Thư gửi robot citizen: Món ăn sạch
Sophia thân mến! Không biết công nghệ của Sophia đã tiến bộ đến mức có một thiết bị cầm tay nào để phân định rạch ròi sạch và bẩn được không?
Tôi hỏi có khi ngớ ngẩn, nhưng nếu Sophia hiểu tâm trạng của một con người bình thường, hẳn sẽ biết chúng tôi hôm nay có mối quan tâm lớn đến sự sạch sẽ. Không khí sạch, rau sạch, nước mía sạch, cà phê sạch… cứ gắn “sạch” vào là chúng tôi cảm thấy ưng bụng ngay, giá có cao hơn một chút cũng không sao.
Những người bán hàng vì thế cũng hay giương chữ “sạch” ra như một cái mác để tiếp thị. Người dùng chúng tôi tin cậy vào những cửa hàng lớn nên cứ thế chẳng ngại mở hầu bao. Bao năm nay vẫn thế cho đến khi…
Hỡi ơi, mới đây, nếu báo chí không phanh phui, chắc chúng tôi mãi cũng không bao giờ biết thứ rau mình tưởng là sạch là thứ rau sạch… dỏm. Biết thế ngay từ đầu đã ra các chợ mua cho lành, bà con buôn bán dầu chưa bao giờ trưng ra được giấy chứng nhận gì nhưng ít nhất cũng không vinvào vài cái mác mà đội giá.
Sophia ơi! Tôi biết tin ai bây giờ. Đành rằng không phải nơi đâu cũng thế, một con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng niềm tin con người một khi đã đánh mất rồi, rất khó lấy lại được. Thôi lại về với cô Bảy, dì Tám bán rau chợ chồm hổm vậy.
Sophia thấy đó, làm người đâu phải dễ, nhất là sống trong thời đại ngày nay. Xã hội càng hiện đại hơn, con người càng ý thức được sức khỏe của mình, càng quan tâm hơn đến những vấn đề nghỉ ngơi, ăn uống.
Ấy vậy mà gần đây, vô tình xem một ca khúc có nhấn nhá đi nhấn nhá lại một món ăn yêu thích của tôi. Sophia biết không, có lẽ sau khi xem ca khúc đó, sẽ còn rất lâu tôi mới có thể ăn lại món yêu thích của mình mà không có cảm giác buồn nôn.
Chúng ta dễ dàng khắc ghi những hình ảnh, dù không chú tâm. Cho nên ngày nay, khi lướt mạng, xem nghe những điệu nhảy gợi dục, những ca từ nhảm nhí, thậm chí là thiếu đứng đắn, thì không muốn nghĩ, chúng cũng dễ lởn vởn trong đầu.
Người lớn còn vậy, huống hồ những đứa trẻ thì sao? Chúng rất dễ bắt chước theo những điệu nhảy, hát theo những ca khúc dung tục, chẳng qua vì những thứ ấy đã ăn sâu vào trí nhớ của chúng.
- Làm rõ việc rau VietGAP 'rởm' vào siêu thị
- Quản lý thị trường vào cuộc xử lý vụ 'rau VietGAP dỏm bán trong siêu thị'
Dạo gần đây, dư luận đang lên án những ca khúc “rác”. Tôi không biết có tiêu chuẩn nào để phân định một ca khúc là “rác”. Nhưng có lẽ phản ứng của dư luận phần nào thể hiện được khán giả ngày càng khó tính hơn, và không chấp nhận những sản phẩm dễ dãi, chiêu trò, câu tương tác. Thậm chí còn không có tính giải trí hay truyền tải bất kỳ một thông điệp nghệ thuật nào. Cả những ca sĩ (được khán giả công nhận hay tự phong) mỗi khi chuẩn bị tung ra một “món ăn tinh thần” thì cũng nhớ chiêu đãi khán giả bằng những món ăn tinh thần… sạch.
Đâu phải chúng tôi quan trọng việc ăn uống sạch, chúng tôi còn cần được nghe sạch, xem sạch, và được tận hưởng những không gian, dù là không gian ảo, thì cũng cần sạch. Đòi hỏi như thế đâu có quá đáng phải không Sophia?
Mà đâu phải đến bây giờ, chúng tôi mới mong sống một đời sống “sạch” đâu Sophia. Từ những thập niên 1960, nhà thơ Trần Dần đã mong: “chiều chủ nhật sạch”, “công viên trong vắt sạch”, “ngày ngăn ngắt sạch”, “mưa tuần lễ sạch”, “ban mai thành thị sạch”, “chiều tà tỉnh lỵ sạch”…
Và nhiều thập niên sau, chúng tôi còn cần thêm “âm nhạc sạch”, “rau sạch”, “không gian mạng sạch”… Nhất là trong môi trường vàng thau thật giả hiện nay.
Hẹn Sophia ở thư sau, trong một “tuần lễ sạch”!
An Kha