Tiến Luật kể thời đóng vai quần chúng kiếm sống, không có tiền đổ xăng
Sau 13 tập phát sóng đầu tiên, mùa đầu tiên của "Đệ Nhất Mưu Sinh" mùa 1 đã chính thức khép lại với cảm xúc đong đầy của dàn nghệ sĩ tham gia chương trình.
Kết thúc mùa 1, diễn viên Huy Khánh đã xuất sắc dành chiến thắng khi kiếm được số tiền cao hơn từ việc lao động chân chính và giành được danh hiệu "Đệ Nhất Mưu Sinh mùa 1". Theo format của chương trình, Huy Khánh sẽ được tiếp tục hành trình ở mùa 2 và phải đối đầu với một nhân vật mới.
Theo đó, diễn viên Tiến Luật sẽ góp mặt trong chương trình với vai trò người chơi chính thức. Trong mùa 2, Huy Khánh và Tiến Luật sẽ đến Bình Dương và Đồng Tháp để làm việc kiếm tiền.
Tuy không sở hữu ngoại hình điển trai, sáng láng như các tài tử khác, song Tiến Luật vẫn được đông đảo khán giả yêu mến bởi sự thân thiện, duyên dáng. Dù là trên phim ảnh hay chương trình truyền hình, Tiến Luật cũng được hoan nghênh bởi tinh thần chơi hết sức. Bên cạnh đó, Tiến Luật còn là người anh lớn luôn nhường nhịn, hỗ trợ các đàn em.
Khi gia nhập Đệ Nhất Mưu Sinh, Tiến Luật bày tỏ anh không nhận lời góp mặt ở quá nhiều chương trình truyền hình vì sợ khán giả xem nhiều quá sẽ thấy chán, mỗi năm, Tiến Luật chỉ nhận lời tham gia 1 số chương trình phù hợp với bản thân.
"Tôi là người từng không có gì cả, khi mới vào nghề, tôi chật vật kiếm từng đồng để trang trải cuộc sống. Vậy nên, trong một lần tình cờ xem chương trình, tôi đã thích ngay bởi đồng cảm với những con người bình dị, mộc mạc, ngày đêm làm việc, tạo ra giá trị cho cuộc sống này", Tiến Luật bày tỏ.
Ông xã Thu Trang trải lòng từng gặp nhiều khó khăn vì không có nhiều thu nhập ở thời điểm mới bắt đầu sự nghiệp. Tiến Luật cho biết không có tiền đổ xăng phải dắt bộ, từng phải vá bánh xe 5 lần trên đường đến sân khấu tập diễn vì vỏ bánh xe quá mòn không có tiền để thay mới.
Tuy vậy, khi nhận được cơ hội công việc, Tiến Luật đều cố gắng làm hết sức, dù tiền lương có ít cũng không than vãn. Tiến Luật kể thêm: "Có lần kia tôi nhận được vai quần chúng trong phim Hàn Mặc Tử mà mừng đến mức mất ngủ. Tôi chuẩn bị cắt tóc, đổ xăng chạy đến nơi, sau đó đợi từ 5h30 sáng đến 16h chiều mà vẫn rất vui vẻ chỉ để quay cảnh quỳ trong nhà thờ".
Không những thế, vì cần tiền, Tiến Luật đã làm đủ nghề để sống, từ phát tờ rơi cho sân khấu đển diễn rối cạn, làm rối lùn… tất cả những công việc nào kiếm ra tiền một cách lương thiện anh đều làm hết.
"Những năm tháng ấy, tôi trải nghiệm nhiều thứ, diễn từ sân khấu khu nhà giàu tới các xóm ổ chuột, mặc hai lớp đồ hóa trang vừa dày vừa nóng diễn hai tiếng ở nơi công cộng. Lúc đó, tôi thấy cực nhưng khi chuyện qua hết, tôi thấy bình thường", Tiến Luật nói.
"Hồi đó, tôi được trả khoảng 40.000 đồng mỗi điểm diễn, đến quán bar có thể nhận 50.000 - 60.000 đồng. Cát-xê nhiều nhất mỗi đêm của tôi hơn 200.000 đồng", Tiến Luật kể.
Về sau, nhờ sự hỗ trợ của các anh chị lớn trong nghề, Tiến Luật dần có cơ hội tỏa sáng. Khi nhìn lại quãng thời gian khó khăn trước đây, anh cảm thấy đó như những trải nghiệm quý giá, giúp bản thân trưởng thành và trân trọng hơn cuộc sống này.