Tiền âm phủ trên sân bóng đá
(TT&VH Cuối tuần) - Trong bóng đá Việt Nam có những nhóm, hội cổ động viên đi sân khách không được chào đón mà nếu nhắc tới thì không thể bỏ qua Thanh Hóa, Sông Lam, và gần nhất là Hải Phòng.
>> Chuyên đề: Giá vé “khủng” ở sân Hàng Đẫy
Trong số kể trên thì cổ động viên (CĐV) Sông Lam khi đi làm khách chưa gây nên những hậu quả nghiêm trọng nào, chứ còn Thanh Hóa đã từng làm sân Quân khu 7 bị treo sân, và CĐV Hải Phòng đã khiến cho sân Vinh bị đóng cửa cả tháng và hàng loạt các sân bóng khác bị phạt do tình trạng cố tình đốt pháo sáng và quậy phá trên khán đài lẫn cả ở khu vực ngoài sân.
Từ mùa 2010 trở lại đây các CĐV Sông Lam và Thanh Hóa đã cải thiện được khá nhiều hình ảnh của mình và họ nhận được sự đối xử lịch thiệp khi đi cổ vũ trên sân khách. Hình ảnh các CĐV xứ Nghệ tràn ngập ở sân Thống Nhất và sân Gò Đậu mới đây cộng hưởng với chiến thắng của SLNA là một kết cục trọn vẹn mà 2-3 năm trước có mơ họ cũng không dám nghĩ tới.
CĐV Hải Phòng từ đầu mùa đến giờ cũng đã ghi những bàn thắng của riêng họ. Chỉ riêng việc sau 4 trận chơi trên sân nhà trong tổng số 8 vòng đã đấu mà không có quả pháo sáng nào đốt lên đã là sự tiến bộ đáng ngạc nhiên so với tính cách của một số CĐV Hải Phòng hay lấy sự thách thức luật lệ làm niềm vui cho mình cũng như kỷ lục trên dưới 2 chục án phạt sân họ nhận trong 3 mùa qua.
Cổ động viên Hải Phòng mang tiền âm phủ rải đầy các khán đài sân Hàng Đẫy |
Nhưng đố ban tổ chức sân nào khi đón CĐV Hải Phòng tới sân dám chuẩn bị cho công tác an ninh một cách bình thường giống như các trận đấu khác, tức là chỉ vài chục cảnh sát và những người có chức năng đến sân rảnh rang theo dõi diễn biến trận đấu giống như các khán giả khác.
Sân Hàng Đẫy mùa trước, CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trong trận đấu giữa Xi măng Hải Phòng đá với Hà Nội.T&T, và 3 ngày sau đó lại tiếp tục đốt pháo sáng trong trận đấu với Hòa Phát Hà Nội, liên tục miệt thị trọng tài Trần Công Trọng, và hàng trăm cảnh sát cơ động phải trấn áp ngay trên khán đài và “tóm” được 1 CĐV quá khích. Đấy đều là những trận đấu mà lực lượng an ninh đã được huy động tới mức người ta tưởng không phải là để ứng phó với một trận bóng đá, hay nói cách khác là người ta đã nỗ lực tối đa trong điều kiện có thể.
Ai cũng biết là sân Hàng Đẫy suốt từ năm 2004 tới nay vắng khán giả dù đó là Thể Công truyền thống trước khi bị xóa sổ, là Hà Nội.ACB tiếp nối Công an Hà Nội đầy cá tính, là Hòa Phát Hà Nội từng huy động cả công nhân nhà máy đi xem, hay Hà Nội.T&T vừa vô địch năm ngoái lại còn có sáng kiến ai đi cổ vũ câu lạc bộ còn được hưởng lương và thêm khoản tiền theo trận. Thế nên cái sân Hàng Đẫy mới hay trở thành sân nhà của cả Nam Định, Thanh Hóa, Sông Lam và đặc biệt là Hải Phòng mấy năm gần đây.
Từng có thắc mắc, đó có phải là sự công bằng ngờ nghệch khi các đội bóng Thủ đô đã để Lạch Tray thành Hàng Đẫy trong khi cái mà người ta thường làm trong thế giới bóng đá chỉ bán một số lượng vé nhất định cho các CĐV đối địch (derby Milan nhưng nếu Inter là chủ nhà thì các fan Milan chỉ được vài ngàn vé)?
Chỉ thấy ái ngại cho ban tổ chức sân của Hòa Phát Hà Nội đã quên rằng 200.000đ/vé giờ chỉ tương đương với gần 10 lít xăng, người dân đất cảng dù giàu hay nghèo mà đã chơi thì không kể tiền, và đây là những CĐV sáng tạo nhất Việt Nam trong việc nghĩ ra các cách bày tỏ quan điểm (ủng hộ hay phản đối) khi cổ vũ bóng đá (bằng chứng là mang tiền âm phủ vào sân Hàng Đẫy để “chơi” ban tổ chức).
Và chỉ tiếc là Hải Phòng giờ đây không còn ngôi sao và đá sân khách chưa biết thắng để người dân đất cảng lại nô nức rủ nhau đi xem bóng đá.
Vũ Hoàng