Thủ Khoa Huân mất ngày nào?
Đã 147 năm kể từ ngày Thủ Khoa Huân đáp đền xong nợ nước, nhưng mãi đến hôm nay, hiểu biết của hậu thế về ông vẫn còn nhiều chỗ thiếu chính xác, trong đó có ngày mất của ông.
Thật vậy, theo truyền thống văn hóa Việt Nam, sau đám tang của người quá cố thì việc lưu niệm ngày mất là quan trọng nhất. Chính vì vậy mà trên thần chủ, mộ bia và gia phả (nếu có) đều ghi ngày tháng năm mất, có trường hợp còn ghi rõ cả giờ mất.
Do xuất phát từ nền văn hóa nông nghiệp trồng lúa nước nên Việt Nam có truyền thống sử dụng âm lịch - hệ thống lịch pháp gắn chặt với những chuyển biến của thời tiết và nông lịch, do đó ngày giỗ đương nhiên cũng tính theo âm lịch. Chính vì vậy mà lịch lễ hội ở Việt Nam nói chung, trong đó có lịch giỗ các vị anh hung dân tộc, đương nhiên cũng tính theo âm lịch, kể cả ngày giỗ lớn nhất và lâu đời nhất là Giỗ Tổ Hùng Vương (mùng 10/3 âm lịch).
Tuy nhiên, việc xác định ngày mất của Thủ Khoa Huân lại không dễ dàng, vì trên mộ bia không ghi ngày tháng năm mất, mà chỉ ghi năm lập mộ (Đinh Dậu, 1897), mặc dù trong Định Tường thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tiểu truyện (chữ Hán Nôm) và Tiểu sử Thủ Khoa Huân (chữ quốc ngữ) mà chúng tôi sưu tầm được đều ghi ngày mất của ông là 15/4 năm Ất Hợi (1875). Đây chính là ngày Phật đản nên cực kỳ dễ nhớ và dễ lưu truyền trong dân chúng.
Có điều, xưa nay hậu duệ Thủ Khoa Huân lại tổ chức lễ giỗ ông vào ngày 14/4 âm lịch. Từ năm 1995, khi khánh thành đình thờ anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, nhà nước cũng tổ chức lễ giỗ ông vào ngày này, tức trước ngày mất 1 ngày.
- Đi tìm hậu duệ Bình Tây đại Nguyên soái Trương Định
- Dâng hương tưởng niệm 149 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định tuẫn tiết
Việc tổ chức lễ giỗ như vậy chính là phong tục giỗ ngày sống (tức cúng giỗ 1 ngày trước ngày mất) vốn vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình ở miền Trung và cả Nam Bộ, đặc biệt là tại gia tộc các danh nhân lớn lân cận quê hương Thủ Khoa Huân như Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức (Tân An, Long An), Lãnh binh Trương Định (Gò Công, Tiền Giang)...
Nói cách khác, trong các trường hợp này, ngày mất không phải là ngày giỗ, mà ngày mất sau giỗ 1 ngày. Do đó, việc xác định ngày mất, nhất là đối với các danh nhân lớn như Thủ Khoa Huân, cần phải căn cứ vào những bằng chứng thành văn, chẳng hạn như 2 bản sách vừa nêu trên, chứ không thể chỉ căn cứ vào ngày giỗ rồi cho đó chính là ngày mất như trường hợp bia lưu niệm nơi Thủ Khoa Huân bị thực dân Pháp xử tử, đặt tại dốc cầu Hòa Tịnh (nay thuộc xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) như dưới đây.
Nội dung bia này có 2 điểm sai về ngày tháng:
- Thứ nhất, như đã nói, Thủ Khoa Huân mất ngày 15/4 năm Ất Hợi, chứ không phải 14/4;
- Thứ hai, nếu quả thật Thủ Khoa Huân mất ngày 14/4 năm Ất Hợi, thì ứng với dương lịch là ngày 18/5/1875, chứ không phải 19/5/1875 như đã khắc trên bia.
Nói tóm lại, ngày tháng dương lịch và âm lịch ghi trên bia tự nó đã bất nhất, do người viết bia không hiểu phong tục địa phương, mà lại không tra lịch.
Cũng phải nói thêm, tuy việc khắc sai ngày mất như trên hiện tại chưa gây hậu quả nghiêm trọng lắm, nhưng vì đây là bia đá chính thống do ngành văn hóa lập nên, ảnh hưởng sẽ còn rất dài. Cũng không loại trừ khả năng cái ngày sai lệch này có lúc sẽ được khắc lên mộ bia, trở thành “chính thức” như trường hợp mộ bia Trương Định hiện nay.
Lê Công Lý