Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2: Cái bắt tay lịch sử tại Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Cả thế giới đang hồi hộp dõi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai trong hôm nay với cuộc gặp riêng và một bữa tối thân mật, giữa lúc có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu Tổng thống Mỹ đòi hỏi những gì và Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng nhượng bộ ra sao.
Nhà Trắng công bố chương trình làm việc ngày 28/2 Theo thông tin từ Nhà Trắng, trong ngày thứ hai của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai (ngày 28/2) tại Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào lúc 9h. Sau cuộc gặp dự kiến kéo dài 45 phút này, hai nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục có cuộc họp mở rộng với sự tham gia của phái đoàn cả hai bên. Vào lúc 11h55 sáng 28/2, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ cùng ăn trưa, trước khi tiến hành lễ ký kết thỏa thuận chung - dự kiến vào lúc 14h05. Cuộc họp báo công bố kết quả hội nghị sẽ diễn ra vào lúc 15h50 chiều cùng ngày. Sau cuộc gặp và dùng bữa tối trong ngày 27/2 tại Hà Nội, cả Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên đều bày tỏ sự lạc quan về mục tiêu đạt được nền hòa bình và tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Trên trang mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump viết ông có "cuộc gặp tốt đẹp" và "đối thoại vô cùng tốt đẹp" với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Hà Nội. Theo Phủ Tổng thống Hàn Quốc, nhiều khả năng Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ ký thỏa thuận tuyên bố kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên tại hội nghị thượng đỉnh lần hai ở Hà Nội. Người phát ngôn Phủ Tổng thống Hàn Quốc Kim Eui-kyeom (Kim Ơi-ki-ơm) cho rằng tuyên bố giữa Washington và Bình Nhưỡng có thể là đủ (để kết thúc cuộc chiến tranh này), vì Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc không còn là đối thủ nữa dựa trên quan hệ ngoại giao của các bên được thiết lập từ nhiều thập kỷ trước. |
Mời quý vị bấm Ctrl+F5 để tiếp tục cập nhật
21h. Tổng thống Mỹ sẽ họp báo sau hội nghị ngày 28/2
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết sẽ có một cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào ngày 28/2. Tuy nhiên, ông không nói rõ liệu ông Kim có tham gia cuộc họp báo này hay không.
Thông báo trên được đưa ra sau khi hai nhà lãnh đạo đã tiến hành cuộc gặp ngắn kín và bước vào bữa tối chung với các trợ lý cấp cao nhất của mình tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội tối cùng ngày. Theo kế hoạch, trong ngày 28/2, hai nhà lãnh đạo sẽ gặp lại nhau để thảo luận về nhiều vấn đề, mà ông Trump nói rằng sẽ là "một ngày bận rộn".
Phát biểu sau cuộc gặp kín và chuyển sang phần dùng bữa tối, nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết đã có "cuộc đối thoại thú vị" với Tổng thống Mỹ. Trước đó, ông Kim đã có lời ca ngợi Tổng thống Mỹ vì "quyết định dũng cảm" của ông khi khởi xướng tiến trình gặp thượng đỉnh giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông cũng cho biết thêm rằng bản thân cũng đã nỗ lực và kiên nhẫn hơn bao giờ hết để hội nghị thượng đỉnh diễn ra.
Ông Kim cho biết mong muốn một tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, và sẽ đề xuất đổi lại việc này, ông sẽ cho đóng cửa tổ hợp hạt nhân Yongbyon, được cho là trọng tâm của chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia nhận định một tuyên bố chấm dứt chiến tranh sẽ là bước đi có ý nghĩa đầu tiên hướng tới việc thay thế hiệp định đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp định hòa bình.
Cuộc gặp tại Hà Nội là hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Mỹ và Triều Tiên, diễn ra 8 tháng sau cuộc gặp đầu tiên tại Singapore. Nếu cuộc gặp thứ nhất được đánh giá là cuộc "phá băng" trong quan hệ hai nước sau nhiều thập kỷ thù địch, thì hội nghị lần thứ hai được kỳ vọng sẽ vạch ra được các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa, qua đó duy trì hòa bình vĩnh viễn trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực.
19h01 tối 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt đầu bữa tối và làm việc tại khách sạn Metropole, Hà Nội.
Hai nhà lãnh đạo tươi cười ngồi cạnh nhau trên bàn tiệc, phía sau là quốc kỳ hai nước.
Tổng thống Trump cho biết ngày mai là một ngày "vô cùng bận rộn" và sẽ dẫn tới một "tình hình tuyệt vời". Tổng thống Trump nhấn mạnh lần nữa về mối quan hệ rất đặc biệt với Chủ tịch Kim Jong-un.
Theo người phát ngôn Nhà Trắng Sarah Sanders, bữa tối giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ có quy mô tương đối nhỏ.
Về phía Mỹ, người phát ngôn Sanders tiết lộ tham gia bữa tối cùng Tổng thống Donald Trump có Ngoại trưởng Mike Pompeo, quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và phiên dịch viên Lee Yun-hyang.
Trong khi đó, bên phía Triều Tiên bao gồm Chủ tịch Kim Jong-un, Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương đảng Lao động Triều Tiên ông Kim Yong-chol, Ngoại trưởng Ri Yong-ho và phiên dịch viên Sin Hye Yong.
19h. Tổng thống Mỹ lạc quan về cuộc gặp ngày mai 28/2
Sau cái bắt tay lịch sử thứ hai với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở thủ đô Hà Nội, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng hội nghị lần này sẽ thành công bằng, hoặc sẽ thành công hơn cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore.
Phát biểu trong cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng ngày mai sẽ là một ngày "rất bận rộn" và sẽ dẫn tới một "trạng thái rất tuyệt vời".
Thông tin trên được nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Triều Tiên tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở thủ đô Hà Nội, trong đó hai nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng trong khoảng 20 phút và sau đó cùng dùng bữa tối với các trợ lý. Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng hội nghị lần này sẽ thành công bằng, hoặc sẽ hơn cuộc gặp lần thứ nhất tại Singapore. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng cho rằng Triều Tiên có tiềm năng rất to lớn về kinh tế và ông kỳ vọng chứng kiến những thành quả tốt đẹp, đồng thời sẽ hỗ trợ để Triều Tiên đạt được kết quả đó. Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định ông đã chờ đợi cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Trump, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức trong sự kiện lần này. Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng cuộc gặp tại Hà Nội sẽ tạo ra "các kết quả tích cực".
Về phần mình, ông Kim Jong-un cũng cho biết sẽ nỗ lực hết sức để tạo ra một "kết quả lớn" được toàn dân chào đón. Ông bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng cuộc gặp tại Hà Nội sẽ tạo ra "các kết quả tích cực".
18h50. Hai nhà lãnh đạo hy vọng hội nghị thành công
Tổng thống Mỹ Donal Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã bắt tay nhau tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở thủ đô Hà Nội ngay khi đến khách sạn. Hai nhà lãnh đạo đã chụp ảnh lưu niệm và trao đổi ngắn cùng nhau trước ống kính truyền thông.
Trong màn chào hỏi trước khi bắt đầu cuộc hội đàm riêng kéo dài 20 phút, Tổng thống Trump bày tỏ tin tưởng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này sẽ "rất thành công". Ông đánh giá Triều Tiên có tiềm năng kinh tế lớn.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khẳng định ông đã chờ đợi cuộc gặp thứ hai với Tổng thống Trump, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình trong sự kiện lần này.
18h30. Lãnh đạo hai nước bắt đầu gặp nhau
Đúng 18h30' ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã chính thức bắt đầu hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại khách sạn Sofitel Legend Metropole tọa lạc tại khu vực trung tâm của thủ đô Hà Nội.
Thông báo chính thức của Nhà Trắng trước đó cho biết sau màn chào hỏi, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ có cuộc hội đàm riêng trong khoảng 20 phút và sau đó sẽ có "bữa ăn tối thân mật". Theo kế hoạch, bữa tối sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng rưỡi và kết thúc vào khoảng 20h35'. Dự kiến, hai nhà lãnh đạo sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức trong ngày 28/2.
Hơn 8 tháng kể từ cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều Tiên đầu tiên ở Singapore, cuộc gặp thứ hai giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un được kỳ vọng sẽ tạo những kết quả thực chất và cụ thể liên quan đến tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, cũng như hai bên có thể ra một tuyên bố chính thức đặt dấu chấm hết cho cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Trong 8 tháng qua, cả Mỹ và Triều Tiên đều đã thực hiện một số bước đi, tạo đà cho nỗ lực giải quyết những mâu thuẫn dai dẳng nhiều thập niên. Một số điểm cam kết trong Tuyên bố chung ngày 12/6/2018 đã được xúc tiến thực hiện, như việc tìm lại và trao trả hài cốt của tù binh chiến tranh (POW) và mất tích trong chiến tranh (MIA).
Giới chuyên gia nhận định tại cuộc gặp thượng đỉnh lần này, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bước cụ thể của Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa và những biện pháp tương ứng từ Washington như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương.
17h. Thượng đỉnh Mỹ - Triều sẽ diễn ra tại khách sạn Metropole
Theo thông báo của Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un sẽ họp thượng đỉnh trong hai ngày 27, 28/2 tại khách sạn Metropole Hà Nội.
Khách sạn Metropole Hà Nội, hay còn gọi đầy đủ là Sofitel Legend Metropole Hà Nội, ở số 15 Ngô Quyền, Hà Nội do hai nhà đầu tư người Pháp là André Ducamp và Gustave-Émile Dumoutier xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 1901. Theo thông tin trên trang web của Metropole hiện khách sạn có 364 phòng.
Đây là địa điểm sang trọng từ lâu thường được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn, cũng là điểm gặp gỡ của những du khách đến với Hà Nội vì cả mục đích công việc lẫn nghỉ ngơi.
12h. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump
Trưa 27/2, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc hội kiến Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Trụ sở Văn phòng Chính phủ.
Đoàn xe trong đó có chiếc Cadilac One chở Tổng thống Hoa Kỳ và xe Cảnh sát dẫn đường tiến vào sảnh chính của Trụ sở Văn phòng Chính phủ trong sự chào đón nồng nhiệt của đông đảo cán bộ, chuyên viên Văn phòng Chính phủ và các em thiếu nhi thành phố Hà Nội. Hàng trăm nhà báo thuộc nhiều cơ quan thông tấn báo chí uy tín, quy mô lớn trên thế giới và trong nước đã có mặt trước đó nhiều giờ để chờ đợi, ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc gặp mặt quan trọng này.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trân trọng đón, bắt tay Tổng thống Donald Trump tại sảnh chính của Trụ sở Văn phòng Chính phủ. Hai nhà lãnh đạo tiến vào thảm đỏ, vui vẻ bắt tay, thăm hỏi lẫn nhau, cùng chụp ảnh chung và chào hỏi các em thiếu nhi tham dự lễ đón.
Tổng thống Donald Trump cũng đã vui vẻ tới chào, bắt tay các thành viên Chính phủ của Việt Nam cùng tham dự cuộc hội kiến. Ngay sau đó, hai nhà lãnh đạo dẫn đầu đoàn đại biểu Cấp cao hai nước cùng tiến vào phòng họp, bắt đầu cuộc hội kiến.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiệt liệt chào mừng Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 và các hoạt động song phương với Việt Nam.
Về phần mình, bày tỏ vui mừng trở lại Việt Nam, gặp lại Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết: “Kể từ khi đặt chân đến Việt Nam tối qua, tôi đã thấy nhiều sự thay đổi ở nước các bạn. Và thực sự Việt Nam đã thay đổi rất nhiều, đến hôm nay thì cả thế giới cùng chú ý đến các bạn". Tổng thống Donald Trump bày tỏ hy vọng Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ 2 diễn ra tại Hà Nội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp. Tổng thống Donald Trump đánh giá cao công tác chuẩn bị của Việt Nam cho Hội nghị quan trọng này.
Đây là lần thứ hai, Tổng thống Donald Trump tới Việt Nam. Tháng 11/2017, ông đã thăm chính thức Việt Nam và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.
Trước đó, trong chiều 26/2, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo. Hai bên nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao trong năm 2019, hướng tới kỷ niệm 25 thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020; tiếp tục coi hợp tác thương mại và đầu tư là động lực cho quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ; tăng cường quan hệ giáo dục – đào tạo, giao lưu nhân dân.
Trong trả lời phỏng vấn TTXVN chiều 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, việc Thủ đô Hà Nội của Việt Nam được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai như một minh chứng rõ nét cho vai trò và vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trong khu vực và thế giới.
11h. Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Donald Trump đã có cuộc hội đàm với Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chứng kiến Lễ ký kết 4 văn kiện hợp tác giữa hai nước, với tổng trị giá khoảng 21 tỷ USD.
Các văn kiện hợp tác được ký kết gồm:
+ Hợp đồng mua bán 100 máy bay Boeing MAX 737 giữa Vietjet Air và Boeing (trị giá 12,7 tỷ USD);
+ Thỏa thuận mua bán động cơ máy bay và dịch vụ bảo dưỡng toàn diện trong 12 năm giữa Vietjet Air và GE Aviation (trị giá 5,3 tỷ USD);
+ Hợp đồng mua bán 10 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner giữa Bamboo Airways và Boeing, trị giá gần 3 tỷ USD;
+ Bản ghi nhớ về cung cấp công nghệ và dịch vụ phần mềm ứng dụng quản lý hàng không giữa Tổng công ty hàng không Việt Nam và Công ty Sabre (Hoa Kỳ).
* Trước đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, nhân chuyến công du tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chào mừng Tổng thống Donald Trump và Đoàn đại biểu cấp cao Hoa Kỳ tới Việt Nam; hoan nghênh Hoa Kỳ và Triều Tiên đã chọn Việt Nam làm địa điểm diễn ra cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ hai. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định Việt Nam nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, cũng như khẳng định chủ trương nhất quán trong chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước Việt Nam là coi trọng phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Hoa Kỳ.
Tổng thống Donald Trump bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã hỗ trợ rất chu đáo cho Cuộc gặp Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Tiều Tiên mặc dù thời gian gấp rút; khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ Đối tác toàn diện với Việt Nam, cũng như vai trò của Việt Nam trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện phát triển thực chất và hiệu quả hơn trong thời gian tới.
10h30. 30 phút trước cuộc gặp của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với Tổng thống Donald Trump, công tác chuẩn bị ở Phủ Chủ tịch đã hoàn tất. Các em thiếu nhi tay cầm quốc kỳ 2 nước háo hức chào đón.
Xe dẫn đoàn và xe của Bộ Ngoại giao xuất hiện ở cổng sau khách sạn lúc 10h25. Lực lượng bảo vệ Tổng thống Mỹ cũng ra xe, chuẩn bị làm nhiệm vụ.
10h10. Đoàn Triều Tiên kiểm tra công tác chuẩn bị cho cuộc gặp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un
Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 27/2/2019, đoàn Triều Tiên đến khách sạn Metropole trên phố Ngô Quyền, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) để kiểm tra công tác chuẩn bị và an ninh cho cuộc gặp đầu tiên giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai, theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tối nay 27/2.
Sáng thứ Tư 27/2, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có cuộc tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
An ninh được siết chặt xung quanh khu vực Phủ Chủ tịch với nhiều lớp công an và quân đội túc trực, tuần tra, giao thông qua đây bị hạn chế từ 9h30.
Tổng thống Trump tuyên bố Triều Tiên có tiềm năng tuyệt vời
Ngày 27/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trên Twitter cá nhân tiềm năng kinh tế của Triều Tiên là "tuyệt vời" nếu nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình.
Trên tài khoản Twitter cá nhân, Tổng thống Mỹ viết: "Tiềm năng là tuyệt vời, một cơ hội to lớn, chưa từng có trong lịch sử cho người bạn của tôi Kim Jong Un. Chúng ta sẽ sớm biết thôi - Rất thú vị".
Nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra những nhận định trên ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên tại Hà Nội. Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ chào hỏi nhau vào lúc 18h30' (giờ Hà Nội) tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội. Sau đó, hai bên sẽ có cuộc gặp riêng trong khoảng 20 phút, trước khi dùng bữa tối. Theo kế hoạch bữa tối sẽ kéo dài khoảng 1 giờ rưỡi và kết thúc vào khoảng 20h 35'.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức trong ngày 28/2.
Thắt chặt an ninh khu vực khách sạn Metropole
Từ sáng 27/2/2019, các biện pháp đảm bảo an toàn và lực lượng an ninh tiếp tục được tăng cường tại khu vực Nhà khách Chính phủ và khách sạn Metropole, Quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), nơi dự kiến diễn ra các hoạt động của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai. Các phương tiện giao thông hiện đã bị cấm qua lại trên nhiều tuyến phố Ngô Quyền, Lý Thái Tổ, Lê Thạch...
Cả thế giới hồi hộp theo dõi ngày họp đầu tiên
Hãng tin AP của Mỹ cho biết cả thế giới đang hồi hộp dõi theo Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ bắt đầu Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần hai trong ngày hôm nay với cuộc gặp riêng và một bữa tối thân mật, giữa lúc có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh việc liệu Tổng thống Mỹ đòi hỏi những gì và Bình Nhưỡng sẽ sẵn sàng nhượng bộ ra sao.
Hai nhà lãnh đạo và đoàn tuy tùng đã đến Hà Nội sau những chuyến hành trình dài bằng máy bay, tàu hỏa và ô tô, để tham dự cuộc đàm phán kéo dài hai ngày nhằm giải quyết thách thức an ninh lớn nhất thế giới: chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Giao thông đổ dồn về những con phố vốn đã đông đúc. Tổng thống Trump sẽ mở màn buổi sáng bằng các cuộc gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước khi hướng sự chú ý tới nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Theo thông báo của Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ chào hỏi nhau vào lúc 18h30' (giờ Hà Nội) tại khách sạn Sofitel Legend Metropole ở Hà Nội. Sau đó, hai bên sẽ có cuộc gặp riêng trong khoảng 20 phút, trước khi dùng bữa tối. Theo kế hoạch bữa tối sẽ kéo dài khoảng 1 giờ rưỡi và kết thúc vào khoảng 20h 35'.
Nhà Trắng cho biết tháp tùng Tổng thống Trump trong bữa tiệc tối là Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh Văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney. Bên phía nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng sẽ có sự tham dự của hai trợ lý.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ có một loạt cuộc gặp chính thức trong ngày 28/2.
Donald Trump lên chuyên cơ Không lực Một để khởi hành tới Hà Nội. Video: Global News
21h45. Đoàn xe của tổng thống Donald Trump đã về đến khách sạn Marriott JW, tuy nhiên xe của ông Trump đã tách đoàn xe để đi riêng vào cổng sau. Hàng nghìn người dân phía hai bên đường chờ đón tỏ ra tiếc nuối khi không được nhìn thấy xe và tổng thống Trump.
Nhiều phóng viên báo chí cũng rất tiếc nuối vì đã không có được điều kiện để thu được những hình ảnh tốt nhất, cận cảnh nhất về Tổng thống Donald Trump tại khu vực khách sạn nơi ông lưu trú.
21h15. Đoàn xe chở Tổng thống Donald Trump lăn bánh rời sân bay quốc tế Nội Bài. Lực lượng Cảnh sát giao thông dẫn đoàn xe chở Tổng thống Mỹ đi theo ra cổng nhà khách VIP A, chạy thẳng về phía đường Võ Nguyên Giáp - Nhật Tân.
21h5. Cửa chiếc Không lực Một mở ra. Tổng thống Mỹ Donald Trump bước ra từ cửa cabin Không lực Một ngay sau đó. Ông vẫy tay, tươi cười chào những người có mặt trên sân bay Nội Bài.
Đón Tổng thống Donald Trump tại chân máy bay có Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. Ông Trump và Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vui vẻ chào hỏi trong lễ đón trang trọng tại sân bay.
21h. Không lực Một lăn vào sân đỗ được ưu tiên tại VIP A. Tuy nhiên, thông lệ, các chuyến công du của Tổng thống Mỹ thường có 2 chiếc Không lực Một. Vì vậy, không rõ trên chiếc chuyên cơ vừa hạ cánh có Tổng thống Donald Trump hay không.
Air Force One đáp sân bay Nội Bài lúc 20h58
Đúng 20 giờ 58 phút ngày 26/2/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến Thủ đô Hà Nội, bắt đầu chuyến tham dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai trong 2 ngày 27 - 28/2/2019. Ảnh: TTXVN
Chuyên cơ Không lực Một đi vào khu vực tiếp cận hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nội Bài. Toàn bộ các chuyến bay thương mại đến và đi từ Nội Bài phải dừng hoạt động cất-hạ cánh để ưu tiên vùng trời cho chuyên cơ của Tổng thống Donald Trump.
Theo Thông tin mới nhất, đại diện sân bay Nội Bài cho biết, lịch hạ cánh của Air Force One có thể thay đổi, dự kiến là 20h50 thay vì hơn 21h như thông tin trước đó. Sân bay sẽ dành riêng đường băng cho chuyên cơ của Tổng thống Mỹ trong 10 phút theo yêu cầu của phía Mỹ, thay vì 5 phút như quy định.
Việc điều hành không lưu do phía Việt Nam đảm nhiệm song vẫn có một số mật vụ Mỹ lên đài quan sát phối hợp.
Sau khi hạ cánh, chuyên cơ lăn bánh vào nhà VIP A, có xe của Mỹ bảo vệ phía sau.
Theo thông tin mới nhất, chiếc Air Force One dự kiến đáp lúc 21h. Hiện hai chiếc Cadillac One cùng đoàn xe hộ tống đã tới sân bay Nội Bài, chuẩn bị đón Tổng thống Donald Trump.
Trước khi Air Force One đáp xuống Nội Bài, chó nghiệp vụ của an ninh Mỹ kiểm tra đồ dùng, máy móc của báo chí bên trong sân bay Nội Bài thêm một lượt.
Phóng viên của các cơ quan báo chí trong và ngoài nước được cho ra khu vực báo chí ngoài sát đường băng. Hai xe thang cũng được chuẩn bị. Lực lượng an ninh và đặc nhiệm Mỹ có mặt ở khắp nơi trong sân bay Nội Bài để kiểm tra.
Dọc một số điểm về khách sạn Marriott, nhiều người dân Hà Nội đã đứng đón đợi sẵn. Tại quận Cầu Giấy, nhiều học sinh và giáo viên trên địa bàn cầm cờ, hoa và mặc áo dài đứng 2 bên đường Trần Duy Hưng.
Tại đường Võ Chí Công, tuyến đường Tổng thống Trump đi qua, lực lượng an ninh, quân đội đã được triển khai dày đặc. Các lối cắt ngang đã được rào kín để đảm bảo tuyệt đối cho đoàn xe ưu tiên bảo vệ Tổng thống. Một số người dân đã ra đứng bên Lê đường để chờ tận mắt xem đoàn của Tổng thống đi qua.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dự kiến sẽ đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào khoảng 20 giờ tối nay, bắt đầu chuyến thăm Việt Nam và dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 ở Hà Nội.
Đoàn xe với khoảng 14 chiếc hướng lên sân bay Nội Bài chờ đón Tổng thống Donald Trump
Vào thời điểm này, các đặc vụ Mỹ đang có mặt ở sân bay Nội Bài để đón chuyên cơ số 1 (Air Force One) của ông Trump.
Phóng viên trong nước và quốc tế hồi hộp chờ đón Tổng thống Mỹ Donald Trump
Theo dự kiến đến tối ngày 26/2/2019, đoàn Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Hà Nội, nhiều phóng viên các hãng thông tấn, truyền hình quốc tế và trong nước đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai đã đổ về các điểm dự kiến là nơi ở của Tổng thống Mỹ Donald Trump để đưa những thông tin đầu tiên về sự kiện đang được cả thế giới chờ đợi nhất những ngày này.
Xe "quái thú" ra sân bay đón Tổng thống Mỹ
Trước giờ chuyên cơ của Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ cánh xuống Sân bay quốc tế Nội Bài, an ninh quanh khu vực khách sạn Marriot JW - nơi lưu trú của Tổng thống Mỹ đã được đẩy lên mức cao nhất. Vào lúc 18h40, đoàn xe hộ tống Tổng thống Mỹ đã rời khách sạn tới sân bay Nội Bài để đón Tổng thống Donald Trump.
Cấm nhiều tuyến đường xe Tổng thống Mỹ chạy qua
Thông tin từ Phòng CSGT Công an Hà Nội, từ 17h, các Đội CSGT số 15, số 2, số 3 và số 6 đã triển khai 100% quân số cùng Trung đoàn CSCĐ và Công an, dân quân, dân phòng các quận huyện Đông Anh, Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy cắm chốt tại các giao lộ ở một số tuyến đường từ sân bay Nội Bài về khách sạn Marriott.
Lực lượng chức năng sẽ sử dụng dây phản quang và hàng rào sắt để cấm đường khi đoàn xe của Tổng thống Mỹ đi qua.
Air Force One dừng tiếp nhiên liệu hai lần
Air Force One dừng lần 1 ở Mildenhall, căn cứ Không Quân Mỹ ở Anh để nạp dầu trên đường bay sang Việt Nam.
Bay vòng qua Đại Tây Dương đến Việt Nam nhanh hơn bay ngược Thái Bình Dương đến Việt Nam, đây là kinh nghiệm của Mỹ sau những chuyến đến Việt Nam liên tục 2016-2017. Số lần dừng nạp dầu khi bay ngược Thái Bình Dương cao hơn hai lần với Boeing VC-25.
Lần dừng thứ hai để tiếp nhiên liệu của Air Force One là một căn cứ quân sự ở phía tây nam của thủ đô Doha, Qatar.
Sau đó, Air Force One bay thẳng từ Doha đến Việt Nam.
Không lực số 2 của tổng thống Mỹ tới Đà Nẵng
Dù dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều được tổ chức tại Hà Nội nhưng hàng loạt máy bay dự phòng của Tổng thống Donald Trump lại liên tục đáp xuống sân bay Đà Nẵng những ngày qua.
Trước đó khi hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức vào tháng 11/2017, những máy bay này từng xuất hiện trên bầu trời Đà Nẵng gồm máy bay vận tải C-130J, trực thăng V-22, máy bay vận tải đa năng UC-35 và đặc biệt nhất là chiếc C-32 (Boeing 757).
Nguồn tin riêng của Báo Tuổi Trẻ cho biết chiếc C-32 (Boeing 757) đang đậu tại sân bay Đà Nẵng là chuyên cơ dự phòng của Tổng thống Mỹ, SAM-18. Chiếc C-32 hạ cánh tại sân bay Đà Nẵng sáng 25/2 và dự kiến cất cánh lúc 16h ngày 28/2.
2 lãnh đạo sẽ gặp mặt ít nhất 5 lần ở Hà Nội
Phân tích của Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho thấy Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến sẽ gặp nhau lâu hơn tại cuộc gặp ở Hà Nội, so với sự kiện ở Singapore hồi năm ngoái.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dự kiến có cuộc gặp mặt ít nhất 5 lần trong cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 ở Hà Nội kéo dài trong hai ngày 27 và 28/2.
Theo Yonhap, so với cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 ở Singapore hồi tháng 6/2018, cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Hà Nội dự kiến sẽ kéo dài lâu hơn để hai nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.
Năm ngoái, tại Singapore, ông Trump và ông Kim chỉ có cuộc gặp kéo dài 5 tiếng đồng hồ, trong đó gồm một cuộc gặp riêng và các cuộc gặp mở rộng với sự tham gia của các quan chức hai bên.
Hãng tin Yonhap dẫn tiết lộ của một quan chức chính phủ Mỹ cho biết lịch trình cuộc gặp lần này ở Hà Nội sẽ tương tự với lịch trình tại Singapore. Theo đó, sẽ có cuộc gặp riêng, các cuộc gặp mở rộng, dùng bữa chung và tham gia lễ ký tuyên bố chung.
Theo giới chuyên gia, nếu hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều đạt được một thỏa thuận làm hài lòng đôi bên, họ có thể sẽ họp báo chung trước các phóng viên quốc tế.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders có xác nhận Tổng thống Mỹ Trump sẽ gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tối mai 27/2 tại Hà Nội trước khi dùng bữa tối cùng nhau tại một địa điểm chưa xác định.
Các cuộc gặp sau đó giữa hai bên sẽ được mở rộng với sự tham gia của các quan chức cấp cao và cố vấn.
Thông tin được bà Sanders khẳng định với các phóng viên tháp tùng Tổng thống Trump trên chuyên cơ Air Force One đang hướng về Việt Nam cho cuộc gặp được thế giới trông chờ nhất vào thời điểm này.
Từ Air Force One Tổng thống Donald Trump mong chờ một thượng đỉnh hiệu quả
Từ Air Force One, Tổng thống Donald Trump tweet rằng ông "mong chờ một hội nghị thượng đỉnh rất hiệu quả".
Ông Trump cũng nhắc lại quan điểm của ông về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trên chuyến bay đến Việt Nam. "Với việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn, Triều Tiên sẽ nhanh chóng trở thành một cường quốc kinh tế. Chủ tịch Kim sẽ đưa ra quyết định sáng suốt!" - ông Trump viết trên Twitter.
VIDEO: Lý do khiến Việt Nam được lựa chọn là nơi tổ chức hội nghị thượng đỉnh
Hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin ngoại giao đưa tin dự kiến ông Trump sẽ gặp các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam vào sáng mai 27/2 và sau đó ăn tối với Chủ tịch Kim.
Phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders nói với các phóng viên trên chiếc Air Force One rằng Tổng thống Trump sẽ gặp lãnh đạo Kim trong cuộc họp một - một vào buổi tối ngày 27/2 tại Việt Nam, sau đó dùng bữa cùng với các cố vấn.
Reuters cho biết ông Trump sẽ đến Việt Nam trong chiều nay, 26/2. Sáng 27/2 ông sẽ có một cuộc gặp mặt với các lãnh đạo Việt Nam trước khi bắt đầu hội nghị thượng đỉnh với ông Kim trong buổi chiều 27 và các cuộc họp tiếp theo trong ngày 28.
Một trong những trọng tâm được cộng đồng thế giới quan tâm là liệu thượng đỉnh Mỹ - Triều lần này có thể đưa ra tuyên bố chung gồm các bước cụ thể hướng đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không và các biện pháp tương ứng của Mỹ để đáp ứng lại Triều Tiên.
Theo các quan chức Mỹ, ưu tiên của Washington là đóng băng chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt của Bình Nhưỡng. Ngoài ra Mỹ cũng hi vọng về việc phá hủy có thể kiểm chứng các cơ sở hạt nhân ở Yongbyon và một lộ trình phi hạt nhân hóa rõ ràng.
Trong khi đó, như Yonhap đưa tin, Chủ tịch Kim dự kiến sẽ kêu gọi Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.
Các nhà quan sát không loại trừ khả năng ông Trump và ông Kim sẽ có một cuộc họp báo chung.
Cựu quan chức Mỹ đánh giá những vấn đề cần đàm phán
Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai, cựu Đại diện thương mại và Thứ trưởng ngoại giao Mỹ dưới thời Tổng thống George W Bush, ông Robert Joellick cho rằng cách tiếp cận của Tổng thống Donald Trump đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị lần này cần thực tế và dựa trên những thỏa thuận đã đạt được ở hội nghị lần đầu tiên. Ông Joellick, từng đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB), đã đánh giá về sự kiện quan trọng, thu hút sự quan tâm hàng đầu của thế giới những ngày này.
Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong bài bình luận trên tờ The Wall Street Journal số ra ngày 24/2, cựu quan chức Mỹ tin rằng hội nghị thượng đỉnh lần này cần giải quyết 5 vấn đề. Trước tiên, đó là "tháo ngòi" nguy cơ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên. Việc đình chiến năm 1953 đã dẫn tới mối quan hệ căng thẳng 66 năm nay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc và giờ cả hai bên phải từng bước chấm dứt sự đối đầu dai dẳng này. Nếu nguy cơ bùng nổ chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên không còn hiện hữu, Mỹ có thể giảm số binh sĩ của mình đang đồn trú tại khu vực.
Thứ hai, Triều Tiên và Hàn Quốc cần có một chương trình nghị sự xây dựng lòng tin trong mối quan hệ song phương. Những bước đầu tiên nên tập trung vào các mục tiêu nhân đạo, đoàn tụ gia đình, giao lưu thể thao và kết nối quan hệ cá nhân giữa người với người để dần dần mở cửa xã hội Triều Tiên ra với Hàn Quốc và với cả thế giới. Các dự án kinh tế cần khuyến khích những cải tổ đơn giản nhằm nâng cao đời sống của người dân, phát triển thị trường.
Tiếp đến, theo ông Joellick, các bên phải đàm phán vấn đề an ninh khu vực. Bán đảo Triều Tiên từ lâu đã là nơi diễn ra việc tranh giành quyền lực ở Đông Bắc Á kể từ cuộc chiến Nhật-Trung những năm 1894-1895 và cuộc chiến Nhật-Nga thời kỳ 1904-1905. Để có được an ninh và hòa bình lâu dài, cả hai miền Triều Tiên cần phải hợp tác với các nước châu Á khác và Mỹ trong những vấn đề như hạn chế số tên lửa tầm ngắn hay vấn đề Triều Tiên trao trả những công dân Nhật Bản bị bắt cóc.
Thứ tư, cả Washington và Seoul cần hướng Bình Nhưỡng tới những mô hình cải tổ kinh tế. Trong khi đó, Mỹ và Hàn Quốc, cũng như các quốc gia khác có thể hỗ trợ lương thực, thuốc men cho Triều Tiên khi những lệnh trừng phạt vẫn đang có hiệu lực. Nếu Triều Tiên hướng tới cơ chế thị trường thì các nước nhất là Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc cần mở cửa với quốc gia Đông Bắc Á này.
Và cuối cùng, cựu quan chức ngoại giao Mỹ nhận định tất cả các bên liên quan đều cần chung tay giải quyết mối hiểm họa tên lửa và vũ khí hạt nhân và quá trình này cần được tiến hành từng bước song song với việc xây dựng lòng tin. Triều Tiên cần thực sự ngừng thử và phổ biến tên lửa và vũ khí hủy diệt hàng loạt, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) kiểm tra theo các tiêu chuẩn quốc tế.
Ông Robert Zoellick cũng cho rằng những đề xuất của chính quyền Tổng thống Trump như ký Hiệp ước hòa bình hay mở các văn phòng liên lạc điều phối sẽ không đạt hiệu quả nếu không được kết nối với các mục tiêu về chính sách.
Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa hai nhà lãnh đạo Triều Tiên và Mỹ sẽ diễn ra trong các ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Tại hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên được tổ chức tại Singapore tháng 6 năm ngoái, hai bên nhất trí Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy sự đảm bảo an ninh từ Mỹ.
Hội nghị thượng đỉnh lần hai dự kiến sẽ tập trung đàm phán về các bước phi hạt nhân hóa cụ thể của Bình Nhưỡng và các biện pháp tương ứng mà Triều Tiên yêu cầu Mỹ thực hiện như nới lỏng các lệnh trừng phạt và cải thiện quan hệ.
Nhà Trắng công bố lịch trình
Hãng tin Yonhap dẫn thông báo của Nhà Trắng ngày 25/2/2019 cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau ít nhất 5 lần trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai. Hai nhà lãnh đạo sẽ có bữa ăn tối cùng nhau ở Hà Nội ngày 27/2 trước khi tiến hành hội đàm thượng đỉnh chính thức ngày 28/2.
Trong một diễn biến liên quan sáng nay 26/2, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đến thủ đô Hà Nội (Việt Nam).
Ngoại trưởng Pompeo đã đóng vai trò rất tích cực trong tiến trình đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên thời gian qua.
Tại Căn cứ Không quân Andrews gần Washington, Tổng thống Trump đã lên máy bay Air Force One (Không Lực Một) để bắt đầu chuyến đi tới Việt Nam. Trên máy bay, ông Trump đăng thông báo lên trang Twitter bày tỏ sự lạc quan về một cuộc gặp thượng đỉnh hiệu quả với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trước đó, tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump cũng cho biết ông mong đợi hội nghị thượng đỉnh sẽ diễn ra "rất tốt đẹp", đồng thời bày tỏ mong muốn phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.
Dự kiến, máy bay của Tổng thống Mỹ sẽ đáp xuống sân bay Nội Bài của Hà Nội vào tối 26/2 (giờ Hà Nội).
Trong khi đó, hãng tin Yonhap viện dẫn thông báo cùng ngày của Nhà Trắng cho rằng, Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dự kiến sẽ gặp nhau ít nhất 5 lần trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh diễn ra tuần này. Hai nhà lãnh đạo sẽ có bữa ăn tối cùng nhau ở Hà Nội trong ngày 27/2 trước khi tiến hành hội đàm thượng đỉnh chính thức ngày 28/2.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ có màn chào hỏi nhau trước khi bước vào bữa ăn tối. Sau đó, Tổng thống Trump sẽ được Ngoại trưởng Mike Pompeo và quyền Chánh Văn phòng Nội các Mick Mulvaney tháp tùng tới bữa tối. Trong khi đó về phía Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được tháp tùng bởi hai quan chức Triều Tiên.
Hiện chưa có thông tin chi tiết về lịch trình của sự kiện chính trong ngày 28/2. Tuy nhiên, lịch trình của hội nghị thượng đỉnh tại Hà Nội được cho là tương tự lịch trình Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất diễn ra ở Singapore hồi tháng 6/2018.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo đã tới Hà Nội, trong thông báo trên Twitter, ông cam kết sẽ đạt được tiến bộ trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên cũng như thúc đẩy các mối quan hệ với Bình Nhưỡng.
Về cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Hà Nội, giới chuyên gia nhận định, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bước cụ thể của Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa và những biện pháp tương ứng từ Washington như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương.
Tổng thống Donald Trump thể hiện quan điểm mềm mỏng
Ngày 24/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố trước các thống đốc bang của Mỹ tại Nhà Trắng rằng ông hài lòng chừng nào Triều Tiên vẫn ngừng các vụ thử vũ khí của nước này.
Phát biểu trước khi khởi hành đến Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ cũng cho biết ông tin rằng ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên có chung quan điểm ở một mức độ nhất định và hai bên đã tạo dựng một "mối quan hệ rất tốt đẹp". Theo người đứng đầu Nhà Trắng, ông "không vội vàng và cũng không muốn thúc giục bất cứ ai" trong vấn đề phi hạt nhân hóa. Tổng thống Trump tuyên bố ông không mong muốn có các vụ thử vũ khí và chừng nào Triều Tiên vẫn tiếp tục ngừng các vụ thử như vậy, các bên đều sẽ hài lòng.
Theo giới phân tích, với phát biểu trên, Tổng thống Trump một lần nữa cho thấy lập trường đang dần mềm mỏng hơn trong những ngày gần đây đối với tiến trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ từng cho biết ông sẽ rất vui lòng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng nếu nước này có các tiến triển "có ý nghĩa" trong việc phi hạt nhân hóa.
Tại hội nghị thượng đỉnh song phương lần thứ nhất ở Singapore hồi tháng 6/2018, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Trump đã nhất trí Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn để đổi lấy những đảm bảo an ninh từ phía Mỹ cũng như xây dựng mối quan hệ mới. Tuy nhiên, những cuộc đàm phán triển khai thỏa thuận sau đó không đạt được nhiều tiến triển. Triều Tiên yêu cầu Mỹ có những bước nhượng bộ để đáp lại những động thái của Bình Nhưỡng, trong khi Washington yêu cầu phía Triều Tiên có những động thái cụ thể hơn.
Giới chuyên gia nhận định tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai tại Hà Nội, hai nhà lãnh đạo sẽ tập trung vào những bước cụ thể của Bình Nhưỡng để phi hạt nhân hóa và những biện pháp tương ứng từ Washington như nới lỏng các biện pháp trừng phạt và cải thiện quan hệ song phương. Đây là dịp để nhà lãnh đạo Kim Jong-un thể hiện hình ảnh một nhà lãnh đạo đáng tin cậy để hợp tác về kinh tế và ngoại giao, qua đó thúc đẩy các cơ hội mở rộng hợp tác kinh tế và ngoại giao cho Triều Tiên.
Thảo Nhi