Thư SEA Games: Khi Ánh Viên vượt lên Công Phượng
(Thethaovanhoa.vn) - Sự săn đón của truyền thông khu vực (và cả ngoài khu vực) suốt mấy ngày qua khi Ánh Viên từ Mỹ đến thẳng Singapore nói lên điều gì?
Đó là danh tiếng của một kình ngư đã được xếp vào diện một trong những gương mặt xuất sắc nhất trong lịch sử bơi Đông Nam Á.
Có thể xếp Ánh Viên ngang với những ngôi sao Show Yi Ting của Malaysia hiện đang nắm giữ 3 kỷ lục SEA Games trong đó có kỷ lục đến nay đã được 6 “tuổi” ở nội dung 200m hỗn hợp.
Huyền thoại bơi Đông Nam Á khác là Tao Li (Singapore) đang nắm 4 kỷ lục SEA Games với những nội dung bơi bướm.
Singapore là cường quốc bơi của Đông Nam Á và trong số những kỷ lục gia mà họ vẫn giữ tới ngày hôm nay còn có Quah Ting Wen.
Bơi là môn thể thao Olympic, một sự thật hiển nhiên. Vì thế nó là một trong những đỉnh cao của những đỉnh cao ở bất cứ kỳ Đại hội thể thao cấp độ nào. Những người vĩ đại nhất trong lịch sử Olympic có những kình ngư, mà chúng ta khó quên những Ian Thorpe và Michael Phelps.
Với Việt Nam, bơi từng là nỗi khát khao và chứng kiến hàng thập kỷ tay trắng. Cách đây đúng 10 năm, Hữu Việt giành HCV nội dung 100m ếch đã khép lại một chương buồn cho bơi Việt Nam kéo dài tới 40 năm không có nhà vô địch Đông Nam Á nào.
Những tấm HCV ở môn bơi ếch, nội dung không được đánh giá cao nhất trong hệ thống bơi, cũng đủ để Hữu Việt được tôn vinh như “hoàng tử ếch”.
Giờ thì chúng ta có Quý Phước, và đặc biệt là Ánh Viên, người được coi là cô gái thép của thể thao Đông Nam Á và người được cho rằng cứ thả mình xuống nước là có huy chương.
Sự xuất hiện và xuất sắc của Ánh Viên đã phá thế thống trị của người Singapore và người Malaysia ở môn bơi lội SEA Games. Đông Nam Á kinh ngạc vì Ánh Viên, bởi hơn ai hết, họ biết rằng để phát triển bơi không chỉ là nguồn tài năng trẻ mà còn ở sự hậu thuẫn của khoa học công nghệ trong quá trình đào tạo.
Như một trong những cường quốc thể thao thế giới là Đức, để đào tạo được một kình ngư đẳng cấp thế giới họ đầu tư cả triệu USD và ứng dụng những công nghệ hàng đầu, trong đó có việc tạo ra một chiếc bể bơi nhân tạo giống như một ghềnh nước, cuốn phăng những gì “bơi” ngược chiều, để tăng cường sức mạnh và đẩy cao giới hạn nỗ lực.
Những điều đó khiến cho những tấm HCV bơi luôn có giá trị nhất định, nhất là ở những đại hội thể thao mà môn bóng đá không chỉ là tập thể, và những ngôi sao chỉ là dạng tiềm năng và không có những vị trí quan trọng trong lịch sử SEA Games.
Tất nhiên, tấm HCV bóng đá có giá trị nhất bởi nó không chỉ là quá trình thi đấu bền bỉ (lần này cần đá 7 trận để vô địch), và có sự hâm mộ đại chúng, nhưng khi đã phát triển đến một tầm mức nào đó, người ta đương nhiên hiểu bơi là một chuẩn mực đáng kể để luận người hùng SEA Games.
P.K.A
Thể thao & Văn hóa