Tiễn biệt nhà nghiên cứu Giang Quân, chủ nhân ‘Giải thưởng Lớn- Vì tình yêu Hà Nội'
Chuyên trang Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội
Nhà nghiên cứu Hà Nội Giang Quân đã viết hơn 30 cuốn sách về Hà Nội (cùng hàng trăm cuốn viết chung với tác giả khác). Ở tuổi gần 90, trên giường bệnh, ông vẫn viết tiếp vài các sách về Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Ông có nhiều tác phẩm tiêu biểu về Hà Nội như: Khâm Thiên gương mặt cuộc đời; Trò chơi trò diễn dân gian vùng Hà Nội, Hà Nội phố phường, Từ điển đường phố Hà Nội, Hà Nội trong ca dao ngạn ngữ, Ký sự địa chí Hà Nội, Văn hóa gia đình người Hà Nội, Thăng Long Hà Nội nghìn năm truyền thống và thanh lịch…
Nhà nghiên cứu văn hóa Giang Quân tên thật là Nguyễn Hữu Thái. Ông sinh năm 1927 tại Cẩm Giàng, Hải Dương. Năm 1950, ông chuyển lên Hà Nội sinh sống và công tác. Từ thời điểm này, ông bắt đầu nghiên cứu Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Sinh thời, ông từng trao đổi với Thể thao & Văn hóa (TTXVN): “Tôi đến với kinh kỳ như một cái duyên. Tôi “phải lòng” văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long từ ngày đó. Nên cũng từ năm 1950, tất cả các tác phẩm của tôi đều viết về Thăng Long- Hà Nội".
Dù không sinh ra ở Hà Nội, nhà nghiên cứu Giang Quân muốn tìm về những nét văn hóa vàng son của kinh kỳ để “sống và lao động như một người Hà Nội đúng nghĩa” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Giang Quân). Từ khi sinh sống và làm việc tại Hà Nội, ông quan sát, học tập những gia đình gia giáo ở Hà Nội như gia đình ông Hoàng Đạo Thúy, gia đình GS Nguyễn Lân và một số học giả khác.
Nhà nghiên cứu Giang Quân trong buổi lễ trao giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội 2015
Với những cống hiến của mình cho Hà Nội, năm 2015, Giải Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội đã vinh danh ông ở hạng mục: Giải thướng Lớn. BTC nêu rõ: Giải Thưởng lớn- Giải Bùi Xuân Phái 2015 trao cho nhà nghiên cứu Giang Quân vì đã dành cả cuộc đời nghiên cứu về Hà Nội, là "cuốn từ điển sống về Hà Nội" với hơn 30 đầu sách chuyên khảo về đất và người Hà Nội.
Tại buổi lễ, nhà Nghiên cứu Giang Quân chia sẻ: “Tôi với họa sĩ Bùi Xuân Phái từng quen biết và cộng tác với nhau trong suốt 20 năm trước đây, trong nhiều ấn bản phẩm, sách báo về Hà Nội. Có một điều tôi rất tiếc là ngày ấy chỉ có thợ khắc tay, do vậy tất cả các bản vẽ của Bùi Xuân Phái đều khắc trên gỗ, nhưng sau khi đưa đi in sách báo, tôi không nghĩ lấy lại các bản khắc gỗ đó, giờ tôi rất hối tiếc. Bởi có ai nghĩ được giá trị ngày mai tất cả các tác phẩm của chúng ta sẽ do thời gian, công chúng, lịch sử sẽ công nhận nó, cũng như hôm nay, sau 70 năm cầm bút, ở tuổi 89, tôi mới được sự công nhận của công chúng Hà Nội. Xin cảm ơn BTC, BGK và công chúng Hà Nội".
Năm 2011, nhà nghiên cứ Giang Quân cũng được tôn vinh là Công dân ưu tú Thủ đô. Sự ra đi của nhà nghiên cứu, nhà Hà Nội học Giang Quân là mất mát lớn với giới nghiên cứu Hà Nội nói riêng và ngành khoa học xã hội nhân văn nói chung.
Phạm Mỹ