Thư robot: Hướng nghiệp độc hại
Sophia thân mến! Có lẽ Việt Nam là một trong những nơi luôn cực kỳ căng thẳng trong chuyện thi cử. Sự học, sự thi không chỉ là chuyện của riêng học sinh, mà còn là chuyện của phụ huynh, của gia đình, định hướng nghề nghiệp thế nào, học gì, thi gì luôn là đề tài được quan tâm.
Chỉ còn vài tháng nữa thôi, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp diễn ra. Đây là kỳ thi quyết định không chỉ có ý nghĩa tổng kết 12 năm học phổ thông mà còn ảnh hưởng lớn con đường học vấn của các em sắp tới.
Sophia biết đó, không phải ai cũng tìm được ước mơ, nghề nghiệp mình muốn theo đuổi ngay khi còn trẻ, cho nên việc tư vấn hướng nghiệp, giúp các em tìm ra được một định hướng nghề phù hợp với sở thích và năng lực của mình là vô cùng quan trọng.
Vậy mà dạo gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin hướng nghiệp mà phải nói với Sophia là độc hại, đến từ những người sáng tạo nội dung trên nền tảng mạng xã hội, kiểu như: "những nghề vô dụng", "những nghề không tìm được việc làm khi ra trường", "những nghề sẽ biến mất trong tương lai"… Cũng không biết họ kiến thức chuyên môn gì về tuyển dụng, nhân sự, hay hướng nghiệp không mà lên mạng phán như thánh như tướng về một thứ tưởng vậy chứ rất khó - đó là nói về xu hướng nghề nghiệp trong một thế giới vốn dĩ biến đổi không ngừng và càng ngày càng khó đoán.
Nào, với trí tuệ của Sophia, hãy đưa ra một dự đoán "máy móc" về xu hướng nghề nghiệp trong tương lai thử xem, có ăn khớp với dự đoán của các "thánh" trên mạng xã hội không?
Như trong cuốn Cái chết của giới chuyên gia của Tom Nichols: "Dự đoán là một vấn đề đối với các chuyên gia. Đó là những gì công chúng muốn, nhưng các chuyên gia thường không giỏi lắm trong việc này. Đó là khi họ không được mong chờ là phải giỏi trong việc này; mục đích của khoa học là giải thích chứ không phải dự đoán. Tuy nhiên, các dự đoán, giống như hành vi xâm phạm vào những lĩnh vực chuyên môn khác, là miếng mồi hấp dẫn thu hút các chuyên gia".
Ngày nay, dự đoán không chỉ thu hút chuyên gia mà còn có những "chiên gia" - những người "xào nấu" lại các nguyên liệu thông tin hỗn tạp, không kiểm chứng để cố đưa ra dự đoán cho một vấn đề nằm ngoài khả năng của họ.
Những bài của các "chiên gia" này mang mục đích câu tương tác là chủ yếu chứ không giúp ích được gì cho học sinh, sinh viên, thậm chí làm cho các bạn (và gia đình của các bạn) lo lắng hoang mang hơn.
May mắn thay Sophia à, các chuyên gia thật đã lên tiếng cánh bảo trước làn sóng các thông tin hướng nghiệp độc hại. Nhưng không phải bao giờ các ý kiến của chuyên gia cũng đến rộng rãi công chúng. Chừng nào các đoạn phim, bài viết hướng nghiệp độc hại còn tồn tại thì chừng đó nó còn khả năng gây hoang mang cho. Cần ứng xử với những thông tin độc hại này như một thứ "tin giả".
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp ở thư sau!