Tiến sĩ Mỹ đưa ra lời khuyên giúp giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19
Dư luận Mỹ lại dậy sóng vì vấn đề đeo khẩu trang khi Bộ Tư pháp nước này kháng cáo phán quyết của thẩm phán liên bang Kathryn Kimball Mizelle ở bang Florida về việc chấm dứt quy định bắt buộc đeo khẩu trang khi đi máy bay hoặc các phương tiện giao thông công cộng.
Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ khẳng định việc đeo khẩu trang vẫn rất cần thiết để phòng COVID-19. Cho đến khi tòa đưa ra phán quyết cuối cùng, hầu hết các hãng hàng không, sân bay, xe buýt hay các phương tiện công cộng khác đã ngừng yêu cầu hành khách và nhân viên phải đeo khẩu trang.
Hiện dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron vẫn đang là dòng gây bệnh chủ đạo dịch COVID-19 tại Mỹ với khả năng lây lan cao. Dù ít khả năng gây bệnh nghiêm trọng hơn những biến thể trước, song những người cao tuổi, có bệnh lý nền hoặc chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có nguy cơ mắc bệnh nặng hoặc tử vong cao nếu bị nhiễm bệnh. Trong bối cảnh đó, Tiến sĩ John Brooks, Giám đốc y tế của CDC về ứng phó với COVID-19, đã đưa ra một số lời khuyên thiết thực giúp người dân phòng tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.
Lời khuyên đầu tiên là người dân cần ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 hoặc tiêm mũi tăng cường nếu đã hoàn thành liều cơ bản. Việc tiêm mũi nhắc lại cũng được khuyến cáo đối với những người đã tiêm 2 hoặc 3 mũi vaccine của Pfizer hoặc Moderna 4 tháng sau lần tiêm cuối cùng. Đối với người mắc một số bệnh lý, không thể tiêm chủng hoặc đang phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch, có thể cân nhắc dùng 1 liều của Evusheld, hỗn hợp kháng thể đơn dòng điều trị COVID-19 của hãng dược AstraZeneca.
Lời khuyên thứ hai là nên đeo khẩu trang và đảm bảo dùng khẩu trang có chất lượng tốt. Trong một đám đông, càng có nhiều người đeo khẩu trang, thì càng có ít nguy cơ hít phải virus SARS-CoV-2 lơ lửng trong không. Do đó, việc thường xuyên đeo khẩu trang ôm khít mặt đúng cách có thể giúp hành khách không hít phải virus hoặc hạn chế lượng virus xâm nhập vào cơ thể. Tiến sĩ Brooks cũng lưu ý khẩu trang vải sẽ phát huy ít hiệu quả trong việc tránh lây nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, nếu muốn dùng khẩu trang vài, người dân có thể đeo thêm một chiếc khẩu trang y tế dùng một lần ở bên ngoài, vốn được thiết kế có khả năng chống thấm. Tối ưu nhất là nên đeo khẩu trang N95 có dây đeo tai hoặc dây đeo qua đầu để khẩu trang được ôm khít mặt. Ông chia sẻ: "Trước khi khởi hành, hãy luyện tập ở nhà để đảm bảo rằng bạn có thể đeo khẩu trang thoải mái, đúng cách và liên tục".
- Chuyên gia Mỹ nhấn mạnh vai trò của khẩu trang trong phòng dịch Covid-19
- Mỹ xem xét điều chỉnh quy định đeo khẩu trang 'sống chung' với Covid-19
Lời khuyên thứ ba là cân nhắc hạn chế việc trung chuyển và bắt chuyến bay thẳng nếu có thể. Theo ông Brooks, hệ thống lọc không khí của hầu hết các máy bay thương mại đều hoạt động hết công suất ở độ cao trên 3.000 m và có hiệu quả trong việc làm sạch không khí trong những điều kiện đó. Tuy nhiên, khi động cơ phản lực hoạt động trong lúc máy bay đang đỗ để hành khách lên hoặc xuống, những hệ thống lọc không khí sẽ không phát huy hiệu quả. Hiệu quả của những hệ thống này cũng bị ảnh hưởng khi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh. Do đó, việc bắt chuyến bay thẳng sẽ giúp hành khách rút ngắn thời gian đi máy bay giữa đám đông hành khách có hoặc không đeo khẩu trang cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm virus.
Lời khuyên thứ tư là hành khách có thể lên máy bay cuối cùng, đặt chỗ ngồi gần cửa máy bay để dễ dàng xuống nhanh chóng. Nguyên tắc ở đây là dành ít thời gian nhất có thể khi máy bay đang đỗ.
Thứ 5 là ăn hoặc uống một cách thận trọng khi ở trên máy bay. Việc bỏ khẩu trang khi dùng bữa ăn nhẹ hay uống một cốc nước ngọt cũng sẽ là cơ hội để virus xâm nhập vào đường hô hấp. Tốt nhất là hành khách nên nên ăn ở sân bay thay vì trên máy bay, và nhâm nhi bữa ăn của mình ở một khu vực không tập trung đông người.
Lời khuyên cuối cùng là luôn có sẵn các bộ test nhanh COVID-19 và chuẩn bị tinh thần nếu có kết quả xét nghiệm dương tính. Trước khi khởi hành, hành khách nên tự xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Việc xét nghiệm cũng được khuyến cáo thực hiện khoảng 4 ngày hặc lâu hơn sau khi di chuyển bằng máy bay hoặc có triệu chứng mắc COVID-19. Việc phát hiện dấu hiệu mắc bệnh sớm nhất có ý nghĩa quan trọng khi thuốc kháng virus Paxlovid và Molnupiravir hiện đã có sẵn. Việc dùng sớm những loại thuốc này giúp rút ngắn thời gian và điều trị hoặc giảm mức độ nghiêm trọng khi mắc COVID-19.
Phương Oanh/TTXVN