Tiên Yên (Quảng Ninh): Nơi kết nối các sắc màu vùng Đông Bắc
(Thethaovanhoa.vn) - Lễ bế mạc Tuần Văn hóa, thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh lần thứ II/2018 đã diễn ra vào tối qua 14/10. Và với những gì đã thể hiện, có thể khẳng định: Tiên Yên sẽ là một điểm đến đặc biệt của Quảng Ninh trong tương lai gần.
- Tiên Yên (Quảng Ninh) chuẩn bị 'mở cửa' đón khách
- Chùm ảnh: Khám phá Lòng Vàng - một U Minh Thượng giữa lòng Tiên Yên, Quảng Ninh
- 'Đánh thức' phố cổ Tiên Yên, một 'Hội An thứ hai'
Diễn ra từ 4/10, Tuần Văn hóa có sự tham gia của 13 huyện, thị xã ,thành phố trong tỉnh và 3 huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc của tỉnh láng giềng Lạng Sơn. Đó là chuỗi hoạt động gắn liền với một bức tranh phong phú, sinh động và đầy bản sắc của các dân tộc vùng Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm Liên hoan văn nghệ các nhà văn hóa thôn - khu phố văn hóa tiêu biểu tỉnh Quảng Ninh; Giải thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc; Lễ hội ẩm thực gà Tiên Yên; Giải đua thuyền truyền thống...
Điểm nhấn của “ngã ba vùng Đông Bắc”
Đây là lần thứ 2, huyện Tiên Yên tổ chức sự kiện này. Trước đó, từ năm 2017, ngày hội Văn hóa Thể thao các dân tộc vùng Đông Bắc Quảng Ninh đã được tổ chức lần đầu tiên với những mục đích khá cụ thể: tôn vinh các giá trị văn hóa tiêu biểu ở địa phương; xúc tiến đầu tư, phát triển sản xuất hàng hóa, mở mang kinh tế du lịch sinh thái…Và ngay trong lần tổ chức năm 2017, sự kiện này đã rất thành công khi thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, cũng như du khách mọi miền.
Nhưng thực tế, từ trước khi tổ chức sự kiện thường niên này, Tiên Yên vẫn được coi là một điểm đến đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh. Nằm cạnh 2 trục Quốc lộ 18 và quốc lộ 4 B, từ rất nhiều năm, vùng đất này đã là nơi hội tụ nhiều luồng văn hóa, di sản của cộng đồng các dân tộc vùng Đông Bắc như Kinh, Tày, Dao, Sán Chay, Sán Chỉ. Và theo thời gian, với sự giao thoa đan xen văn hóa ấy, bản sắc riêng của Tiên Yên, vùng đất nơi ngã ba sông, ngã ba đường vùng Đông Bắc, đã được tạo lập.
Nhìn trên mặt bằng chung của tình Quảng Ninh, Tiên Yên không có điều kiện tự nhiên với đường bờ biển kéo dài như Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái. Bù lại, huyện Tiên Yên dày đặc các di tích lịch sử - khi toàn huyện có 39 di tích và 8 công trình kiến trúc cổ được trùng tu và xếp hạng.Kèm theo đó là những tập tục sinh hoạt văn hóa rất độc đáo đã được hình thành lâu đời trong lịch sử của các dân tộc vùng Đông Bắc.
Năm 1963 khi đặc khu Hồng Quảng sát nhập với tỉnh Hải Ninh để trở thành tỉnh Quảng Ninh hiện tại, Tiên Yên vẫn giữ nguyên được các nét đẹp văn hóa này. Như chia sẻ của ông Hoàng Thái Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, việc bảo và phát huy giá trị của các dân tộc vùng Đông Bắc tại đây là nhiệm vụ quan trọng, đồng thời cũng là động lực để phát triển kinh tế thông qua mũi nhọn du lịch của Tiên Yên.
“Đặc sản” từ phố đi bộ và ...gà
2 điểm nhấn quan trọng nhất của Tiên Yên tại Tuần Văn hóa vừa qua là Lễ hội ẩm thực gà Tiên Yên và việc khai trương tuyến phố đi bộ.
Thực tế, từ nhiều năm qua, gà Tiên Yên đã được coi là một món ăn đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh. Món ăn này đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công bố là một trong 50 món ăn ngon nhất Việt Nam và luôn thu hút sự quan tâm của hầu hết du khách khi tới đây.
Tại lễ hội ẩm thực gà Tiên Yên vừa qua, hàng chục món ăn chế biến từ thịt gà Tiên Yên đã được giới thiệu với du khách – khi sự kiện này cũng là cuộc thi thu hút 29 đội đến từ 12 xã, thị trấn cùng các đội thi đến các trường học trên địa bàn huyện Tiên Yên. Ở đó, các giải thưởng chính đã lần lượt được trao cho những mâm cỗ trưng bày đẹp mặt, cũng như những món ăn được chế biến sáng tạo từ sản phẩm gà Tiên Yên, trong sự hào hứng của khách tham quan.
Tiếp đó, ngày 6/10, huyện Tiên Yên đã tổ chức khai trương mở rộng khu phố đi bộ, với không gian kéo từ cổng trường Tiểu học thị trấn đến ngã tư phố Lý Thường Kiệt.
Được đưa vào hoạt động từ 2017,khu phố đi bộ Tiên Yên đã được tổ chức trên 2 dãy phố Lý Thường Kiệt và Hòa Bình. Đây là đoạn phố dài gần 1 km, từng được ví như một Hội An thứ 2 với rất nhiều công trình kiến trúc Pháp và Hoa được xây dựng từ khoảng đầu thế kỷ 20. Tại con phố đi bộ này,nhiều hoạt động văn hoá dân gian thường xuyên được tổ chức như biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc và hiện đại, vận hành các trò chơi dân gian, đẩy gậy, đi cà kheo, chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy sạp, tổ chức khu chợ đêm và ẩm thực đêm.
Sau hơn một năm hoạt động, phố đi bộ Tiên Yên đã thu hút khoảng230.000 lượt khách tham quan, với lượng khách trung bình mỗi tối 4.000 lượt người, cao điểm lên tới 16.000 lượt người. Ở lần “nâng cấp” này, bên cạnh việc mở rộng không gian, khu phố đã được thay thế toàn bộ hệ thống đèn lồng đèn nón, xây dựng mới hệ thống cổng chào, nhà vệ sinh công cộng... và thành lập điểm cho thuê trang phục dân tộc thiểu số để du khách chụp ảnh lưu niệm.
Anh Bảo