Thông điệp dũng cảm của Thủ tướng
(Thethaovanhoa.vn) - Ý kiến chuyên gia cho rằng những thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết thể hiện sự dũng cảm, dám chấp nhận mang một sứ mạng nặng nề, thể hiện cam kết và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ.
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nỗ lực đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp trong tương lai
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để người dân vùng lũ lụt bị đói khát
Theo ông Tuấn, những vấn đề mà Thủ tướng đề cập luôn được người dân và dư luận nhắc đến rất nhiều, tác động hàng ngày vào cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người dân, lâu dần trở thành mong mỏi và khát khao của họ đối với các vấn đề thời cuộc của đất nước, của xã hội.
“Thủ tướng đã lên tiếng đúng lúc trước những vấn đề người dân bức xúc tích tụ lâu nay, nên khi ông cùng họ nói lên những điều ấy, người dân ủng hộ, đặt niềm tin và hy vọng vào những cải cách sắp tới”, ông Tuấn nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Đặc biệt, ông Tuấn cho biết vô cùng ấn tượng với thông điệp “Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động”. Đây là câu nói vượt ra ngoài khẩu hiệu mà một Chính phủ nào đó thường lựa chọn.
Theo vị giảng viên Fulbright, trong bối cảnh những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối mặt, những thông điệp mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết thể hiện sự dũng cảm, dám chấp nhận mang một sứ mạng nặng nề. Nó cũng thể hiện cam kết và trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Nếu làm được như vậy, chắc chắn sẽ được dân tin, dân ủng hộ.
Mặc dù chỉ mới hơn nửa năm nhưng Chính phủ đã thể hiện và khẳng định rất rõ quyết tâm chuyển từ một nhà nước quản lý sang nhà nước kiến tạo và phục vụ, chuyển từ nói chưa đi đôi với làm, nói không tương thích với làm sang một Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm.
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nhắc tới một vài ví dụ cụ thể: Ngoài những chỉ đạo liên quan tới việc đôn đốc chính quyền xử lý bức xúc mang tính thời sự như vụ quán cà phê Xin chào ở TP.HCM, Chính phủ mới cũng bằng hành động quyết liệt thực hiện đóng cửa rừng; hay ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh... Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 100 về chương trình hành động của Chính phủ giai đoạn 2016 – 2021.
Tất cả điều đó cho thấy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chính phủ mới đang rất nỗ lực biến các lời nói thành hành động cụ thể.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng Chính phủ và Thủ tướng chắc chắn sẽ gặp phải những va chạm. Điều đó đòi hỏi sự kiên định của Chính phủ mới trong nhiệm kỳ này.
“Có thể lợi ích của một cá nhân hay một nhóm nào đó bị thiệt đi, nhưng lợi ích tổng thể lại tăng lên thì phải quyết tâm làm cho bằng được. Chính phủ thấy được lợi ích tổng thể tăng lên cho quảng đại người dân thì Chính phủ nên làm và phải làm. Những hành động mà Chính phủ đã làm trong 9 tháng vừa qua đang được xử lý theo triết lý đó. Tức là dựa trên lợi ích của tổng thể chứ không phải của một nhóm nhỏ nào cả”, ông Tuấn phân tích.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng nhắc tới khái niệm “cải thiện Pareto”, tên của một nhà kinh tế. Cải thiện Pareto tức là làm cho có người lợi hơn nhưng không làm cho ít nhất một người bị thiệt đi. Giống như một trò chơi win – win, tất cả đều thắng. Lợi ích tăng thêm sẽ được phân phối cho những người có đóng góp tương xứng vào những lợi ích tăng thêm đó.
Ông Tuấn cho rằng thách thức lớn nhất của Chính phủ hiện nay là phải làm được điều đó. Chính phủ cần tiếp tục đưa ra một tín hiệu hay thông điệp cho thấy rằng, cải cách lần này không lấy đi lợi ích của bất kỳ một cá nhân hay một nhóm nào cả, trừ tham nhũng, tiêu cực. Lợi ích tăng thêm phải được phân phối cho những người hay những nhóm có đóng góp cho lợi ích tăng thêm đó. Vì vậy, bất kỳ cá nhân hay nhóm nào cũng có cơ hội và được trao cơ hội đóng góp vào lợi ích tăng thêm đó. Triết lý này gọi là tăng trưởng bao trùm (Inclusive growth).
Theo Báo Điện tử Chính phủ