Thư New Zealand: Ở nơi đậm chất Scotland như chính Scotland
Cuộc đời đôi khi được tập hợp bởi những điều thực sự tình cờ, những chuyến đi không hẹn trước, những điểm đến khiến ta ngỡ ngàng.
Mùa Xuân vừa rồi, tôi đặt chân đến Edinburgh và ngay lập tức phải lòng nó. Edinburgh là tập hợp của những con phố cổ, những con đường, những hẻm nhỏ, những lâu đài từ thế kỷ 17, 18, những hàng cây đã trổ hoa cả trong những ngày ướt át và lạnh lẽo đến mức đang đi phải tạt vào một tửu quán gọi một ly whisky cho đỡ cóng.
Mấy tháng sau, tôi đến đây, trong mùa Đông của một đất nước Nam bán cầu cách Edinburgh gần 20 nghìn km là một Edinburgh khác, đúng hơn New Edinburgh hoặc Edinburgh của phương Nam. Những người định cư Scotland đã đến đây vào giữa thế kỷ 19 và ban đầu gọi tên mảnh đất ven biển họ mua được của người Maori như thế.
Với chữ "New" (mới) ấy, người ta biến một nơi mới có sự gắn bó với mảnh đất họ đã rời đi. Có những nơi còn nổi tiếng hơn cả nơi cũ, như New York. Có nơi không được như thế, bởi sau này, họ đổi tên thành Dunedin, tên bằng tiếng Gaelic của Edinburgh. Dù sao vẫn là một nỗi nhớ nhà. Nhưng những người định cư Scotland đến đây chắc không hề hối tiếc, trong đó có linh mục Thomas Burns, cháu của Robert Burns, nhà thơ vĩ đại của người Scotland.
Thomas Burns nằm trong số những người Scotland đầu tiên đến đây vào năm 1848 và nhanh chóng biến nơi này thành 1 trong những thành phố đẹp nhất New Zealand. Ở trung tâm thành phố, cũng như ở Edinburgh, có một bức tượng của Robert Burns đứng đó, và khi tới đó, trước mặt ông, bỗng dưng tôi nhớ đến bài Auld Lang Syne phổ nhạc trên lời thơ của ông. Dunedin nhỏ, nhưng đẹp một cách nhẹ nhàng. Đấy là một góc khác của New Zealand giờ tôi đã biết.
Có một Auckland sầm uất nhưng vẫn có nét nào đó giống Melbourne. Có một Queenstown nhộn nhịp và vui tươi bên hồ Wakatipu. Và giờ là một Dunedin lãng mạn trong mùa Đông lạnh lẽo nơi này, thành phố xa nhất về phía Nam thế giới đã từng đăng cai các trận đấu của World Cup. Trận Hà Lan - Việt Nam chính là trận đấu cuối cùng mà Dunedin tổ chức. Tôi tin, nếu không có World Cup nữ ở đây, tôi sẽ không bao giờ biết đến nơi này hoặc một ngày đặt chân đến đây và nhận ra rằng, nó nhỏ, bình yên mà đẹp, không chỉ là nhà của những chú hải cẩu, hải âu hay giống chim cánh cụt bé nhất thế giới (chỉ cao 25 - 30 cm và nặng chừng 1 kg) hay của hơn 20 nghìn sinh viên, chiếm 1/6 dân số thành phố, Dunedin còn được coi là thành phố đậm chất văn học và nghệ thuật nhất New Zealand.
Nhưng còn hơn thế, là lịch sử. Khách sạn của tôi nằm ở trung tâm Dunedin, chỉ cách nhà ga Dunedin, một kiến trúc cổ rất đẹp vài bước chân, cũng chỉ cần đi thẳng vài trăm mét là đến quảng trường có 8 cạnh nổi tiếng mang tên Octagon ở trái tim thành phố. Quanh đó là những khối kiến trúc rất đẹp thời Victoria và phong cách neo-baroque của nhà thờ chính tòa Saint Paul hay tòa thị chính Dunedin.
"Họ là người Scotland. Họ dừng ở đây trên hành trình đến thiên đường, nghĩ rằng họ đã tới nơi". Nhà văn Mark Twain đã viết thế về những người Scotland tới Dunedin. Ông không sai. New Zealand là một thiên đường nằm chơ vơ ở tận cùng thế giới, và Dunedin là một góc của thiên đường ấy.