Thủ tướng Phạm Minh Chính: Không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào
Sáng 20/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan về tình hình sản xuất, cung ứng điện phục vụ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, nhất là vào tháng cao điểm tiêu thụ điện năm 2024 và những năm tiếp theo.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; lãnh đạo các Tập đoàn kinh tế trong lĩnh vực điện và nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, như; than, dầu khí.
* Bảo đảm đủ điện trong năm 2024
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị rà soát, thảo luận về công tác quản lý, điều hành sản xuất, cung ứng điện ở tất cả các khâu, yếu tố gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện; xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với các tình huống có thể xảy ra nhằm chủ động, đảm bảo đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng, không để thiếu điện, nhất là do công tác điều hành.
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, các nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải; đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền Nam, miền Trung ra miền Bắc.
Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, hệ thống điện Quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Thìn. Quý I/2024, sản lượng điện lũy kế đạt 69,34 tỷ kWh, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kW giờ, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.
Để bảo đảm cung ứng điện cả năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, từ tháng 11/2023, Bộ Công Thương phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024; xây dựng các phương án phân phối điện; kịch bản cân đối sản lượng điện; cân bằng công suất các nhà máy điện; thực hiện các giải pháp về vận hành các nhà máy điện; thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng các công trình điện.
Bộ Công Thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt: Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024; Biểu đồ cấp than cho phát điện; Kế hoạch cấp khí cho phát điện; đặc biệt, phê duyệt riêng Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô từ tháng 4- 7/2024.
Cùng đó, Bộ thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện; tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện; thúc đẩy tiến độ công trình Đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối để rà soát, thúc đẩy tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành vào tháng 6/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ kịp phục vụ cung ứng điện vào tháng cao điểm.
Các đơn vị cung cấp nhiên liệu than, khí cho phát điện cam kết cung cấp đủ than, khí cho sản xuất điện trong nước; các hồ thủy điện vận hành hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước để vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ phát điện.
Trên cơ sở các phân tích, đánh giá, cũng như báo cáo, cam kết của các bên liên quan, Bộ Công Thương khẳng định, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được đảm bảo.
Những năm tới, sau khi Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch – Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam.
Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, việc cung-cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhất là khi các tổ máy nhiệt điện than có sự cố. Do đó, việc bổ sung sớm nguồn điện mới, đặc biệt là các nguồn điện chạy nền cho miền Bắc là hết sức cần thiết…
* Tổ chức điều hành phân phối điện hợp lý theo khu vực, thời gian
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; các Tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp liên quan đã chủ động thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng đang tăng cho thấy kinh tế - xã hội đang phát triển tốt. Bên cạnh đó cũng tạo áp lực là phải đáp ứng đủ điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Với mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ trường hợp nào, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, các chủ thể có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động đánh giá, dự báo sát tình hình; xây dựng các phương án, kể cả phương án xấu nhất; xây dựng nhiệm vụ, giải pháp kịp thời, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đáp ứng mục tiêu đề ra.
Theo Thủ tướng, điện có 5 khâu gồm nguồn điện, tải điện, phân phối điện, sử dụng điện và giá điện. Trong đó, về nguồn điện phải đảm bảo cung cho tất cả các vùng miền, lưu ý các tháng cao điểm sử dụng điện ở miền Bắc là tháng 5,6,7.
Để đảm bảo nguồn điện, Thủ tướng yêu cầu vận hành hiệu quả, khai thác, huy động hết công suất của các Nhà máy điện; rà soát, đa dạng hóa các nguồn điện có thể huy động; thúc đẩy các dự án nguồn điện lớn; tập trung cho phương án xấu nhất.
Trong đó, các Nhà máy nhiệt điện than phải sử dụng tối đa nguyên liệu trong nước vừa giúp chủ động nguồn, tăng cường sản xuất trong nước, vừa chống tiêu cực, chống chảy máu ngoại tệ; các doanh nghiệp than phải đẩy mạnh, khai thác tối đa công suất; các Nhà máy thủy điện phải vận hành hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm nước để vừa phục vụ tưới tiêu, vừa phục vụ phát điện. Các Tập đoàn, Tổng công ty cung cấp nguyên, nhiên liệu cho sản xuất điện phải chuẩn bị đầy đủ khí, dầu, than sẵn sáng cung cấp cho sản xuất điện.
Đối với vấn đề pháp lý, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan soạn thảo các nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp, điện tự sản tự tiêu, cơ chế mua bán điện khí, điện áp mái, điện sinh khối, điện rác… sớm trình Chính phủ xem xét. Trong đó, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về mua bán điện trực tiếp tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 để xem xét.
Về tải điện, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu thúc đẩy thi công, khẩn trương hoàn thành Đường dây 500kV mạch 3 Phố Nối – Quảng Trạch trong tháng 6/2024 để đưa điện từ miền Trung, miền Nam ra Bắc; hoàn thành các đường dây tải điện nhập khẩu để bổ sung điện cho sản xuất, tiêu dùng.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo tổ chức điều hành phân phối điện hợp lý theo khu vực, theo thời gian, các đối tượng ưu tiên; đồng thời có giải pháp sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm.
Riêng về giá điện, theo Thủ tướng giá điện phải cạnh tranh, nhưng có sự điều hành của Nhà nước; yêu cầu các Bộ, ngành phối hợp triển khai theo lộ trình phù hợp, tránh giật cục. Trong đó lưu ý tiết kiệm đầu vào, giảm chi phí hành chính trong sản xuất, kinh doanh điện để giảm giá thành điện.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Trong đó, các cơ quan truyền thông đẩy mạnh truyền thông chính sách, hướng dẫn và cổ vũ tiết kiệm điện. Các địa phương thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chọn nhà đầu tư, nhà thầu thực hiện các công trình điện. Đặc biệt, các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, chống tiêu cực trong ngành điện.