Tiếng sét trong mưa: Thị Bình từ chối 'nối lại tình xưa', quả báo tàn khốc cho Khải Duy
(Thethaovanhoa.vn) - Trong đoạn giới thiệu Tiếng sét trong mưa tuần cuối được chiếu trên truyền hình hé lộ chung cuộc tàn khốc cho nhân vật chính Khải Duy. Thị Bình, người Khải Duy ôm mộng nhung nhớ bấy lâu, không chịu trở về. Thanh Bình, đứa con trai ông yêu thương nhất che đạn cho cha mà chết. Khải Duy vào tù vì sát hại hơn 100 công nhân...
VIDEO: Kết phim ‘Tiếng sét trong mưa’: Thị Bình từ chối nối lại tình xưa cùng quả báo tàn khốc cho Khải Duy
Mọi hậu quả cho những hành động tàn ác, thiếu nhân tính của Khải Duy (Cao Minh Đạt) sẽ đến trong những tập phim cuối cùng của tuần này.
Gặp lại Thị Bình khi tóc cả hai đã phai màu, nhưng Khải Duy vẫn mong mỏi cô trở về bên anh xây dựng mái nhà ấm áp, dù giờ đây hai người có hai bến đỗ. Nhưng Thị Bình lại từ chối, cô đưa ra lý do rằng Khải Duy đã có vợ mới, bản thân cô cũng đã có chồng. Hai người không thể quay trở lại bên nhau được nữa, vì ai cũng đã bước tiếp trong cuộc đời riêng của mình.
Không chấp nhận được sự thật, Khải Duy hỏi vặn Thị Bình rằng có phải chính lão Quý đó đã cản bước Thị Bình hay không? Thấu hiểu những con cuồng ghen của cậu Ba, Thị Bình lo lắng khuyên ông Quý về quê, bà khẩn khoản “Cậu Ba sẽ giết ông đó”.
- Tiếng sét trong mưa tập 54: Lịch phát sóng trên kênh THVL1
- Tiếng sét trong mưa tập cuối: Giá như Thị Bình cho Hải nhận cha sớm hơn, bi kịch đã không xảy ra?
Cũng trong đoạn preview những tập cuối đã tiết lộ, Thanh Bình sau khi che đạn cho Khải Duy bị trọng thương. Anh nằm bất động trong vòng tay của mẹ, tình hình khó có thể qua khỏi.
Trong khi đó cai Tuất đang mách lại với ông chủ Khải Duy, công nhân đồng loạt làm phản, tính kế đến nhà bắt Khải Duy trả mạng cho 100 công nhân bị chết oan. Đau đớn khi Hải (Lâm Minh Thắng), con trai thứ hai của Thị Bình và Khải Duy tuyên bố dõng dạc: “Ác giả thì ác báo thôi, giết người thì đền mạng!”
Đoạn kết có thể thấy Khải Duy đã bị cảnh sát bắt đi tù cho hành động của mình. Đến phút bị cảnh sát bắt đi, Khải Duy vẫn tha thiết nói lời yêu với Thị Bình. Liệu Khải Duy có kịp nắm bắt thứ hạnh phúc mong manh bên người thương khi luật nhân quả đang dần báo ứng?
Khải Duy ngoài yêu Thị Bình chung tình, sâu nặng, còn lại đối xử với mọi người vô cùng độc ác, dã man. Con cái yêu nhau, gia đình rối loạn, cha con anh em bắn nhau, sản nghiệp cả đời không người nối dõi, bản thân Khải Duy bị bắt đi tù... Đó là quả báo tàn khốc mà Khải Duy phải gánh chịu!
>> Link xem Tiếng sét trong mưa tập 54 lúc 20h tối thứ Bảy 2/11 trên kênh THVL1:
https://www.thvli.vn/live/thvl1-hd/aab94d1f-44e1-4992-8633-6d46da08db42
http://hplus.com.vn/xem-kenh-thvl1-truyen-hinh-vinh-long-1-899.html
>> Link xem trọn bộ phim Tiếng sét trong mưa trên THVLi:
https://www.thvli.vn/phim-viet-nam
https://www.thvli.vn/detail/tieng-set-trong-mua
Vì sao Tiếng sét trong mưa gây sốt?
Chuyển thể gián tiếp từ vở kịch nói kinh điển Lôi vũ (1933) của Tào Ngu, phim truyền hình Tiếng sét trong mưa (kịch bản: Phạm Hạ Thu, đạo diễn: Nguyễn Phương Điền, 54 tập trên THVL1) đang tạo nên một cơn sốt đặc biệt với khán giả phía Nam.
Đưa bối cảnh còn đậm chất phong kiến ở Trung Quốc vào câu chuyện thời phong kiến - thực dân tại Nam Bộ ở Việt Nam là việc rất khó và cũng rất đáng khích lệ. Để rồi, cả đạo diễn và ê-kíp đều khá thành công với lựa chọn của mình.
“Tam sao” không… “thất bản”
Gọi là chuyển thể gián tiếp, vì Tiếng sét trong mưa không “uống nước tận nguồn” từ nguyên tác của Tào Ngu, mà phóng tác theo vở cải lương Lôi vũ, vốn do hai soạn giả Thế Anh - Thế Châu chuyển soạn từ kịch bản của Hồng Căn hồi 1985. Có thể nói kịch bản phim là một dạng “tam sao thất bản”, nhưng nhờ vậy mà ít bị lệ thuộc, có thể thêm bớt nhân vật, biến hóa câu chuyện và lột xác về văn hóa.
“Khi làm phim Tiếng sét trong mưa từ một câu chuyện rất nổi tiếng của kịch tác gia Tào Ngu, tôi cứ đắn đo mãi vì lo sợ ảnh hưởng văn hóa của họ. Tôi cùng biên kịch Phạm Hạ Thu đã có những trao đổi cởi mở để làm sao kịch bản chuyển thể phải là chính mình, kịch bản gốc chỉ còn là cái cớ, là cảm hứng để kể câu chuyện Nam Bộ trước năm 1945” - đạo diễn Nguyễn Phương Điền cho biết.
Tiếng sét trong mưa không chỉ là chuyện tình, là chuyện đời của Thị Bình (do Nhật Kim Anh thủ vai) và Khải Duy (Cao Minh Đạt), mà còn là câu chuyện của Nam Bộ thời phong kiến - thực dân trước 1945. Phim đi từ chuyện những tá điền cam phận đến những mâu thuẫn giai cấp và ý thức hệ, để cuối cùng là câu chuyện Nam Kỳ khởi nghĩa.
Để có thể tái hiện được những hình ảnh ngày xưa, với kinh phí rất giới hạn của phim truyền hình, đoàn phim Tiếng sét trong mưa phải mất rất nhiều thời gian trong việc chọn cảnh và thiết kế hiện trường sao cho “ngó tàm tạm được” - chữ của Nguyễn Phương Điền.
Họ đã đi qua các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Đồng Nai… để khảo sát hơn 100 ngôi nhà xưa, với mong muốn có thể tìm được một căn hợp với bối cảnh giàu sang của gia đình Khải Duy. Căn nhà này cũng phải chưa hoặc ít xuất hiện trên các phim trước đó, đặc biệt là phim truyền hình, để khán giả khỏi bị quen mắt.
Với 54 tập phim Tiếng sét trong mưa về bối cảnh trước năm 1945, nhưng kinh phí chỉ gần 10 tỷ đồng, chứng tỏ nhà sản xuất và ê-kíp đã rất “thắt lưng buộc bụng”. Xem phim, nếu ở trong nghề thì khó hình dung họ có thể làm được điều này, quả là kỳ diệu.
“Việt hóa” nhuần nhuyễn và thu hút
Trong cuộc họp báo ra mắt phim Tiếng sét trong mưa, nhà sản xuất Vũ Thị Bích Liên cho biết: “Là người làm kinh doanh, đôi khi tôi tự hỏi tại sao mình lại bỏ nhiều tiền như vậy. Quá trình làm cũng rất vất vả, kể cả khi chọn kịch bản cũng rất khó khăn. Nhưng tôi xác định nó là nghề, không đơn thuần là kinh doanh. Ngay cả khi lợi nhuận của phim thậm chí không bằng bỏ vốn vào ngân hàng, nhưng tôi vẫn chấp nhận. Thực tế, nếu yêu cầu đài truyền hình trả nhiều hơn cũng làm khó cho đài”.
Như lời kể, sau hai năm sản xuất, với gần 10 tỷ đồng bỏ ra, họ lãi chưa được 1 tỷ đồng, khá thấp, nhưng vẫn chấp nhận phiêu lưu để có được một Tiếng sét trong mưa… coi được.
Làm Tiếng sét trong mưa, ê-kíp phim còn gặp một khó khăn gián tiếp, đó là vở kịch Lôi vũ (đạo diễn: Hoa Hạ) từng làm mưa làm gió trên sân khấu Kịch 5B từ 1986. Những cách nhập vai của Việt Anh (nhân vật Chu Phác Viên), Hồng Vân (Thị Bình), Thành Lộc (Chu Xung), Minh Trang (Phồn Y), Hữu Châu (Lỗ Quý)… đã trở thành những vai diễn để đời, đi vào lịch sử sân khấu Việt Nam.
Nguyễn Phương Điền cho biết cái bóng từ kịch nói và cải lương đã ăn sâu vào tâm khảm của anh, nay muốn lột xác để câu chuyện thuần Việt và nhuần nhị, quả là không đơn giản.
Chưa nói, nghĩa của Lôi vũ là “giông tố”, nhưng các soạn giả không chọn vì Vũ Trọng Phụng đã quá nổi tiếng với tiểu thuyết Giông tố, xuất bản thành sách từ năm 1936. Trước đó, khi đăng trên tờ Hà Nội báo, tiểu thuyết này có tên Thị Mịch, mà xét về cuộc đời thì Thị Mịch và Thị Bình trong Lôi vũ có nhiều nét tương đồng. Đạo diễn cho biết cũng vì lý do kinh phí và văn hóa của bản thân, nên khi làm Tiếng sét trong mưa, anh đưa hết câu chuyện về Nam Bộ, để bớt chịu ảnh hưởng. “Thoát xác trước hai nguồn cảm hứng lớn này thật không đơn giản” - Nguyễn Phương Điền nói.
Năm 1997, phim truyền hình Đất phương Nam (đạo diễn: Nguyễn Vinh Sơn, 11 tập) lên sóng, tạo một dấu ấn khó khai mờ trong lòng người xem. Sau cũng có một số phim truyền hình khai thác tương đối thành công chủ đề Nam Bộ trước 1945. Với lượng người xem rất cao như hiện nay, nhiều người đang hy vọng Tiếng sét trong mưa sẽ nối gót Đất phương Nam để tạo ra một dấu ấn mới.
Mi Mi (Nguồn Clip: THVL)