Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: 'Nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công'
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, chiều 8.11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) nêu: “Nhiều quốc gia trở thành cường quốc kinh tế đồng thời cũng là cường quốc văn hóa trong quá trình phát triển. Thủ tướng cho biết, phát triển văn hoá có phải vấn đề có tầm chiến lược quan trọng xây dựng đất nước ta hay không và Thủ tướng có giải pháp đột phá gì để phát triển văn hóa?” và đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) đề cập vấn đề “trrong tình hình hiện nay, kinh tế tăng trưởng mạnh nhưng đạo đức văn hóa còn nhiều bất cập và đề nghị Thủ tướng cho biết, trong thời gian tới, Chính phủ có thực hiện được chủ trương đầu tư cho văn hóa ít nhất 1,8% tổng chi ngân sách như kết luận T.Ư Đảng hay không?’, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: "Chúng ta phấn đấu trở thành một cường quốc kinh tế nhưng nếu chúng ta không trở thành một cường quốc văn hóa thì chưa thành công.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Việt Nam đã có trên 4.000 năm lịch sử, có một sức mạnh nền tảng rất lớn. Chính vì vậy, văn hóa có tầm chiến lược quan trọng xây dựng đất nước. Chúng ta có lợi thế đó là 54 dân tộc, anh em đoàn kết thống nhất.
Thủ tướng cho rằng, một lợi thế khác về văn hóa đó là đất nước chúng rất nhiều lễ hội truyền thống mà không phải dân tộc nào cũng có được. Đặc biệt, chúng ta có rất nhiều di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới và rất nhiều di sản văn hóa khác rất quý.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, vẫn còn một số tồn tại như bất cập trong quản lý nhà nước về văn hóa; một số cuộc vận động mà Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chưa thực sự được quan tâm, hưởng ứng; Thu hút đầu tư để giữ gìn, phát triển văn hóa còn ít.
Thủ tướng khẳng định, bên cạnh với mục tiêu nâng thu nhập bình quân của người dân Việt Nam vượt qua mức trung bình thì Chính phủ cũng xác định phải quan tâm hết mức đến văn hóa, bản chất của người dân Việt Nam.
"Chúng ta không chấp nhận một nền văn hóa lai căng. Phải làm sao để xứng đáng với truyền thống oai hùng của dân tộc chúng ta qua 4.000 năm lịch sử" – Thủ tướng nói.
"Văn hóa soi đường cho quốc dân đi, câu nói đó đã nói lên tầm quan trọng của văn hoá" – Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Chính vì vậy, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý văn hoá. Kiên quyết bỏ tư duy không quản lý được thì cấm. Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa cạnh tranh với toàn cầu; chấn chỉnh các hành vi lệch lạc về văn hoá".
Cùng với đó, Thủ tướng cũng cho rằng cần truyền thông, giáo dục về văn hoá, giáo dục con người từ nhỏ để có văn hoá, đạo đức, biết lịch sử dân tộc. Con người Việt Nam ứng xử phải có văn hóa kể cả trong gia đình và ngoài xã hội. Đồng thời phải xác định rằng, văn hóa chính là vốn quý của dân tộc.
Liên quan đến câu hỏi về nguồn lực đầu tư cho văn hóa theo Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Thủ tướng cho biết: "Với tầm quan trọng của việc giữ gìn văn hóa trong phát triển kinh tế, xã hội, tôi đề nghị chúng ta nhanh chóng thực hiện chủ trương này. Nếu chưa bố trí được trong năm 2020 thì phải thực hiện từ năm 2021 để văn hóa có vị trí quan trọng trong quá trình phát triển của đất nước chúng ta".
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời chất vấn các nội dung xoay quanh công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo. Công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử.
Phát biểu kết luận 3 ngày chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã có gần 250 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận. Các đại biểu đã nắm chắc thực tiễn, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề chất vấn, nhiều đại biểu tranh luận để làm rõ thêm các vấn đề quan tâm. Cơ bản các đại biểu hài lòng với những nội dung trả lời của các thành viên Chính phủ.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định: Qua 8 kỳ họp cho thấy, phiên chất vấn và trả lời chất vấn cho thấy sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành và trach nhiệm của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội, trước cử tri; trách nhiệm, trí tuệ và năng lực hoạt động của các đại biểu tại nghị trường, không khí dân chủ, đổi mới, tính chuyên nghiệp của hoạt động Quốc hội đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri.
Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành với ý thức, trách nhiệm, đã chuẩn bị kỹ lưỡng, trả lời nghiêm túc, chân thành, không né tránh những vấn đề khó, phức tạp, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu; đồng thời thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực; đưa ra các cam kết khắc phục để tạo sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới.
Quốc hội hoan nghênh, đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, trách nhiệm cao của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ trong việc trả lời chất vấn và thực hiện những điều đã cam kết trước Quốc hội và cử tri cả nước, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, kết quả phiên chất vấn tại kỳ họp này cho thấy, các nội dung chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội lựa chọn đúng và trúng bao quát các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội được nhân dân, cử tri cả nước quan tâm theo dõi và đánh giá cao.
Các câu hỏi chất vấn của các đại biểu một mặt thể hiện vai trò, trách nhiệm, quyền giám sát của Quốc hội, nhưng mặt khác cũng chính là sự chia xẻ những khó khăn trong công tác quản lý, điều hành của Chính phủ, đồng thời cũng là những gợi ý, bổ sung những giải pháp cho chương trình, kế hoạch của Chính phủ, các bộ, ngành để từ đó có các quyết sách phù hợp trong quản lý, điều hành, đáp ứng niềm tin và sự mong mỏi của Nhân dân và cử tri. Điều này cho thấy sự đồng hành của Quốc hội với Chính phủ như Thủ tướng đã nói trong phần trả lời chất vấn của mình.
Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn là có hạn, có nội dung đã được trao đổi, trả lời tương đối cụ thể, nhưng cũng còn nhiều nội dung cần tiếp tục được làm rõ. Có những vấn đề cần làm ngay, nhưng cũng có những nội dung phải có thời gian, có lộ trình để triển khai. Các nội dung cụ thể về từng lĩnh vực đã được kết luận tại mỗi phiên chất vấn đối với các Bộ trưởng.
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Sớm khắc phục hạn chế, tồn tại của lĩnh vực thông tin và truyền thông
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Khẩn trương ban hành quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam
- Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: 'Tàu 67' làm 'nóng' nghị trường Quốc hội
“Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cấp, các ngành nghiên cứu tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc ý kiến của đại biểu Quốc hội, của cử tri và nhân dân gửi đến các kỳ họp, triển khai đồng bộ các giải pháp thiết thực nhằm tạo chuyển biến tích cực đối với những lĩnh vực quản lý”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Trên cơ sở chất vấn của các đại biểu và trả lời của các thành viên Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, chuẩn bị nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở pháp lý cho việc giám sát thực hiện, đồng thời, giúp Chính phủ, các bộ, các ngành thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình, nhất là những cam kết của thành viên Chính phủ trước Quốc hội.
Tại kỳ họp cuối năm 2020, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Đề nghị các Bộ trưởng, trưởng ngành tập trung chỉ đạo, có biện pháp thiết thực, thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Quốc hội để báo cáo Quốc hội.
Theo Báo Văn hóa