Thomas Billhardt - Giải 'Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội' 2021: 'Tôi thấy một Việt Nam mới'
Ở tuổi 86, Thomas Billhardt không thực hiện được mong muốn cầm máy ảnh tác nghiệp trên những chiến trường "nóng". Nhưng ông vẫn làm nên một cuộc gặp gỡ nồng nhiệt với công chúng tại Viện Goethe Hà Nội (cuối tuần qua) khi giới thiệu những tác phẩm ảnh của mình.
Có tên gọi Cuộc sống qua những bức ảnh, buổi trò chuyện này diễn ra gần một tiếng đồng hồ, kèm theo việc trình chiếu nhiều bức ảnh trong sự nghiệp của Thomas Billhardt. Được sắp xếp không theo một trật tự thời gian, không gian, những bức ảnh ấy mở rộng nội dung từ chiến tranh đến hòa bình, từ Đức tới Cuba hoặc nhiều quốc gia khác. Và tất nhiên, một phần lớn trong số chúng là những bức ảnh chụp ở Việt Nam.
Người Việt Nam giờ đã tự tin hơn xưa
* Những bức ảnh chụp Hà Nội giai đoạn chiến tranh của ông đã khiến những người trẻ cũng xúc động với những gì đã xảy ra trong quá khứ. Còn ông, điều gì khiến ông ám ảnh nhất trong những năm tháng đó?
- Tôi nghĩ không thể kể hết! Bởi đã là chiến tranh thì bất cứ chi tiết nào đều có thể gây sốc cho người nhìn thấy. Khi đến Việt Nam, chiến tranh và các vấn đề ở đây khiến tôi sốc đến từng chi tiết. Tôi nhớ từ hình ảnh những người phụ nữ cho đến những đứa trẻ, với nỗi sợ hãi trong ánh mắt và những đau thương mất mát của họ. Lúc đó, tôi cảm thấy thật khó có thể trở về nhà với tâm trạng vui vẻ được. Nhiều lúc tôi không còn cảm thấy mình sẽ cười được.
Nhưng tôi cũng nhận ra, điều quan trọng là tìm được sự cân bằng. Trong khoảng thời gian làm phóng viên chiến trường, tôi đã luôn tìm được những tia hi vọng nho nhỏ, len lỏi giữa những đau thương mất mát. Những niềm vui đáng quý nho nhỏ ấy cũng đã giúp tôi có động lực hơn để tìm tới những vùng sáng hơn trong công việc.
*Và đâu là những bức ảnh mang tinh thần "len lỏi" đấy trong ông?
- Đó là hình ảnh cô du kích đang cầm súng chĩa vào phi công Mỹ khi áp giải - hình ảnh lột tả sự chiến thắng của người nhỏ yếu trước một kẻ mạnh. Đó là hình ảnh những em bé nhìn lên từ các hố trú bom hay một đôi nam nữ đang cầm vũ khí nhưng vẫn có sự tương tác với nhau. Trong thế giới của chiến tranh, những tình cảm trong sáng đáng quý ấy rất hiếm và cũng rất ấn tượng.
Nhiếp ảnh có ngôn ngữ riêng. Những bức ảnh có thể xấu hay đẹp nhưng chắc chắn luôn có những câu chuyện để kể cho chúng ta. Tôi tin, người xem sẽ có những cảm xúc mãnh liệt nếu họ hiểu được nội dung của các bức ảnh.
* Vậy với Việt Nam của hiện tại, đâu là những ấn tượng với ông?
- Tôi nghĩ đó là sự thân thiện cởi mở, tự tin và những thay đổi trong cách giao tiếp, suy nghĩ của các bạn. Ngày xưa, khi tôi gặp người Việt Nam, dường như mọi người thường ít nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện khi trò chuyện, nhưng giờ họ đã tự tin với bản thân mình nhiều hơn.
Không chỉ vậy, người Việt Nam giờ đã dám nghĩ, dám làm, dám thực hiện điều mình mong muốn. Đơn giản như cái ôm của nữ quân nhân Nguyễn Anh Lương dành cho tôi trong buổi gặp vừa qua - một cái ôm rất tự tin và thân thiện. (Bức ảnh đầu tiên khi Thomas Billhardt chụp, Anh Lương mới 19 tuổi. Hiện tại bà 73 tuổi - TT&VH).
Sang Việt Nam nhiều lần và chứng kiến những điều không lành diễn ra tại đây, tôi đã từng bi quan khi nghĩ đến tương lai của các bạn. Nhưng khi trở lại đây, thấy một Việt Nam mới trong một bức tranh khác hẳn. Tôi cũng thấy mình muốn đóng góp thêm phần nhỏ của mình vào sự thay đổi này, bằng việc làm tiếp những cuộc triển lãm ảnh như đang làm.
Trở lại Việt Nam
Năm 2020, Viện Goethe phối hợp cùng Manzi Art Space trưng bày triển lãm Hà Nội 1967 - 1975 - triển lãm đặc biệt về Hà Nội của Thomas Billhardt.
Với triển lãm và cuốn sách cùng tên được xuất bản, tác giả người Đức Thomas Billhardt đã vinh danh nhận được giải thưởng Bùi Xuân Phái -Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 14 - 2021 của Báo Thể thao & Văn hóa, TTXVN (hạng mục Tác phẩm). Tuy nhiên ông không thể có mặt tại Việt Nam vì dịch Covid-19.
Lần này, ngoài buổi trò chuyện ở Hà Nội, Thomas Billhardt còn có cuộc triển lãm ảnh Hội ngộ với Việt Nam diễn ra tại TP. HCM từ 3 - 29/3, bao gồm nhiều bức ảnh ông chụp Việt Nam trong giai đoạn 1962 - 1999. Dự kiến sau đó, triển lãm sẽ tiếp tục diễn ra tại Huế và Hà Nội.
Truyền tải lịch sử, bản sắc Việt Nam
*Những bức ảnh của Việt Nam hiện tại được ông chụp như thế nào?
- Tôi bây giờ chụp khá nhanh, nhưng khi chụp những bức ảnh hiện tại, tôi không quá chú trọng ở những điểm nhấn mang tính du lịch như khu phố cổ nữa. Tôi quan tâm đến cuộc sống thời nay của người Việt Nam đang diễn ra như thế nào.
Như bạn thấy trong buổi giới thiệu, đó có thể là hình ảnh của những người phụ nữ đẹp, có thể là một người thương binh, bên cạnh một người đàn ông đang ôm một chú chó qua đường… Tôi muốn lưu giữ được những sự đổi mới mà Việt Nam đã trải qua. Tôi cũng muốn tiếp tục công việc này cùng những nhóm du lịch đến Việt Nam thời gian tới.
* Và ông đang là một hướng dẫn viên du lịch đặc biệt trong những chuyến sang Việt Nam gần đây?
- Công việc của tôi là truyền tải lịch sử và những gì thuộc về bản sắc của người Việt Nam đến những người quan tâm tới lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Với những trải nghiệm, những bức ảnh và các câu chuyện của chính mình, tôi hi vọng sẽ giúp những du khách có cách thâm nhập vào cuộc sống và lịch sử Việt Nam. Họ sẽ không chỉ so sánh hay thấy được sự khác biệt của Việt Nam xưa và nay mà còn hiểu rằng: Việt Nam được như ngày hôm nay không phải là điều hiển nhiên. Đó là cả một quá trình đổi mới của các bạn trong nhiều năm.
Bởi thế, tôi không hẳn là hướng dẫn viên du lịch thông thường, chỉ đưa khách đến các điểm du lịch. Và những đoàn khách du lịch mà tôi dẫn cũng vậy. Họ tìm đến tôi vì thực sự muốn tìm hiểu sâu sắc về văn hóa con người Việt Nam.
* Ở tuổi 86, ông mong muốn được làm gì nhất vào lúc này?
- Dù thời điểm nào trong cuộc đời, tôi cũng muốn cống hiến, làm những việc có ích cho cuộc đời. Tuy nhiên, cuộc sống của tôi ở tuổi này không còn có thể đi nhiều như trước. Nên tôi đã dành nhiều thời gian để viết.
Tôi muốn viết để để lại kinh nghiệm, tầm nhìn và cả bài học cho thế hệ sau trải nghiệm. Trước mắt, tôi đang chuẩn bị ra mắt cuốn sách về quảng trường Alexanderplatz (Berlin, Đức) - nơi đã gắn liền với nhiều dấu mốc trong cuộc đời tôi. Cuốn thứ 2 sẽ viết về Chile. Và biết đâu, với những bức ảnh tôi mới chụp, cũng sẽ ra được sách!
* Đi qua chiến tranh và hòa bình, có cả những bi quan và lạc quan, vậy ông là người thiên về chiều hướng nào trong cuộc sống?
- Là người lạc quan hay bi quan thì tôi không rõ, nhưng tôi thừa nhận là tôi sợ. Tôi sợ sự phát triển trên thế giới hiện nay, từ chính trị, kinh tế… vì những tin tức tôi đọc được hiện nay khiến tôi hoài nghi thay vì tin tưởng ngay lập tức. Có những luồng thông tin đưa ra là bởi họ đưa cho người xem tin những gì họ muốn nên không còn xác thực nữa. Vậy nên, điều đầu tiên, tôi đã hoài nghi mà đáng ra tôi cần tin tưởng. Tôi sợ vì thế!
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Bức ảnh theo Thomas Billhardt suốt cuộc đời
Kể về bức ảnh Cụ bà khóc bên thi thể cháu từng được in ra cả triệu bản, Thomas Billhardt nói: Đó là bức ảnh đã khơi gợi được kí ức của nhiều người trong chúng ta và sẽ đi theo tôi đến khi tôi chết. Bức ảnh khiến tôi phải đấu tranh để chúng ta được biết thế nào là chiến tranh.
Theo lời tác giả, khi chụp bức ảnh, ông đang ở trong một căn phòng của khách sạn Metropole, Hà Nội, giai đoạn chiến tranh chống Mỹ. Sau cuộc tấn công của máy bay Mỹ, có rất nhiều nạn nhân thương vong vì không kịp xuống hầm trú ẩn. Ông nghe tiếng khóc khe khẽ của người bà trước đứa cháu đã mất trong bóng tối và thực hiện bức ảnh.
"Ánh sáng lúc đó không đủ để tôi chụp. Dù chúng tôi không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng tôi đã xin phép người bà, rằng xin bà đừng giận tôi, tôi phải chụp lại hình ảnh này để cháu bà chết không vô ích. Sau đó, tôi đã phải kéo đứa trẻ ra chỗ ánh sáng và giữ máy ảnh rất lâu để không bị rung" - Thomas Billhardt kể - "Khi gặp lại bố của cậu bé, cả hai chúng tôi đã khóc".