Thống nhất ứng dụng công nghệ phòng chống dịch Covid-19
(Thethaovanhoa.vn) - Theo thống kê, hiện có hơn 20 ứng dụng từ trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai.
Không thể phủ nhận các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại Hà Nội, ngay khi bắt đầu áp dụng giãn cách toàn Hà Nội từ 6h ngày 24/7, UBND thành phố đã giao Sở TT&TT phối hợp chặt chẽ với Trung tâm công nghệ phòng chống dịch Covid-19 quốc gia. Trung tâm tư vấn cho Hà Nội áp dụng chiến lược xét nghiệm chốt chặn tại bệnh viện và sử dụng công nghệ trong phòng chống dịch, đặc biệt là đẩy mạnh khai báo y tế và kiểm soát thông tin người vào ra các địa điểm bằng quét QR Code. Khi có ca nhiễm, lập tức áp dụng nền tảng truy vết thần tốc.
Để có dữ liệu phục vụ việc truy vết, khoanh vùng dịch, nhanh chóng phát hiện các ca nhiễm, nghi nhiễm bằng công nghệ, trong Chỉ thị 17 ngày 23/7, lãnh đạo thành phố đề nghị người dân khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng Bluezone hoặc tokhaiyte.vn liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...
Theo Phó Giám đốc CDC Hà Nội Lã Thị Lan, việc người dân khai báo ho, sốt qua Bluezone và tokhaiyte.vn trở thành kênh thông tin hiệu quả để Hà Nội phát hiện các ca bệnh trong cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai nhiều tiện ích công nghệ số vào công tác phòng, chống dịch Covid-19. Theo Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, sau khi triển khai thành công tại thành phố Thủ Đức, việc ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được Sở triển khai tại 11 quận, huyện khác của thành phố.
Ứng dụng có các công cụ phân tích và thống kê báo cáo cho phép phân tích các ca dương tính, ca nghi nhiễm, ca bệnh cùng nhà, phân tích diễn tiến Covid-19, vùng cách ly, điểm phong tỏa, cơ sở cách ly tập trung, chốt kiểm soát; thống kê số ca dương tính phát sinh trong ngày, thống kê điểm phong tỏa...
Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hồ Chí Minh cho biết cũng đã đưa vào sử dụng Tổng đài 1022, nhánh số 2 để tiếp nhận các cuộc gọi phản ánh của người dân. Tuy nhiên, thời gian đầu vận hành, do cuộc gọi tới tổng đài quá nhiều nên đã xảy ra nghẽn mạng. Sở đã khắc phục bằng cách ứng dụng 30 robot trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố, Sở tăng số lượng robot AI, tăng số lượng tổng đài viên lên 40-45 người trực trong giờ cao điểm. Toàn bộ cuộc gọi của người dân tới Tổng đài 1022 nhánh 2, 3 đã được các công ty viễn thông trong nước hỗ trợ miễn phí cước cuộc gọi. Nhờ robot AI, Tổng đài 1022, nhánh số 2 đã tăng công suất nhận và xử lý cuộc gọi yêu cầu trợ giúp của người dân.
Tuy nhiên hiện nay, theo thống kê, hiện có hơn 20 ứng dụng từ trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai. Tình trạng có quá nhiều ứng dụng công nghệ hỗ trợ công tác phòng chống dịch Covid-19 gây nên những bất cập, ảnh hưởng hiệu quả phòng chống dịch nếu không có sự thống nhất, liên thông.
Ngày 13/9 vừa qua, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (diễn ra ngày 10/9/2021).
Thông báo nêu rõ: Vừa qua các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh… tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư… Tuy vậy, các ứng dụng nêu trên còn thiếu sự kết nối, chia sẻ. Đặc biệt, nhiều công cụ chưa tạo thuận lợi cho người dân khiến nhiều người dân lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng công nghệ khác nhau.
Chính vì thế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc xây dựng các ứng dụng thiết thực, dễ sử dụng và các ứng dụng này phải được kết nối, liên thông; dữ liệu phải được quản lý bảo đảm an toàn, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch; người dân không phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid).
- Bộ Thông tin và Truyền thông 'thần tốc' triển khai trung tâm chỉ huy và hệ thống họp trực tuyến
- Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình 'Tấm lòng mùa dịch, san sẻ yêu thương'
- Bộ Thông tin và Truyền thông công bố gói hỗ trợ viễn thông trị giá tới 10.000 tỷ đồng
Được biết, các thông tin về sức khỏe đi lại, tiếp xúc... của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch; đảm bảo an toàn thông tin, không sử dụng vào bất kỳ mục đích khác.
Cùng với đó, Bộ Công an phát huy thế mạnh của cơ quan quản lý dữ liệu của người dân, với vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch ở địa phương, tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới trong phòng, chống dịch.
Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo việc cập nhật hồ sơ sức khỏe của người dân, kết quả xét nghiệm và tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19…; tích hợp các dữ liệu trên về Bộ Thông tin và Truyền thông để phục vụ cho việc triển khai ứng dụng mới.
Xu thế "thống nhất 1 mã QR code" cho mỗi công dân, mỗi cơ sở sản xuất kinh doanh sẽ tạo thuận tiện khi sử dụng, thống nhất kiểm soát, xác thực trình trạng dịch tễ... Sự kết nối liên thông và chia sẻ giữa các dữ liệu cũng sẽ thuận lợi cho cả cá nhân, tổ chức và cơ quan quản lý trong việc kiểm soát mức độ an toàn dịch tễ khi trở lại cuộc sống "bình thường mới".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid). |
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Bích Nga