Thuê 'người yêu' về Tết - dịch vụ nở rộ
(Thethaovanhoa.vn) - Cho thuê “người yêu” là một dịch vụ rất “đắt khách” ở Trung Quốc mỗi dịp Tết đến khi những người độc thân chuẩn bị về quê đón Tết.
Việc thuê “người yêu” đã trở nên phổ biến đối với những người ở độ tuổi 2-30 ở đất nước tỷ dân khi họ cho rằng dịch vụ này rất “tiện lợi” bởi như vậy họ không phải bước vào một mối quan hệ chính thức nhưng lại làm vừa lòng cha mẹ khi các bậc phụ huynh luôn sốt ruột và thúc giục con cái mình kết hôn.
Hình ảnh các cô gái mà những chàng độc thân ở Trung Quốc có thể thuê làm "đối tác" trong dịp Tết được đăng tải trên một trang web về dịch vụ này
Một công ty “mai mối” ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Đông Bắc Trung Quốc, cho biết các anh chàng độc thân muốn có được một cô bạn gái để dẫn về nhà “ra mắt” gia đình trong dịp Tết, thì phải bỏ ra từ 2.000 đến 3.000 NDT (khoảng 290-430 USD) cho hai ngày và một đêm để “thuê” đối tác.
Một người làm việc tại công ty mai mối kể trên cho biết, ngoài dịch vụ thuê người, các dịch vụ khác như uống rượu với gia đình không có trong hợp đồng thuê “trọn gói”. Thêm nữa, các khách hàng không được phép đụng chạm đến thân thể các “đối tác” của họ.
Những người có nhu cầu còn có thể tìm đến dịch vụ này qua một số trang web. Có điều, ở Trung Quốc hiện vẫn chưa có luật bảo vệ cho dịch vụ này. Khách hàng có thể ký hợ đồng với các đối tác “rởm” của họ, song theo các luật sư, những hợp đồng như vậy không có giá trị bởi luật hợp đồng của Trung Quốc xác định rõ, đối tượng là hàng hóa hoặc đồ vật chứ người không được công nhận là đối tượng cho thuê.
Ở nhiều nước châu Á, kết hôn vẫn là chuyện không thể "trốn tránh" chứ không phải là lựa chọn cá nhân
Hơn nữa, dịch vụ thuê người như vậy khá rủi ro bởi chưa rõ ai là người có trách nhiệm nếu người được thuê gặp tai nạn hoặc sự cố gì đó khi đang tới thăm gia đình nhà “đối tượng”.
Chưa kể, nhiều thông tin cá nhân của khách hàng sẽ phải tiết lộ cho người được thuê mà thực tế họ hoàn toàn là những người xa lạ.
Dịch vụ cho thuê “người yêu” ở Trung Quốc đang làm ăn rất phát đạt do áp lực về hôn nhân theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, mà ở nhiều gia đình đây là việc không thể “trốn tránh” hơn là sự lựa chọn của cá nhân.
Những người ở tuổi từ 27 trở lên mà vẫn chưa lập gia đình thường bị coi là “ế”. Tuy nhiên, không mang quan niệm của những thế hệ lớn tuổi hơn nhiều người trẻ ở Trung Quốc hiện nay không muốn lập gia đình sớm hoặc không muốn kết hôn.
Có điều, quan niệm xã hội khó có thể thay đổi trong thời gian ngắn bởi vậy nhiều bậc cha mẹ vẫn thể hiện trách nhiệm thúc giục con cái lấy vợ lấy chồng hoặc ít nhất là có người yêu trước tuổi 30.
Điều này đã gây nên áp lực xã hội lớn đối với nhiều người trẻ và để làm hài lòng cha mẹ nhiều người đã chọn cách thuê “người yêu” đưa về trình diện gia đình trong dịp Tết.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp