Tiếng Anh không còn là ngôn ngữ mặc định trong làng nhạc Mỹ
(Thethaovanhoa.vn) - Lần đầu tiên vị trí số 1 trên BXH album ở Mỹ thuộc về những ca khúc sở hữu ca từ chủ yếu là tiếng Hàn Quốc. Đó là Love Yourself: Tear của boyband lừng danh K-pop BTS. Nó đã ở trong một trận chiến khốc liệt trên BXH với sản phẩm của ca sĩ Post Malone tuần qua, và cuối cùng đã giành ngôi quán quân - một kết quả vượt xa mức dự đoán ban đầu của những chuyên gia trong ngành.
- Vì sao nói ‘Love Yourself: Tear’ là album nặng tính cá nhân nhất của BTS?
- Fan nổi giận vì ‘Love Yourself: Tear’ của BTS bị lộ rộng rãi trước giờ ra mắt chính thức
- Chưa ra mắt, 'Love yourself: Tear' của BTS đã phá kỷ lục đặt mua trước
Thành công trên BXH của nhạc K-pop và Reggaeton đang góp phần biến đổi nền văn hóa đại chúng tại Mỹ, thậm chí còn tác động tới xu hướng học ngoại ngữ của giới trẻ tại đây.
Ca khúc ngoài tiếng Anh “nở rộ” trên BXH nhạc Mỹ
Thành tích của BTS đến đúng thời điểm, khi mà các ca khúc không có lời bằng tiếng Anh đứng trước cơ hội trở thành hit lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc Hoa Kỳ hơn bao giờ hết.
Trong vòng 16 năm, giữa khoảng thời gian mà Macarena (1996) và Gangnam Style (2012) gây sốt đặc biệt tại đất nước đa màu sắc văn hóa, không có bất kỳ một bài hát nào sử dụng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh có thể lọt Top 10 BXH Billboard Hot 100.
Tuy nhiên, 3 năm trở lại đây, người ta chứng kiến tỷ lệ các ca khúc ngoài tiếng Anh xuất hiện trên Billboard với tần suất ngày càng tăng. Đáng chú ý nhất là thành tích của các nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc Reggaeton (kết hợp của nhiều thể loại đa dạng, gồm nhạc Latin, nhạc Caribbe, hip-hop và pha thêm chất pop), trong đó phải kể tới Despacito của Daddy Yankee kết hợp Luis Fonsi, nó đã lập kỷ lục 16 tuần giữ ngôi đầu BXH vào mùa Hè năm ngoái.
Có thể nói Despacito đã mở ra cánh cửa cho các bản nhạc Latin khác. Trong năm 2016, 1 năm trước khi ca khúc này phát hành, chỉ có 4 ca khúc tiếng Tây Ban Nha lọt Top 100. Vào năm 2017, con số này đã lên tới 19, và gần như chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm nay.
BXH Billboard 100 của tuần trước có 5 bài hát không có lời tiếng Anh, bao gồm Fake Love của BTS (tiếng Hàn Quốc) và Te Bote, Dura, X và Dame Tu Cosita - đều là ca khúc nhạc Reggaeton được hát bằng tiếng Tây Ban Nha.
Âm nhạc tạo đà cho xu hướng học ngoại ngữ
Sau thành công của Despacito, Luis Fonsi nói rằng mình đã nhận được rất nhiều video từ khắp nơi trên thế giới gửi tới, ghi lại hình ảnh "những người đang cố gắng hát tiếng Tây Ban Nha, cố gắng học một chút tiếng Tây Ban Nha qua ca khúc này".
Tiếng Tây Ban Nha từ lâu đã là ngôn ngữ được học phổ biến nhất ở Mỹ, nhưng điều đáng chú ý là mọi người cũng đang cảm nhận được tầm ảnh hưởng của K-pop qua xu hướng học ngôn ngữ mà những người trẻ tại Mỹ theo đuổi.
Từ năm 2013-2016, khi K-pop tăng trưởng mạnh tại Mỹ, số thí sinh ghi danh vào các lớp học tiếng Hàn tại các trường đại học đã tăng 65%, ngay cả trong bối cảnh tổng số lượng tuyển sinh vào các khóa học ngoại ngữ giảm.
Priscilla Kim, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở New York, nơi cung cấp các khóa học ngôn ngữ, cho biết rằng trong cộng đồng các sinh viên trẻ, K-pop đã trở thành một yếu tố thúc đẩy việc họ học thứ tiếng này.
“Trong những năm qua, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến sự phổ biến ngày càng lớn của làn sóng K-pop trong cộng đồng các sinh viên trẻ. Là một tổ chức văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc nằm ngay tại trung tâm của khu phố Hàn, chúng tôi có các khóa học vào mùa Hè được thiết kế riêng cho những người hâm mộ K-pop, những người quan tâm đến việc học ngôn ngữ thông qua lời các ca khúc tiếng Hàn".
Ứng dụng học tiếng nước ngoài nổi tiếng Duolingo cũng cho ra mắt khóa học tiếng Hàn vào tháng 9/2017 và hiện tại đã thu hút 2,78 triệu học viên. Trên các bảng tin của trang web, người dùng đã nói về nguồn cảm hứng học ngôn ngữ được truyền từ các nghệ sĩ K-pop cũng như các chương trình truyền hình Hàn Quốc. Ứng dụng này cũng bao gồm một số bài học dựa trên các thông tin về K-pop.
Hiện tại, phần lớn các bài hát và album được nghe trực tuyến ở Mỹ vẫn là tiếng Anh, nhưng sự gia tăng nhanh chóng của những ca khúc ngoài tiếng Anh trên biểu đồ âm nhạc trong vài năm qua cho thấy đây có thể chỉ là sự khởi đầu.
Tại thời điểm mà nhiều người vẫn lo ngại rằng việc nói các ngôn ngữ khác tiếng Anh ở nơi công cộng có thể đặt bản thân họ vào tình thế khó khăn, không gian nhạc pop dường như đang thể hiện sự tiến bộ và văn minh đáng khen ngợi. Đó là khi một ca khúc được trình bày bằng ngôn ngữ nào chỉ là yếu tố quan trọng thứ hai, đứng sau sự hấp dẫn về giai điệu và cảm xúc âm nhạc mà nó truyền tải!
Duy An (Theo Guardian)