Thông tin mới nhất vụ tranh chấp bản quyền tên gọi 'Hoa hậu Hòa bình Việt Nam'
Theo thông tin mới nhất, phía Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng cùng lên tiếng về vụ việc hai cuộc thi nhan sắc cùng có tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Trong cuộc gặp mặt báo chí chiều ngày 25/6 tại Hà Nội, Công ty Minh Khang (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Viet Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) đưa ra 2 văn bản chứng minh tính hợp pháp khi sử dụng tên cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.
Đó là Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH275-22YC và Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH268-22YC. Cả hai văn bản đều do giám định viên Phạm Đình Chướng thực hiện từ ngày 13 - 20/6 tại trụ sở Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Phó viện trưởng Nguyễn Hữu Cẩn ký.
Công ty Minh Khang đã xin thẩm định hai việc: Một là Công ty Minh Khang có vi phạm sở hữu trí tuệ gì của Sen Vàng (đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Grand Viet Nam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam) hay không. Hai là Công ty Minh Khang có đang bị Sen Vàng vi phạm sở hữu trí tuệ không.
Theo Văn bản NH268-22YC, không có đủ căn cứ để khẳng định dấu hiệu "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" trong cụm từ "Thể lệ tham gia cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" dự định sử dụng cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp là tương tự đến mức gây nhầm lẫn đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154 (nhãn hiệu cấp cho Miss Grand International).
Theo Văn bản NH275-22YC, dấu hiệu "Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" trình bày trên "Mẫu đơn đăng ký dự thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022" được giới thiệu trên trang Facebook nhằm quảng cáo cho dịch vụ tổ chức cuộc thi sắc đẹp (trang Facebook của MissGrandVNOfficial) là yếu tố xâm phạm quyền. Nó đã xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 326167 của Công ty Minh Khang.
Phía Công ty Minh Khang cũng cho biết đã nộp đơn lên Sở KH-CN TP.HCM. Có nghĩa là họ theo đuổi việc khởi kiện theo con đường hành chính.
Chiều 28/6, Công ty Sen Vàng có phản hồi về Kết luận phía Công ty Minh Khang đưa ra. Theo đó, trong thông cáo báo chí gửi tới truyền thông, đại diện Công ty Sen Vàng khẳng định: "Những thông tin mà phía Công ty Minh Khang cung cấp không chính xác, khách quan và không thể hiện đúng bản chất của sự việc gây nên những cách hiểu chưa đúng".
Công ty Sen Vàng dẫn quy định tại khoản 1 Điều 201 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và 2019; các quy định từ Điều 39 đến Điều 53 về giám định sở hữu trí tuệ tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP và các thông tin được Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, và cho rằng: Kết luận giám định mà Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đưa ra theo yêu cầu giám định của người yêu cầu chỉ là kết quả cung ứng dịch vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ mà không phải là kết luận của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoàn toàn không có giá trị kết luận có hay không hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.
Để chứng minh kết luận giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ là hoàn toàn thiếu cơ sở, không chính xác và không khách quan, phía Công ty Sen Vàng phân tích nội dung dịch cụm từ "Viet Nam Peace Bella" không đúng. Đồng thời, đơn vị này cho rằng nhãn hiệu "Viet Nam Peace Bella" chưa được sử dụng trên thực tế, chưa đi vào thực tiễn đời sống cũng như chưa từng được công chúng, người tiêu dùng biết đến tại Việt Nam.
Trong khi đó, Sen Vàng cho rằng, ý nghĩa của nhãn hiệu "Miss Grand International" chưa được xem xét một cách đúng đắn bởi từ khi được tổ chức lần đầu tiên cho đến nay, cuộc thi Miss Grand International luôn luôn gắn liền với khẩu hiệu "Stop war and violence" (chấm dứt chiến tranh và bạo lực). Chính vì vậy, cụm từ "Miss Grand International" luôn được thừa nhận một cách thống nhất là "Hoa hậu Hòa bình quốc tế".
- Tân Hoa hậu Hoàn vũ Ngọc Châu: Gia cảnh nghèo, chưa từng yêu
- VIDEO: Ngắm tân Hoa hậu Hoàn vũ Ngọc Châu qua hành trình dậy thì siêu thành công
- Khoảnh khắc đăng quang của Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Ngọc Châu
Đại diện Sen Vàng dẫn chứng tại Việt Nam, các cơ quan báo chí, truyền thông và công chúng đều biết đến và nhận diện "Hoa hậu Hòa bình quốc tế" là "Miss Grand International" và sử dụng rộng rãi ý nghĩa này.
Công ty Sen Vàng khẳng định đã có thời gian rất dài để đồng hành với cuộc thi Miss Grand International thông qua việc đào tạo, dẫn dắt các thí sinh Việt Nam tham gia cuộc thi này. Qua đó, Công ty Sen Vang đã tạo được sự tin tưởng với Miss Grand International Co,. Ltd - đơn vị sáng lập, điều hành và tổ chức cuộc thi Miss Grand International để đến ngày 09/04/2021, Miss Grand International Co,. Ltd đã ký Thỏa thuận cấp phép cho Công ty Sen Vàng sử dụng nhãn hiệu Miss Grand International - được bảo hộ tại Việt Nam theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 384154 và được phép tổ chức.
Để cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam được tổ chức theo đúng quy định pháp luật, Công ty Sen Vàng đã thực hiện thủ tục để xin cấp phép tổ chức cuộc thi và đến ngày 03/06/2022, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM đã ra văn bản chấp thuận số 2205/SVHTT-NT.
"Chúng tôi hoàn toàn có căn cứ khẳng định rằng chỉ có cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam do Công ty Sen Vàng tổ chức là cuộc thi chính thức và duy nhất tại Việt Nam nằm trong khuôn khổ của cuộc thi Miss Grand International - Hoa hậu Hòa bình quốc tế và việc sử dụng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam cũng như việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Công ty Sen Vàng là hoàn toàn có căn cứ và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam" - phía Sen Vàng khẳng định.
Tranh chấp bản quyền xung quanh tên gọi cuộc thi 'Hoa hậu Hòa bình Việt Nam' Tên gọi cuộc thi nhan sắc Hoa hậu Hòa bình Việt Nam đang vướng tranh chấp bản quyền giữa hai đơn vị là Công ty Minh Khang và Công ty Sen Vàng. Xem thêm TẠI ĐÂY |
Bảo Anh (tổng hợp)