Thử biến mất trong 'Vô cực' của Quyên Gavoye
Quyên Gavoye là một cái tên đã quen dần với độc giả Việt Nam trong vài năm trở lại đây, dù chị đang sống và làm việc tại Pháp. Ngoài các tác phẩm đăng báo, cô còn liên tục cho ra các tập sách với những bước đi dày dặn và chỉn chu, cho thấy một tác giả đầy nội lực ở nhiều thể loại, đề tài trong cả thơ và truyện.
Tại Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần 3 - 2022, hai truyện dài Biệt đội thám tử và Emma thảm họa của Quyên Gavoye đã được trao giải Khát vọng Dế Mèn (Cricket Desire).
Sự sống và tồn tại
Tập truyện dài Vô cực được viết theo mảng giả tưởng, vừa cho ra đời vào 5/2022, do NXB Tổng hợp TP.HCM ấn hành.
Nhân vật chính Thomas Phạm - một chàng trai trẻ gốc Việt - sinh sống tại thành phố Besancon (Pháp) được sự ký thác của cha, muốn khôi phục lại sự nghiệp của gia đình đã qua thời hoàng kim. Nhưng sứ mệnh đó lại trái ngược hoàn toàn với ước mơ tuổi trẻ là tự do, giải thoát và không gánh nặng như anh từng nghĩ: “Tất cả chúng ta đều sống trong một thế giới bủa vây bởi những khát vọng của người khác”.
Trong Vô cực, Quyên Gavoye còn đặt ra những băn khoăn của sự sống và tồn tại. Liệu sống và tồn tại có phải giống nhau? Và bất kể ai trong chúng ta cũng từng một lần bị “biến mất” hoặc bị “cầm tù”: “Đây không phải là cuộc sống. Đây là một sự cầm tù trong chính ngôi nhà của mình. Họ không thể hồi tưởng về quá khứ, họ cũng không có quyền mơ tưởng về tương lai. Họ cũng không có cả hy vọng trốn thoát. Không ai nhớ đến sự tồn tại của họ”. “Không được xã hội thừa nhận, họ trở thành những bóng ma ngay cả khi còn sống”.
Và trong khu công nghiệp hoang tàn trong lòng thành phố Besancon đó có “hơn 100 bóng ma” bị bỏ quên hơn 3/4 thế kỷ… Đó là những người Việt di dân từ những năm 1945 sang Pháp nhưng vẫn đau đáu về quê hương, thông qua việc họ tạo ra thế giới M tồn tại song song với trái đất, với hy vọng ở đó họ có thể nhìn thấy quê hương Việt Nam của mình.
Tác giả Quyên Gavoye đã rất khéo léo đề cập đến sự việc này, dòng máu đỏ da vàng vẫn âm ỉ cháy trong lịch sử dân tộc ta, đó là nỗi đau chung của một thời loạn lạc, mà thế hệ sau như chúng ta phải nhớ để quật cường hơn.
“Làm cho người gần người hơn”
Bên cạnh đó, tác giả còn cho thấy một thái độ sống trách nhiệm với cộng đồng: “Những tham vọng đến bất chấp nguy hiểm của cộng đồng và quên đi giá trị nhân văn thì cần phải lên án”. Đây cũng là một tâm thế của người cầm viết phải có, văn chương xưa nay dù ở loại, thể nào thì mục đích hướng đến luôn là hạnh phúc. Con người sẽ hạnh phúc khi thở trong sự sống chân-thiện-mỹ, như Nam Cao từng viết trong Đời thừa: “làm cho người gần người hơn”.
Trong Vô cực, chúng ta còn thấy những nhân vật có thể nói là điển hình cho những “phân tử sống” của trong mỗi người chúng ta. Roger: Sợ hãi, do dự trong việc tìm lại chính mình. Christian Mouget: Luôn quả quyết, đầy hy sinh, trách nhiệm, dám đấu tranh nhưng đôi lúc cũng nghi ngờ con đường mình đã chọn. Thomas Phạm: Mâu thuẫn giữa ước mơ tuổi trẻ với sứ mệnh tổ tiên.
Tất cả đều muốn giải thoát, giải thoát để trở về với nguyên bản người hơn. Và tình yêu là một chất xúc tác mãnh liệt để làm được điều đó.
Với sự kiến tạo ra một thế giới tồn tại song song với trái đất, Quyên Gavoye đã đánh động vào những phần khuất lấp trong chúng ta, những thực tại xô bồ, bẩn chật của con người hiện đại hôm nay và ước mơ cao cả luôn đan xen, đôi lúc làm chúng ta lạc lối… Kết cấu của tập truyện là vòng tròn từ biến mất - phát hiện - cầm tù - hy vọng - trở về và kết thúc ở giải phóng.
Qua đây, tác giả còn ẩn chứa một sự khao khát được yêu thương: “Chúng ta không phải là những phần tử tồn tại đơn độc. Chúng ta sống trong một thế giới mà mọi mối quan hệ đều gắn kết với nhau”. Cái khao khát được gắn kết, được gần nhau luôn là căn nguyên để tiến đến tình yêu giữa người với người xưa nay vậy.
Thế giới này là một thế giới vô cực? Tôi chẳng biết, nhưng Quyên Gavoye đã cho tôi một thông điệp rằng: Ở bất cứ nơi đâu có sự sống, ở mỗi phút giây bạn thở, nó sẽ hoàn toàn vô nghĩa khi bạn không có hy vọng, không có ước mơ. Chúng ta sẽ hoàn toàn “biến mất” ngay khi chúng ta thở ra.
Vậy hãy thử một lần “biến mất” trong Vô cực của Quyên Gavoye, để rồi tìm lại chính mình.
Khét