Thực hư doanh thu triệu đô của Phim Việt
Trong hệ thống rạp Galaxy Cinema, riêng ngày 8/1, Chàng trai năm ấy dự kiến có 67 suất chiếu, đây là phim do họ phát hành, ưu tiên này cũng dễ hiểu.
Từ chuyện “nổ” doanh thu
Thế nhưng, thực tế phòng vé cho thấy phim này cũng đang áp đảo, hệ thống phòng chiếu hùng hậu nhất Việt Nam là CGV (với 22 cụm rạp) ngày 7/1 đã xếp Chàng trai năm ấy là phim ăn khách nhất, trước Để Mai tính 2 và Paddington. Hệ thống phòng chiếu lớn thứ nhì là Lotte Cinema (với 18 cụm rạp) xếp Chàng trai năm ấy sau Khế ước quỷ, và trước Để Mai tính 2. Hệ thống BHD Star Cineplex xếp phim này thứ 3, sau Paddington và Hay không bằng hên…
Nhìn bề mặt thì con số mà Galaxy Cinema công bố cũng có cơ sở, mức độ “nổ” chỉ dao động trong khoảng 20%, nghĩa là nói 30 tỷ đồng, thì thực tế có thể đạt đến khoảng 23 đến 26 tỷ đồng. Theo thống kê ngày 7/1/2015 của PV báo Thể thao & Văn hóa, Chàng trai năm ấy có khoảng 426 suất chiếu tại các cụm rạp lớn trên toàn quốc; nhiều rạp cũ và nhỏ chưa được chiếu phim này. Nhân với mỗi suất chiếu - trung bình có 130 ghế - bằng 55.380 lượt khách; nhân với giá vé trung bình 100.000 đồng/vé sẽ có doanh thu khoảng 5.538.000.000 đồng.
Nhưng đấy là với điều kiện các suất chiếu phải kín chỗ 100%. Trên thực tế, chưa phim nào có thể kín khách từ 8h đến 24h, mà các ngày trong tuần thì số suất chiếu và sức bán vé là khác nhau, nên con số doanh thu 6 tỷ đồng trong ngày đầu công chiếu của Chàng trai năm ấy đã được “làm tròn” quá mạnh tay.
Nếu muốn đạt 30 tỷ đồng sau 5 ngày chiếu thì Chàng trai năm ấy phải có đến 3.000 suất chiếu, trung bình mỗi ngày có khoảng 600 suất, có vẻ không khả thi. Dù để kiếm được 30 tỷ đồng, thậm chí 40 tỷ đồng với Chàng trai năm ấy là điều khả thi, đừng vội “nổ” làm gì. Nếu áp dụng cách tính này với phim Hiệp sĩ mù, Hương Ga (hai phim Việt có doanh thu tốt gần đây) thì chắc chắn con số cuối cùng mà họ đưa ra đã được “bơm thổi” hơi mạnh.
Một chuyên viên cộng tác với Paramount Pictures từng phê phán hành lang rằng việc “nổ” về doanh thu của vài nhà phát hành tại Việt Nam làm cho họ mất niềm tin. Nhiều hãng phim lớn của Mỹ chỉ chọn MegaStar (nay là CGV) để phát hành, một phần vì thị phần, một phần vì CGV chia sẻ được nguyên tắc minh bạch về tài chính và thuế má mà hệ thống quốc tế đang áp dụng. CGV từng muốn minh bạch hóa việc bán vé của tất cả các phim nhưng nhiều nhà sản xuất Việt Nam chưa chịu.
Đến một thị trường tiềm năng cần minh bạch
Theo số liệu mà CGV thống kế và công bố thì doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2006 vào khoảng 5 triệu USD, năm 2010 là 25,7 triệu USD, năm 2012 khoảng 47 triệu USD, cuối năm 2014 ước khoảng 82 triệu USD - liên tục tăng trưởng mạnh trong khoảng 10 năm qua. Nếu không có gì thay đổi, năm 2015 Việt Nam sẽ lọt vào danh sách “thị trường điện ảnh nhiều hơn 100 triệu USD”.
Còn theo tạp chí Hollywood Reporter thì tỷ suất tăng trưởng từ doanh thu bán vé phim của Việt Nam năm 2012 lên đến 614%, xếp cao nhất trong số13 thị trường điện ảnh nóng nhất thế giới.
Cho nên thẳng thắn nhìn nhận thì hiện nay chỉ có mỗi CGV mới đủ sức bán vé 5 ngày được 30 tỷ đồng, vì: 1) hệ thống phòng nhiều nhất; 2) giá vé bình quân cao; 3) đang làm ăn hiệu quả; nhưng ít khi họ có phim đủ sức hút để làm được điều này. Tính luôn suất chiếu trước (sneak show) ngày 11/12/2014, thì đến hết ngày 21/12, phim ăn khách nhất Để Mai tính 2 bán được 824.891 vé, thu về 58.057.489.526 đồng, tương đương 2.722.764 USD. Đây là báo cáo mà CGV gửi riêng cho các đối tác, nếu đưa ra truyền thông, thường sẽ được cộng thêm 5 đến 10%.
Từ một thị trường chiếu phim vốn bị quốc tế xem nhẹ vì phát hành yếu ớt, nhiều phim được bán như cho, đến nay Việt Nam đã là một thị trường đáng chú ý, nên việc việc các nhà sản xuất nâng giá bán và siết lại hệ thống minh bạch doanh thu cũng là điều đương nhiên. Trước bối cảnh như vậy, dù muốn dù không thì các nhà phát hành và cả các nhà sản xuất phim Việt cần phải minh bạch hơn để tạo niềm tin cho các bên, đặc biệt là khán giả.
Văn Bảy - Ngọc Diệp
Thể thao & Văn hóa