Tiền đạo Almeida ngày trở lại…
(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 8 năm trước, tiền đạo người Brazil cập bến sông Hàn, ngày thử việc, anh bị nhận xét một cầu thủ chân gỗ, chỉ được cái cao kều, và không biết đá bóng. Đấy là những ngày mà bóng đá Đà Nẵng chuẩn bị cho mùa giải 2006, người tuyển trạch đưa ra nhận xét kia ra đi đầu năm ấy, còn Almeida thì được ở lại.
Duyên kỳ ngộ trong bóng đá khó nói nên lời, để từ đấy anh bước vào lịch sử bóng đá Quảng-Đà như những nhân vật ấn tượng nhất. Trở thành Vua phá lưới 2 mùa liên tiếp 2007, 2008, và cũng trong 2 năm đó anh được bầu chọn là cầu thủ nước ngoài xuất sắc tại sân chơi quốc nội.
Những con số khô khan, nhưng đủ nói lên những đóng góp của anh cho SHB.Đà Nẵng trong thời gian dài. Ngày đó Almeida là nỗi ám ảnh của không ít thủ môn ở đấu trường trong nước, nếu sau này Merlo là một hung thần, thì Almeida là sát thủ đúng nghĩa.
Ngôi sao thầm lặng
Hãy nghe những lời nhận xét của HLV Huỳnh Đức về cầu thủ này: “Anh ta là một ngoại binh để lại cho tôi nhiều ấn tượng, dễ mến, cầu tiến và luôn thi đấu hết mình, nếu cầu thủ nước ngoài nào cũng như anh ta thì tốt biết bao. Bóng đá Việt đã và đang đón rất nhiều ngoại binh hơn 10 năm qua, có cả tốt lẫn xấu, không phải ai cũng để lại hình ảnh đẹp và lung linh, thậm chí có không ít “ông trời con”, nhưng “Đa” thì khác, bởi rất khó để tìm ra những lần khệnh khạng hay làm eo ở anh”.
Cái đáng quý ở Almeida, không chỉ là sự chuyên nghiệp trên sân, mà còn là những nét giản dị đời thường. 4 năm sống ở thành phố này, anh gần như không để lại điều tiếng gì. Hơn thế, là cả cái cách anh chấp nhận nép mình, làm nền cho một tiền đạo sau này như Merlo tỏa sáng, mà ngôi vô địch V-League năm 2009 đã nói lên điều ấy.
Almeida chịu lùi lại phía sau, cả tầm ảnh hưởng cũng như vị trí trên sân, nhường sân khấu và hỗ trợ Merlo là việc đáng khen, dễ gì làm được như thế, nếu không xuất phát từ ý thức nghề nghiệp và tôn trọng đấu pháp của đội bóng.
Cái năm 2009 đáng nhớ ấy của bóng đá Quảng – Đà cũng là thời điểm “chuyển giao” của Almeida và Merlo, một sự thay ca hẳn không nhiều người chờ đợi, cho đến bây giờ vẫn như nỗi ám ảnh.
Ngày Merlo dính chấn thương nặng, người ta đã rùng mình nhớ lại cái ngày mà tiếng còi xe cấp cứu chuyển Almeida vào thẳng bệnh viện, sau pha va chạm trong một buổi tập, tiếng còi xe ngày đó vang động Chi Lăng, nhưng cũng làm giật mình nhiều nơi khác. Lúc đó SHB. Đà Nẵng đang băng băng trên đường về đích, còn Almeida là “hàng nóng” trên sàn chuyển nhượng. Nhưng định mệnh đã không cho “Đa” gắn bó dài lâu ở Chi Lăng.
Ra đi là để trở lại
Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn chép miệng về một lời nguyền không chính thức ở sân Chi Lăng: mỗi chức vô địch dường như đồng nghĩa với việc phải đánh đổi một công thần, không biết có đúng không?
Sau này dù đã bình phục chấn thương để trở lại Việt Nam nhưng Almeida không thể hiện được nhiều, để đến hôm nay, cái tin QNK.Quảng Nam đặt trọn niềm tin vào cựu Vua phá lưới V-League đã đem lại nhiều cảm xúc và tò mò cho những ai từng yêu mến anh.
Cuối tuần này anh sẽ ra sân, trong màu áo đội bóng xứ Quảng, rồi vòng nữa, anh sẽ về Chi Lăng, với rất nhiều kỳ vọng, như chính lãnh đạo đội bóng tâm sự: “Nhìn anh ta vẫn còn tốt, vẫn thể hiện được tố chất và những kỹ năng làm nên tên tuổi của mình. Chúng tôi chấp nhận bỏ đi 2 cầu thủ ngoại khác để dành chỗ cho Almeida, bởi chúng tôi đang kỳ vọng rất nhiều vào việc anh ấy sẽ tạo ra bộ mặt tươi mới hơn những ngày tới”.
Almeida chưa biết sẽ thể hiện ra sao trong ngày trở lại, cũng vì hôm nay anh đã 34 tuổi rồi, sau quãng nghỉ khá lâu, liệu có còn chứng tỏ được khả năng hay không. Nhưng trên hết ngày anh trở lại sân chơi V-League, cũng nhắc nhớ tất cả những cầu thủ đang theo nghiệp bóng banh tại sân cỏ quốc nội rằng thái độ chuyên nghiệp, hết mình sẽ tạo ra nhưng điều tốt đẹp không ai lãng quên.
Đấy còn là ý chí, nghị lực vượt qua những rào cản chấn thương, để có thể thi đấu trở lại. Almeida, hay Merlo hẳn sẽ những tấm gương, là thông điệp tích cực đến lúc này. Ngày Almeida trở lại, người ta tôn trọng quý mến anh, thế là đủ.
Trần Tuấn
Thể thao & Văn hóa