Thư robot: Bạn không một mình trên mạng xã hội
Sophia thân mến! Với công nghệ 4.0, tôi tin rằng, thật dễ dàng cho Sophia nếu cần thống kê một ngày người dùng trên toàn thế giới đăng bao nhiêu status (dòng trạng thái) lên các nền tảng mạng xã hội.
Tôi thì không biết con số chính xác, nhưng tôi chắc chắn nó khổng lồ.
Ngày nay, việc đăng nội dung lên các nền tảng mạng xã hội có thể trở thành một hình thức kiếm tiền nhưng thường thì đó là một thói quen, một cuốn "nhật ký công cộng" với không thiếu nhưng cách "khoe kín, khoe hở" về bản thân…
Và Sophia biết đó, trong thời buổi bùng nổ thông tin như hiện nay, những nội dung trên mạng xã hội, xuất hiện đó rồi cũng rơi lãng quên đó. Điều này làm cho nhiều người lầm tưởng rằng, muốn đùa cợt gì cũng được, bởi chúng vô thưởng vô phạt.
Mới đây, vì một bài đăng trên mạng xã hội, một nhân viên sân bay đã bị đình chỉ công việc. Đến lúc này thì một bài đăng không còn vô hại và dễ lãng quên nữa.
Ngay cả hoạt động của một robot như Sophia cũng phải có sự liên kết với biết bao vi mạch, biết bao dữ liệu; với con người thì lại càng phức tạp hơn nhiều. Trong xã hội, không cá nhân nào lại không có những mối quan hệ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả cộng đồng. Do đó, tuy lời nói là của bạn, nhưng lời nói đó có thể được đem ra để đánh giá công việc, nghề nghiệp, cơ quan, tổ chức mà bạn đang làm việc cùng các mối quan hệ xã hội khác.
Phát ngôn về "đại hội xe lăn" của nhân viên sân bay có thể xuất phát từ sự bất cẩn, tùy tiện trong sử dụng ngôn ngữ, cộng thêm với thái độ sống vô cảm, chứ không hẳn là có mưu đồ gì đen tối. Nhưng giá bộ đồ anh mặc trên người trong bức ảnh đăng kèm dưới bài viết không phải là bộ đồng phục nơi anh làm việc, và giá như trước nhất, anh xem đi xem lại trước khi ấn nút "đăng" bất cứ thứ gì lên mạng xã hội, thì mọi chuyện đã không đi xa đến vậy, và cộng đồng đã không phải bức xúc đến vậy.
Nhưng Sophia biết rồi đó, như rất nhiều vụ lùm xùm trên mạng xã hội đã, đang và sẽ tiếp tục diễn ra, phát ngôn phản cảm về "đại hội xe lăn" có thể rồi cũng dần đi vào quên lãng. Nhưng với những người đã, đang và sẽ phải ngồi xe lăn trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là mỗi khi phải lên xuống những chuyến bay thì bốn chữ ấy vẫn in hằn như một vết khứa. Rất khó có thể tha thứ cho thái độ kỳ thị người khác về những khiếm khuyết cơ thể, về những hạn chế do sức khoẻ, tuổi tác…
Và đó là một bài học đắt giá về cái ranh giới giữa sự cợt nhả, vô ý thức với sự vô cảm đến mức độc ác.
Tạm biệt Sophia, hẹn gặp thư sau!