Thủ tướng Đức đứng đầu danh sách 10 nhân vật nổi bật 2015
(Thethaovanhoa.vn) - Các phóng viên của hãng tin AFP vừa chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất năm 2015, khi bà để lại dấu ấn cá nhân sâu đậm lên làn sóng di cư tới châu Âu và cuộc khủng hoảng tài chính ở Hy Lạp.
- Bà Merkel vượt Putin, Giáo hoàng, trở thành 'Nhân vật có ảnh hưởng nhất năm'
- 'Time' bình chọn Thủ tướng Đức Angela Merkel là Nhân vật của năm 2015
Dưới đây là danh sách đầy đủ của AFP.
1. Angela Merkel. Chính sách mở cửa của bà đã giúp 1 triệu người di cư có thể vào Đức trong năm 2015. Làn sóng người tị nạn, hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc ở Syria, là lớn nhất tại châu Âu kể từ thời Thế chiến 2. Cơn lũ người đã khiến châu Âu nằm dưới sức ép lớn, đồng thời làm lộ ra nhiều vấn đề của khối.
Với những người tị nạn Syria và Afghanistan đang nuôi hy vọng vào châu Âu, bà được họ gọi là "mẹ Merkel". Tuy nhiên một số người đồng cấp của Merkel ở châu Âu và cả một số cộng sự trong đảng của bà lại không vui thú gì, thậm chí còn công khai chỉ trích bà.
Vai trò của bà Merkel như một nhà lãnh đạo không chính thức của châu Âu cũng được thể hiện rõ trong cuộc khủng hoảng tài chính Hy Lạp. Bà kiên quyết giữ vững quan điểm, khi chính quyền Hy Lạp tìm cách chống lại các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc khổ, được triển khai để cứu nền kinh tế nước này.
Bà Merkel còn được bầu chọn là Nhân vật của năm do tạp chí Time thực hiện.
2. Vladimir Putin. Sau cuộc nội chiến ở Ukraine, ông Putin bị cáo buộc can thiệp vào tình hình nước này và bị các lãnh đạo thế giới đối xử lạnh nhạt. Tuy nhiên Putin vẫn có thể đặt mình vào vị trí trung tâm của mọi sự chú ý, khi tham gia giải quyết nhiều vấn đề nóng nhất năm, gồm cuộc xung đột ở Syria.
3. Giáo hoàng Francis. Từ việc giúp hàn gắn quan hệ Mỹ - Cuba, tới việc thúc đẩy hòa bình ở Colombia, vị Giáo hoàng gốc Argentina tiếp tục gây ảnh hưởng tới nhiều vấn đề lớn tại châu lục quê hương ông.
Tuy nhiên ông cũng hoạt động khá tích cực trên quy mô toàn cầu, ví dụ như đã can đảm thực hiện chuyến đi tới vùng Trung Phi bất ổn hay khiến Giáo hội Công giáo trở nên cởi mở hơn.
4. Người Paris. Đó là 1,5 triệu người đã xuống đường ở thủ đô Paris của Pháp, sau các vụ khủng bố nhằm vào tờ báo trào phúng Charlie Hebdo hồi tháng 1 năm nay.
Paris lại bị tấn công một lần nữa vào tháng 11 vừa qua, khi những kẻ khủng bố có liên quan tới lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sát hại 130 người tại nhiều địa điểm quanh thành phố. Nhưng Paris vẫn không hề gục ngã.
5. Abu Bakr Al-Baghdadi. Trong khi Baghdadi gần như biến mất trong năm qua, nhóm IS mà gã này lãnh đạo vẫn tiếp tục mở rộng chiến dịch tàn bạo ra ngoài các vùng lãnh thổ chúng kiểm soát tại Iraq và Syria. Iraq hiện đã tăng sự hiện diện ở Libya và còn tuyên bố gây ra vụ đánh bom khiến một chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi ở Ai Cập.
6. Aung San Suu Kyi. Sau gần 30 năm đấu tranh với chính quyền quân sự độc tài để đòi dân chủ, bà đã nắm quyền ở Myanmar, sau khi đảng của bà giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra hồi tháng 11 vừa qua.
7. Donald Trump. Khi Donald Trump tuyên bố tham gia tranh cử Tổng thống Mỹ, ai cũng nghĩ ông nói đùa. Nhưng tay doanh nhân nổi tiếng với các phát ngôn gây tranh cãi này đang là một ứng cử viên hàng đầu của đảng Cộng hòa để đấu với đối thủ tiềm năng của phe Dân chủ trong cuộc đua Tổng thống Mỹ 2016.
8. Alexis Tsipras và Yanis Varoufakis. Thủ tướng Hy Lạp và cựu Bộ trưởng Tài chính của ông biểu tượng cho sự kháng cự với các chính sách khắc khổ mà châu Âu "kê đơn" cho Hy Lạp để sửa chữa nền kinh tế nước này.
Ngay cả khi Tsipras đã phải từ bỏ nỗ lực kháng cự một số yêu cầu chủ chốt, đảng Syriza của ông vẫn trở thành mô hình đáng học hỏi của phong trào cực tả ở châu Âu.
9. Sepp Blatter. Năm nay, làng bóng đá đã rúng động trước bê bối tham nhũng trong Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và vai trò của ông Blatter trước các trò bẩn thỉu diễn ra trong tổ chức mà ông lãnh đạo.
10. John Kerry và Mohammad Javard Zarif. Đôi khi nỗ lực ngoại giao bền bỉ và sự kiên nhẫn có thể giúp mang tới giải pháp cho các vấn đề phức tạp nhất. Đây là thành tích của hai vị Bộ trưởng Ngoại giao của Mỹ và Iran, những người thông qua các cuộc họp liên tục ở Geneva và Vienna, đã đạt được thỏa thuận lịch sử giúp hóa giải căng thẳng liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa