Thủ đô Hà Nội – nguồn cảm hứng cho đạo diễn Việt tại LHP Quốc tế Hà Nội
Hà Nội luôn là đề tài được giới làm nghệ thuật khai thác bởi những vẻ đẹp riêng biệt không thể lẫn vào đâu của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến và điều đó một lần nữa được khẳng định tại LHP Quốc tế Hà Nội.
Những hàng cây xanh ngát, những gánh hoa mang cả đất trời Hà Nội, mùa Thu với ánh nắng xuyên qua kẽ lá cùng nét đẹp của con người Tràng An cứ thế nhẹ nhàng và sâu lắng đi vào trong thơ ca, văn chương và đi vào trong các tác phẩm điện ảnh.
Như NSND, Đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm, thành viên Ban giám khảo hạng mục dự thi Phim ngắn chia sẻ: "Hà Nội luôn là đề tài mà các nhà làm phim khai thác bởi những giá trị của nó về văn hoá, lịch sử".
Hoa nhài
Bộ phim là câu trả lời cho những hoài nghi về việc người Hà Nội đã không còn giữ được vẻ thanh lịch vốn có, họ trở nên hoài nghi và ích kỷ hơn.
Nhưng sâu thẳm bên trong họ là những vẻ đẹp từ ngàn đời xưa ấy vẫn luôn hiện hữu và được bảo tồn.
Đó là Đức – cậu bé đánh giày, ông thợ cắt tóc ba đời làm nghề trên vỉa hè Hà Nội, ông giáo già dạy hát cho dàn đồng ca của các em học sinh khiếm thị, chị nông dân lên Hà Nội làm nghề giúp việc.
Cuộc sống luôn vận động và lòng nhân ái, sự quan tâm đến những người xung quanh là chất keo gắn kết để những giá trị của người Tràng An trở nên bền vững và có ý nghĩa.
Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội
Bộ phim tài liệu về Hà Nội của đạo diễn Hoàng Dũng tái hiện lại cảnh đẹp của thủ đô 1000 năm văn hiến cùng những đổi thay và sức sống mãnh liệt của thời đại mới.
Những người kể chuyện phố cổ Hà Nội cũng đặt ra một vấn đề rằng phát triển Hà Nội ngày càng hiện đại hơn, văn minh hơn nhưng vẫn phải lưu giữ được những giá trị văn hóa truyền thống là trọng trách không chỉ riêng các nhà quản lí mà còn là của tất cả những công dân thủ đô.
Trong đó, những tác phẩm của các nghệ sĩ mang nặng tình yêu với Hà Nội có nhiều ý nghĩa trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển Hà Nội.
Hai bàn tay
Phim tài liệu Hai bàn tay của đạo diễn Đặng Thị Linh – phim tham gia chương trình chùm phim Việt Nam hiện đại.
Phim nói về cuộc đời và sự nghiệp của danh họa Nguyễn Sáng, một trong những cây đại thụ của Việt Nam. Vượt qua mọi truân chuyên của cuộc đời và những thăng trầm của lịch sử, xã hội, ông đã sáng tạo ra rất nhiều tác phẩm hội họa có giá trị cao về nghệ thuật, mang tầm vóc lớn về tư tưởng và thẫm đẫm tính nhân văn.
Sau hai vòng tuyển chọn của Hội đồng Sơ tuyển và Hội đồng Chung tuyển, Ban tổ chức đã chọn được 123 bộ phim của 56 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự các chương trình của LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI.
Cụ thể, có 11 bộ phim trong Chương trình Phim Dài dự thi với những tác phẩm tuyển chọn từ các nền điện ảnh tiêu biểu trên thế giới như Ấn Độ, Ba Lan, Iran, Pháp, Brazil,…
Mỗi bộ phim đề cập đến một chủ đề khác nhau, thể hiện các giá trị văn hoá, con người của từng quốc gia, dân tộc, tạo thành bức tranh sinh động và hấp dẫn. 20 bộ phim trong Chương trình Phim ngắn dự với các thể loại phim Truyện, phim Tài Liệu, phim Hoạt hình là những góc nhìn đa dạng về lịch sử, thiên nhiên, môi trường, cuộc sống.
Ngoài các phim dự thi, các phim trong chương trình toàn cảnh với Phim ngắn (dưới 60 phút) và Phim dài (trên 70 phút), Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc và Phim Việt Nam đương đại được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội năm nay khá ấn tượng với những bộ phim đặc sắc và chất lượng.
LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ VI sẽ được diễn ra từ 8 – 12/11. Năm nay ngoài các hạng mục giải thưởng như mọi năm, Liên hoan phim còn có thêm giải thưởng phim về Hà Nội do UBND Thành phố Hà Nội, điều này cho thấy sự quan tâm của lãnh đạo TP Hà Nội đối với sự phát triển của điện ảnh cũng như thông điệp quảng bá hình ảnh Thủ đô thông qua ngôn ngữ phim ảnh.