Thủy thủ Popeye tròn 85 tuổi: Một tượng đài hoạt hình
(Thethaovanhoa.vn) - Thủy thủ Popeye là nhân vật hư cấu của họa sĩ Elzie Segar. Nhân vật này xuất hiện lần đầu tiên cách đây 85 năm trong cột truyện tranh Thimble Theatre do công ty King Features phát hành hàng ngày. Các năm sau, một bộ truyện tranh đã ra đời với nhân vật này là trung tâm, với tên gọi Popeye.
Thimble Theatre trở thành một trong những tác phẩm của King Features được ưa thích nhất những năm 1930. Sau khi Segar qua đời vào năm 1938, Thimble Theatre vẫn được một số tác giả, trong đó đáng chú ý nhất là trợ lý của Segar, Bud Sagendorf vẽ tiếp. Năm 1933, loạt phim hoạt hình ngắn chiếu rạp mang tên Thủy thủ Popeye (Popeye the Sailor) đã ra đời. Năm 2002, TV Guide đã xếp Popeye thứ 20 trong danh sách “50 nhân vật hoạt hình vĩ đại nhất mọi thời đại”.
Tuy nhiên, ngoài những điều trên đây còn có những chuyện mà người hâm mộ ít biết hoặc chưa được biết về nhân vật huyền thoại này.
1. Popeye và Olive có thật ngoài đời. Khi họa sĩ Elzie Segar tạo ra Popeye, ông đã dựa vào nguyên mẫu là một nhân vật sống ở quê hương mình, thành phố Chester (bang Illinois, Mỹ). Người đàn ông này tên Frank 'Rocky' Fiegal, bị chột mắt, thích đánh lộn và hút tẩu. Khi Frank qua đời hồi năm 1947, bia mộ ông đã khắc dòng chữ “cảm hứng tạo thành nhân vật Popeye”.
Trong khi đó, cô bạn gái Olive Oyl của Popeye được mô phỏng theo hình ảnh hàng xóm khác của họa sĩ Segar là bà Dora Paskel, một người phụ nữ cao, gầy, thường hay búi tóc.
2. Popeye giúp trẻ em Mỹ ăn rau chân vịt: Người hâm mộ Popeye đều biết rằng bất cứ khi nào cần thêm sức mạnh, chàng thủy thủ lại chén sạch một hộp rau chân vịt và lập tức cơ bắp nổi cuồn cuộn.
Danh tiếng của Popeye và sở thích ăn rau đặc biệt đó khiến cho lượng tiêu thụ rau chân vịt ở Mỹ vẫn tăng 33%, ngay cả trong cuộc Đại suy thoái hồi những năm 1930. Rau chân vịt còn được xếp vào vị trí thứ 3 trong danh sách các loại thực phẩm được trẻ em Mỹ yêu thích nhất mọi thời đại (sau gà tây và kem).
3. Nhân vật hoạt hình đầu tiên được tạc tượng: Năm 1937, một bức tượng Popeye nhiều màu sắc đã được dựng lên ở thành phố Crystal, bang Texas, nhằm ghi nhận nơi đây là vựa rau chân vịt. Đầu năm nay, tỷ phú sòng bạc Steve Wynn đã gây sốc khi chi tới 28 triệu USD để nghệ sĩ Jeff Koons làm tượng Popeye.
4. Popeye biến tòa nhà Empire State thành màu xanh. Năm 2004, tòa nhà Empire đã được chiếu ánh sáng màu xanh lục giống như màu rau chân vịt để kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của nhân vật truyện tranh và hoạt hình nổi tiếng này.
5. Nghệ sĩ lồng tiếng Popeye và Olive yêu nhau ngoài đời. Năm 1933, Popeye lần đầu tiên xuất hiện trong loạt phim hoạt hình ngắn Popeye The Sailor. Trong phim, Popeye luôn phải cạnh tranh với gã xấu bụng Bluto để chiếm được tình cảm của Olive Oyl, một cô gái có tính đồng bóng, hay cáu giận và thường không chung thủy. Từ năm 1935 kéo dài tới hơn 40 năm sau đó, nhân vật Popeye hoạt hình do diễn viên Jack Merce lồng tiếng. Điều thú vị là năm 1938, Mercer đã kết hôn với Margie Hynes, nghệ sĩ lồng tiếng cho cô nàng đỏng đảnh Olive.
6.Popeye truyền cảm hứng tạo nên chuỗi cửa hàng Wimpy’s. Trong cột truyện tranh gốc, Segar đã tạo nên nhân vật hèn nhát, thừa cân và thích ăn hamburger tên J. Wellington Wimpy (được tạo hình dựa theo một trong những ông chủ cũ của Segar). Nhân vật này sau đó đã truyền cảm hứng tạo nên chuỗi nhà hàng Wimpy's và khi muốn lăng mạ ai đó người ta hay dùng từ “wimp” (kẻ hèn nhát).
7. Popeye có công viên chủ đề riêng. Năm 1980, Robert Altman phát hành bộ phim hành động được dàn dựng theo phim hoạt hình Popeye, với vai chính do nam diễn viên hài Robin Williams thủ diễn. Bộ phim này được quay ở Malta và sau khi đóng máy, bối cảnh phim đã trở thành một điểm hút khách du lịch.
8.Nhạc nền phim hoạt hình dựa theo nhạc opera. Popeye The Sailor Man, giai điệu nhạc nền trong loạt phim hoạt hình gốc do nhà soạn ca khúc Mỹ gốc Rumani Sammy Lerner biên soạn. Nhiều người ấn tượng khi biết ông soạn nhạc phẩm này trong vòng chưa đầy 2 tiếng.
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa