Thủ tướng kết luận điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất
(Thethaovanhoa.vn) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
- Sân bay Tân Sơn Nhất 'chật cứng' thân nhân đón người nhà về quê ăn Tết
- Xét xử Nhóm khủng bố đặt bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất: Đề nghị mức án cao nhất 18 năm tù
- Đón dự án, đất quanh sân bay Tân Sơn Nhất bị 'thổi' giá chóng mặt
* Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Thủ tướng Chính phủ đồng ý lựa chọn phương án do Công ty Tư vấn ADP-I (Cộng hòa Pháp) đề xuất, cụ thể là thực hiện việc điều chỉnh Quy hoạch mở rộng, đầu tư, xây dựng mới một nhà ga hành khách hiện đại, đồng bộ và đạt tiêu chuẩn quốc tế tại khu vực phía Nam để đáp ứng yêu cầu phục vụ đạt 20 triệu hành khách/năm, nâng công suất khai thác của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển bằng đường hàng không, bảo đảm tối thiểu đạt 50 triệu hành khách/năm; đồng thời, chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị, các công trình phục vụ cho hoạt động hàng không tại khu vực phía Bắc Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (nơi có vị trí sân golf hiện tại).
Phương án nêu trên đáp ứng được các yêu cầu về tiến độ đầu tư, xây dựng, giải quyết sự quá tải trong giao thông vận tải hàng không, sử dụng hiệu quả quỹ đất và giảm chi phí đầu tư; bảo đảm an toàn, an ninh theo quy định của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Để sớm triển khai phương án điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Công ty Tư vấn ADP-I tiếp tục phối hợp với Công ty Tư vấn ADCC (Bộ Quốc phòng) hoàn thiện phương án điều chỉnh quy hoạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất, đặc biệt là việc sử dụng đất cả về phía Nam và phía Bắc; đồng thời, phối hợp UBND Thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, tính toán tổng thể, đề xuất các giải pháp khả thi nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực bên ngoài Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo, hoàn thiện hồ sơ pháp lý để Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mở rộng Cảng hàng không quốc tế và các Quy hoạch liên quan tại khu vực Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các dự án đầu tư mở rộng… đề xuất phương án, nguồn vốn đầu tư, các cơ chế, chính sách để khởi công dự án trong thời gian sớm nhất; xác định cụ thể lộ trình triển khai chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà ga hàng hóa, sân đỗ tàu bay, khu bảo dưỡng phương tiện, thiết bị, các công trình bảo đảm cho hoạt động hàng không tại khu vực phía Bắc (nơi có vị trí sân golf hiện tại) theo đúng quy định pháp luật về quản lý đầu tư, xây dựng.
UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành liên quan điều chỉnh Quy hoạch hạ tầng giao thông kết nối và các quy hoạch liên quan tại khu vực này, bảo đảm đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo đúng quy định pháp luật; đồng thời, triển khai các giải pháp chống ùn tắc giao thông tại khu vực Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và khu vực lân cận.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, các cơ quan liên quan rà soát quy hoạch, việc sử dụng đất quốc phòng tại khu vực Cảng hàng không - Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, bố trí lại doanh trại của các đơn vị quân đội để thực hiện điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc phòng; ưu tiên, dành quỹ đất cho phát triển giao thông vận tải hàng không, đáp ứng theo yêu cầu mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và các dự án hạ tầng liên quan nhằm giảm ùn tắc giao thông tại khu vực này.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, trong phạm vi chức năng quản lý của mình, chỉ đạo để giải quyết vướng mắc, đáp ứng tiến độ triển khai các dự án trong quy hoạch.
* Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng; trên cơ sở đó, hoàn chỉnh nội dung điều chỉnh cục bộ và cập nhật vào Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; đồng thời tổ chức công bố công khai nội dung điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung theo quy định của pháp luật.
Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 2/2/2012.
Theo Quy hoạch, phạm vi lập quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu bao gồm ranh giới hành chính 7 xã gồm: Thanh Thủy, Phương Tiến, Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Phong Quang thuộc huyện Vị Xuyên và Phương Độ thuộc thành phố Hà Giang.
Khu kinh tế cửa khẩu được quy hoạch thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Thương mại - Dịch vụ - Du lịch - Công nghiệp - Nông lâm nghiệp, tạo thành khu vực thu hút đầu tư và hội nhập quốc tế; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đầu mối giao thông, xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh quan trọng, là cầu nối giữa tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam và hành lang biển Đông, giữa các nước ASEAN và với các nước Đông Bắc Á; là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; là khu vực phát triển bền vững, gắn phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh, quốc phòng, có môi trường sinh thái bền vững.
TTXVN