Tiếp bài về thay thế 6.700 cây xanh tại Hà Nội: Hà Nội hợp với... cây gì?
(Thethaovanhoa.vn) - Quanh cuộc tranh luận về đề án thay thế 6.700 cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội, một câu hỏi đang được dư luận đặt ra: đâu là những loại cây trồng phù hợp với đặc thù kiến trúc, văn hóa và điều kiện tự nhiên của thành phố?
Phóng viên Thể thao&Văn hóa (TTXVN) có cuộc trao đổi với TS Đặng Văn Hà, Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc cảnh quan và Nội thất (ĐH Lâm nghiệp Việt Nam) – người có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề này. TS Hà cho biết:
- Đầu tiên, cây trồng cần được nghiên cứu kỹ về khả năng thích ứng với điều kiện sinh thái tại nơi trồng. Đối với cây đô thị tại Hà Nội, nhiều tiêu chí khác cũng phải được tính đến về đảm bảo an toàn, đặc điểm cảnh quan, văn hóa... Và, để lựa chọn chuẩn xác, đây phải là câu chuyện dài hơi của giới nghiên cứu, chứ không thể là ý kiến cá nhân.
Cụ thể, trước hết phải bàn tới những loại cây chủ đạo, tạo nên sự đặc sắc riêng của cảnh quan cây xanh Hà Nội so với các đô thị khác. Thật ra, loại cây này không nhất thiết phải dàn trải trên khắp Hà Nội, mà chỉ trồng tập trung tại vài công viên hoặc trục trung tâm có đông du khách trong nước và quốc tế để có điểm nhấn đặc trưng. Trong số những cây được nhiều người Hà Nội biết tới như sấu, nhội, vàng anh, tôi cho rằng cây sấu là lựa chọn hợp lý.
* Nhưng, ngoài loại cây "biểu trưng", anh cho rằng còn những loại nào khác phù hợp với đặc điểm của từng khu vực trong Hà Nội?
- Khu phố cổ có vỉa hè hẹp và mật độ đông thì nên chọn những loại cây tán gọn, có hình thức ổn định và khả năng phát triển tốt. Cây cọ có đường kính tán chỉ từ 3-3,5 mét, đường kính thân gần như không thay đổi nên sẽ là lựa chọn hợp lý. Cũng có thể trồng tại đây cây cau ta, tùng la hán hay bách tán. Bổ sung cho các loại cây lâu năm này thì nên có thêm những giàn hoa, bồn hoa dọc theo các phố đi bộ.
Với những khu phố mới, có vỉa hè rộng rãi, có thể trồng những cây lớn như sấu, nhội, lát hoa...Sự thực, loại cây này cũng đã được Hà Nội trồng từ nhiều năm trước và hiện giờ đã lên khá đẹp. Với các khu chung cư sẽ là xoài, lộc vừng, phượng vĩ... Còn trong những khu phố cũ nổi tiếng với các hàng cây như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo...thì chỉ cần thay thế đúng theo loại cây đã có, trong trường hợp bị mục ruỗng gãy đổ.
Nhân đây, tôi xin khẳng định: Hà Nội hoàn toàn có thể tiếp tục trồng mới được những loại cây lớn, có rễ sâu và tán dày, chứ không phải là "bó tay" như một số ý kiến bi quan. Tất nhiên, cây trồng trong công viên sẽ phát triển khá nhanh, còn các loại cây trồng dọc trục đường đô thị thì phát triển chậm. Và muốn có những hàng cây cao to như những cây từ thời Pháp để lại, ta phải chấp nhận chờ 80-90 năm nữa (cười).
* Đề án của Sở xây dựng Hà Nội nhắc tới việc thay thế những loại cây không phù hợp như keo, dâu da, vông, trứng cá, bạch đàn, sung... Anh có tán thành điều này không?
- Ý tưởng đúng, nhưng không có nghĩa là chúng ta nên lập tức chặt bỏ ngay toàn bộ những loại cây thuộc chủng loại này. Chẳng hạn, đề án có nói tới việc nhiều loại cây có sâu như bàng, dâu da, bạch đàn...là do người dân trồng một cách tự phát. Nhưng, như vậy cũng có nghĩa: người dân từng chấp nhận nhược điểm ấy, để thỏa mãn được nhu cầu quan trọng về bóng mát của mình.
Bởi vậy, việc thay thế nên được tiến hành từng bước. Chẳng hạn, cây keo sau khi trồng 9 đến 10 năm thường có hiện tượng mục rỗng thân gây nguy hiểm. Vậy ta có thể duy trì và bắt đầu chặt bỏ từ năm thứ 7 hoặc thứ 8, khi keo bắt đầu mục ruỗng. Rồi, các loại cây đưa vào trồng có thể khác chủng loại, nhưng đã được ươm, trồng, tỉa để có sẵn tán lá từ 2-3 mét, chứ không phải là những cây trồng "trơ khấc" chỉ có đoạn thân cành như hiện nay.
* Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Khu phố cổ có vỉa hè hẹp và mật độ đông thì nên chọn những loại cây tán gọn, như cây cọ...Với những khu phố mới, có vỉa hè rộng rãi, có thể trồng những cây lớn như: sấu, nhội, lát hoa... Với các khu chung cư sẽ là xoài, lộc vừng, phượng vĩ... Còn trong những khu phố cũ nổi tiếng với các hàng cây như Phan Đình Phùng, Hoàng Diệu, Trần Hưng Đạo...thì chỉ cần thay thế đúng theo loại cây đã có, trong trường hợp bị mục ruỗng gãy đổ. |
Cúc Đường (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa