Thư Malaysia: SEA Games và người lao động Việt Nam (Kỳ I)
(Thethaovanhoa.vn) - SEA Games không chỉ là "những cuộc thi đấu, những tấm huy chương" mà bầu không khí của ngày hội thể thao lớn nhất khu vực còn được tạo nên bởi những cổ động viên, nhất là những cổ động viên đặc biệt - Những người lao động Việt Nam tại Malaysia, những người dù trên vai nặng gánh mưu sinh nơi đất khách, nhưng trong tim vẫn cháy bỏng tình yêu với quê nhà. Thể thao & Văn hóa xin giới thiệu đến quý độc giả phóng sự dài kỳ do phóng viên TTXVN tại Malaysia về những cổ động viên đặc biệt này.
- Top 10 trai xinh, gái đẹp ở SEA Games 29: Phước Hưng sánh ngang Joseph Schooling
- Link xem trực tiếp U22 Việt Nam - U22 Thái Lan vòng bảng SEA Games (15h00 ngày 24/8, VTV6)
- Kết quả bóng đá nam SEA Games 2017
Trong những đầu tiên diễn ra SEA Games 29 tại Malaysia, các anh chị em lao động đang sinh sống và làm việc tại khắp các bang của Malaysia, là những người đến đông đảo và cổ vũ nhiệt tình nhất cho đoàn thể thao Việt Nam. Nhìn các lao động Việt Nam chào đón và cổ vũ hết mình cho đoàn Thể thao Việt Nam, có chút chạnh lòng khi nghĩ về tình hình công việc của bà con trong thời gian gần đây.
Những năm qua, do nhiều nguyên nhân khác nhau, Malaysia không còn là thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Nguyên nhân quan trọng nhất là do mức thu nhập thực tế của người lao động bị giảm sút đáng kể.
Theo ông Thái Phú Thành, Trưởng Ban quản lý lao động và chuyên gia Việt Nam tại Malaysia, việc đồng tiền nội địa của Malaysia bị mất giá mạnh, kể cả so với đồng đô la Mỹ và tiền Việt Nam, là nguyên nhân chính dẫn đến việc thu nhập của người lao động Việt Nam bị giảm sút. Nếu như trước đây, 1 ringgit có thời điểm có thể đổi được đến trên 7.000 đồng, thì hiện tại chỉ còn tương đương khoảng 5.300 đồng. Với mức lương tối thiểu như hiện nay từ 900 – 1.000 ringgit, cộng thêm tiền tăng ca khoảng vài ba trăm ringgit tùy người, thì tính ra thu nhập thực tế của lao động đã bị sụt giảm từ 3 – 5 triệu đồng mỗi tháng so với trước kia, khi đồng ringgit còn cáo giá cao. Đây là cú giáng mạnh vào thu nhập của công nhân Việt Nam tại Malaysia. Và đây cũng chính là nguyên nhân người lao động không còn mặn mà với thị trường này, dẫn đến việc có rất nhiều lao động đã trở về nước trong những năm qua. Rất ít người muốn gia hạn hợp đồng. Số lao động mới sang thì ngày càng ít ỏi.
Đối với những công nhân được giới chủ lo cho nơi ăn ở và bao tiền điện nước thì còn đỡ, còn đối với những người phải tự bỏ tiền ra lo liệu hai khoản chi phí này thì thu nhập thực tế sau khi trừ ăn uống chi tiêu còn lại không được là bao. Nếu so sánh với thu nhập khi làm việc tại các khu công nghiệp tại Việt Nam hiện nay, hẳn nhiên người lao động sẽ không chọn Malaysia. Thu nhập cũng gần như tương đương trong khi họ lại được ở gần gia đình, tiết kiệm được nhiều chi phí phát sinh.
Hồi cuối năm 2016, Chính phủ Malaysia tuyên bố từ năm 2017 sẽ không buộc người lao động nước ngoài phải đóng thuế Levy (có thể coi như tiền đặt cọc hoặc thuế đánh vào lao động nước ngoài để bảo vệ việc làm cho lao động trong nước). Đây cũng là một tin vui đối với người lao động Việt Nam khi mà khoản thuế này cũng ngốn mất một phần thu nhập của họ. Tuy nhiên thì sau đó, do nhiều áp lực, quyết định nói trên của Chính phủ Malaysia đã bị “treo” lại ít nhất là cho hết năm nay.
Bức tranh về thu nhập của lao động nước ngoài tại Malaysia còn trở nên ảm đạm hơn khi Chính phủ nước này quyết định đánh thuế Hàng hóa và Dịch vụ (gọi tắt là GST) từ năm 2014 với mức 6% đối với mọi loại hàng hóa và dịch vụ. Với người lao động, đây lại là một đòn nữa giáng vào thu nhập vốn đã thấp của họ.
(Còn tiếp)
Hoàng Nhương - PV TTXVN tại Malaysia