Thực hư bôi nước bọt vào buổi sáng lên vùng da mụn có thể khiến mụn 'biến mất'
Thông tin dùng nước bọt để trị mụn được nhiều người truyền miệng qua nhiều năm nay.
Nhiều người truyền tai nhau rằng dùng nước bọt buổi sáng sớm, trước khi ăn sáng để thoa lên mặt, đặc biệt những vùng bị mụn, để như vậy khoảng 20-25 phút rồi rửa sạch với nước sẽ giúp trị mụn hiệu quả. Vậy phương pháp này có hiệu quả hay không?
Theo chuyên gia da liễu Nguyễn Tiến Thành, Hà Nội, nước bọt được sản sinh từ tuyến nước bọt. Nước là thành phần chiếm chủ yếu trong nước bọt (khoảng 99%), phần còn lại là các tế bào biểu mô niêm mạc, vi sinh vật, bạch cầu, enzyme (alpha amylase), chất điện giải (bicarbonate, natri, kali…), chất nhầy, kháng thể, hormone, các chất oiorphin và một số phân tử hoạt tính sinh học như protein, RNA, DNA.
Nước bọt có chức năng quan trọng, giúp hòa tan thức ăn, giữ ẩm khoang miệng, vệ sinh răng miệng, khởi động quá trình tiêu hóa thức ăn.
"Trong y học, người ta có thể dùng nước bọt để xác định chẩn đoán một số vấn đề về sức khỏe như: mụn trứng cá, cholesterol, ung thư, stress, vấn đề tim mạch, dị ứng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn hấp thu canxi…", BS Thành phân tích.
Bác sĩ Thành nhấn mạnh, việc dùng nước bọt trị mụn tiểm ẩn nguy cơ tăng viêm nhiễm vì nước bọt chứa rất nhiều vi khuẩn.
Hơn nữa, nước bọt không có tính acid gây khô, gom cồi mụn. Độ pH nước bọt dao động khoảng 6.2 đến 7.6, trung bình là 6.7. Độ pH này cũng có tính tương đồng với độ pH trên da cho nên câu chuyện về tính acid trong nước bọt giúp làm khô, gom cồi tổn thương mụn là điều phi lý.
"Nhiều người tin rằng các dịch tiết cơ thể vào buổi sáng sớm là thứ tinh khiết nhất nhưng thực tế là quá trình tiết nước bọt giảm xuống đáng kể trong lúc ngủ, điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn sinh sôi, phát triển trong khoang miệng", BS Thành nói.
Ngoài ra, nước bọt có chứa lysozyme (đây là một loại enzyme phân giải nhiều vi khuẩn) và cortisol (tương ứng với nhịp tiết cortisol trong máu và đây là một chất quan trọng trong cơ thể, có thể kháng viêm). Tuy nhiên, nồng độ cortisol trong nước bọt rất thấp nên hiệu quả giảm viêm gần như không đáng kể.
"Chính vì thế, khi sử dụng nước bọt để thoa lên vùng da bị mụn, bạn có nguy cơ viêm da tiếp xúc kích ứng, thậm chí đôi khi khiến vùng da bị mụn nhiễm khuẩn… khiến tình trạng trở nặng hơn", BS khẳng định.
Theo các chuyên gia, để có được một phương án điều trị mụn hợp lý thì cần có sự hiểu biết kĩ lưỡng về sinh lý da lẫn cơ chế sinh mụn. Hầu hết các trường hợp trị mụn thất bại đều do không đến khám và điều trị sớm hoặc không trao đổi thường xuyên với bác sĩ, tự ý bỏ điều trị, ngắt quãng liệu trình.