, qua cửa “Môn tử môn” – cửa ra vào của học trò, vào đến từ đường Nguyễn Khuyến, du khách thấy 15 bài thơ của Nguyễn Khuyến (trong đó có chùm thơ thu) được ban tổ chức lựa chọn và in trên phướn. Sau phần tế lễ và phần dâng hương của những người cao tuổi trong làng, phần ngâm thơ Nguyễn Khuyến do Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hà Nam thực hiện diễn ra ngay trước từ đường.
“Nguyễn Khuyến vốn tính cương trực, không thích phô trương, chính vì thế lễ kỉ niệm sẽ diễn ra không quá rầm rộ, hoa mĩ mà mang màu sắc của làng quê – nơi mà cụ Tam Nguyên đã cáo quan về ở ẩn hàng mấy chục năm trời” – ông Đặng Thanh Bình, Trưởng phòng Văn hóa huyện Bình Lục nhấn mạnh.
Ông Tùng chăm sóc từ đường Nguyễn Khuyến
Từ đường Nguyễn Khuyến trong những ngày đầu xuân Kỉ Sửu thoang thoảng mùi hoa mộc lan quyện vào với tịnh cảnh trong lành. Ngoài vườn, ông Nguyễn Thanh Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của Nguyễn Khuyến đang lúi húi quét tước con đường gạch nhỏ mà ngày xưa, cụ Nguyễn Khuyến không biết bao lần chống gậy trúc ngồi buông cần ngẫm nghĩ chuyện thế sự. Con đường ấy, du khách đến trong ngày 15 tháng Giêng rất thích dạo bước để ngắm cái ao nhỏ – từng được vinh danh 3 lần trong chùm thơ thu nổi tiếng - và con lạch nhỏ nằm song song tựa như một chiếc bút nghiên hướng lên trời. Hình ảnh cái ao, con lạch chính là hình ảnh của nghiên bút, dụng ý rằng con cháu phải chuyên tâm học hành, dùi mài kinh sử. Ý nghĩa lớn nhất của lễ kỉ niệm 100 năm ngày mất của Nguyễn Khuyến vì thế nằm trọn vẹn trong hình ảnh ấy.
Hà Giang