Thúc đẩy tiêm vaccine phòng Covid-19, đặc biệt là các trường hợp nguy cơ cao
Trong tuần qua (từ 4-8/4), Việt Nam ghi nhận 375 ca mắc COVID-19, tăng cao so với tuần qua. Đặc biệt, trong ngày 8/4 ghi nhận 122 ca mắc, cao nhất trong hơn ba tháng qua.
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.527.701 ca mắc, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca mắc/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.496 ca mắc). Tổng số bệnh nhân được điều trị khỏi hiện là 10.615.053 trường hợp. Số bệnh nhân nặng hiện là 6 ca, trong đó có 5 ca thở ô xy qua mặt nạ, 1 ca thở máy xâm lấn.
Trung bình 7 ngày qua không ghi nhận ca tử vong. Tổng số tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.186 ca, chiếm 0,4% so với tổng số ca mắc. Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Số vaccine đã được tiêm đến nay là 266.022.357 liều; trong đó, tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 223.453.409 liều; tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 23.964.983 liều; tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 18.603.965 liều.
Để chủ động phòng, chống dịch COVID-19, trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục tập trung theo dõi, bám sát tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trong nước, quốc tế; tăng cường giám sát chặt chẽ dịch bệnh tại cửa khẩu, cộng đồng, tại các cơ sở khám, chữa bệnh; tăng cường lấy mẫu các trường hợp nghi ngờ để xét nghiệm, giải trình tự gen, nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, đặc biệt khi các biến thể mới của virus cũng như các biến thể phụ có khả năng gây bệnh nặng, né tránh miễn dịch hay giảm hiệu quả thuốc chữa bệnh.
Cùng đó, Bộ Y tế tiếp tục thúc đẩy việc tiêm vaccine phòng COVID-19 đặc biệt đối với các trường hợp nguy cơ cao, trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi nhất là ở các tỉnh, thành phố lớn, khu vực trọng điểm du lịch, có lượng khách quốc tế cao...
* Tiến hành giám sát việc huy động, sử dụng nguồn lực trong phòng, chống dịch COVID-19
Ngày 4/4, Đoàn Giám sát chuyên đề của Quốc hội về "Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng" đã làm việc với Chính phủ.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết: Đối với việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 sẽ thực hiện giám sát trên phạm vi cả nước, thời gian từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2022. Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng cũng sẽ được thực hiện trên phạm vi cả nước, thời gian từ ngày 1/1/2018 đến hết 31/12/2022.
Theo ông Nguyễn Phú Cường, giám sát chuyên đề này được triển khai nhằm đánh giá đầy đủ, toàn diện, khách quan tình hình, kết quả thực hiện việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng. Trong mỗi nội dung nêu trên sẽ làm rõ tình hình, thực trạng và thực hiện chính sách, pháp luật; kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập; nguyên nhân (chủ quan, khách quan); bài học kinh nghiệm, đặc biệt là mối quan hệ và bài học kinh nghiệm trong xây dựng hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng với công tác phòng, chống dịch.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cần làm rõ cơ sở, căn cứ thực hiện giám sát việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng; từ đó giúp đánh giá cụ thể, chính xác.
"Tập trung giám sát nguồn vaccine với các cơ chế viện trợ, mua sắm, phân phối, sử dụng... Bên cạnh đó, cần làm rõ chủ trương nghiên cứu, sản xuất, chế tạo vaccine, các vật tư, thiết bị trong nước. Chúng ta lo dịch chồng dịch, dịch còn diễn biến phức tạp, cùng sự xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ… Do đó, vấn đề tự lực, tự cường trong chống dịch rất quan trọng, phải giám sát xem đã làm đến đâu. Đồng thời, cần tập trung xem xét việc quản lý huy động và sử dụng nguồn lực nhà nước như: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, các quỹ dự phòng"- Chủ tịch Quốc hội gợi mở.
Trong dự thảo Báo cáo và dự thảo Nghị quyết về kết quả giám sát cũng yêu cầu, hoàn thành việc khắc phục các tồn tại hạn chế, bất cập trong lĩnh vực thanh toán, quyết toán, thanh tra, kiểm tra về huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30/2021/QH15 của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất và Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội (về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024) trong năm 2023.
Báo cáo về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế của Chính phủ do Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày nêu rõ: Tổng số cán bộ làm công tác y tế dự phòng từ Trung ương đến tuyến huyện đáp ứng 42% nhu cầu nhân lực cần có. Số nhân lực y tế thiếu hụt là khoảng 23.800 người, trong đó bác sĩ y học dự phòng thiếu 8.075 người, cử nhân y tế công cộng thiếu 3.993 người...
Chế độ phụ cấp thường trực 24/24 giờ gồm các mức từ 25.000 - 115.000, đồng/người/phiên trực tùy theo phân hạng bệnh viện. Chế độ phụ cấp chống dịch gồm các mức từ 75.000- 150.000 đồng/người/ngày tùy theo nhóm bệnh truyền nhiễm. Mức phụ cấp chống dịch còn thấp, chưa tương xứng so với quy mô, mức độ nguy hiểm của các dịch. Chế độ phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật gồm các mức từ 15.000 - 280.000 đồng/người/phẫu thuật tùy theo công việc thực hiện và loại phẫu thuật (loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III)...
Báo cáo cũng đưa ra những đề xuất trong thực hiện chính sách, pháp luật về y tế dự phòng, như: trong công tác đào tạo nguồn nhân lực làm công tác y tế dự phòng cần tiếp tục đào tạo bác sĩ y học dự phòng; cần có quy định về văn bằng, chứng chỉ hành nghề, lộ trình phát triển rõ ràng để khuyến khích, thu hút sinh viên đăng ký học và thực hiện các hoạt động dự phòng trong hệ thống y tế; ưu tiên miễn hoặc giảm học phí cho ngành bác sĩ y học dự phòng để thu hút sinh viên tham gia...