Thơ Nguyễn Việt Chiến liên tục bị đạo: Chờ đợi những 'lời xin lỗi'
(Thethaovanhoa.vn) - “Thơ của tôi nhiều lần bị đạo một cách ngang nhiên, trắng trợn để in trên các báo, tạp chí địa phương, thậm chí còn được dự thi và đoạt giải thưởng cao, biểu diễn trước công chúng”- nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ. Tác giả Tổ quốc nhìn từ biển, bài thơ bị đạo ít nhất 3 lần trong một thời gian ngắn cho rằng “cần phải xem xét kỹ những hành vi đạo thơ có hệ thống hiện nay”.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến viết bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển vào tháng 4/2009 trong dịp đi dự Trại sáng tác văn học về đề tài biển đảo và chiến sĩ hải quân do tạp chí Văn nghệ Quân đội và Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức tại TP Hạ Long.Đến năm 2011, bài thơ này đã được đăng tải trên nhiều tờ báo lớn như: Thanh niên, Văn nghệ Quân đội, Tiền phong, Nhân dân, Phụ vữ Việt Nam, Tạp chí Nhà văn, VnExpress, Vietnamnet…và hàng chục tờ báo địa phương, được 5 nhạc sĩ phổ nhạc, trong đó ca khúc do nhạc sĩ Quỳnh Hợp phổ thơ đã phát sóng nhiều lần ở Đài Truyền hình VN và các Đài PT-TH ở nhiều tỉnh, thành phố.
Có thể nói, Tổ quốc nhìn từ biển là một bài thơ về biển đảo khá phổ biến trong những năm gần đây và nhận được sự hưởng ứng của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bài thơ liên tục bị đạo lại một cách khá tinh vi, có khi rất lộ liễu, trong đó có 2 người đạo thơ đã chính thức xin lỗi nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Tuy nhiên, trường hợp mới nhất vẫn “ngoan cố” không chịu nhận mình đạo thơ.
Căn bệnh đạo thơ vì muốn nổi tiếng và đoạt giải
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ: “Năm 2013, nhà văn Lê Xuân (Hội Nhà văn TP Cần Thơ) điện cho tôi cho biết, một giáo viên dạy văn ở An Giang đã đạo bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của tôi thành Tổ quốc tôi nhìn từ biển, thêm chữ “tôi’ vào giữa tên bài thơ để đăng trên báo Văn nghệ Đồng Tháp số Xuân Quý Tỵ (2013).
Trong bài thơ, nhiều khổ, nhiều câu, nhiều ý thơ của tôi bị tác giả này đạo khá tinh xảo như: Nếu tổ quốc nhìn từ bao hiểm họa bị đạo thành: Tổ quốc tôi nhìn từ bao họa hiểm, hay Bao dáng núi còn mang hình góa phụ bị đạo thành: Núi mang hình góa phụ nhiều hơn”…
Tùy tiện và cẩu thả hơn, 2 câu thơ hay nhất trong bài thơ của Nguyễn Việt Chiến: Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng đã bị biến thành 2 câu thơ khác lạ có nội dung rất tối nghĩa và ám muội: Tổ quốc tôi nhìn từ phía Trường Sơn/Mẹ Âu Cơ nuốt hờn không yên được...
“Đọc bài thơ đạo thơ mình, tôi không ngờ lại có kiểu đạo thơ một cách lộ liễu như vậy. Tôi cũng “sốc” khi biết rằng, tác giả này từng 5 lần 7 lượt bị người đọc phát hiện đạo thơ của các nhà thơ nổi tiếng để in trên báo địa phương, thậm chí để dự một cuộc thi thơ của Đồng bằng sông Cửu Long để mong nổi tiếng”.
Ảnh chụp màn hình bài thơ “Xuân Trường Sa” đạo thơ Nguyễn Việt Chiến trên trang vongco.vn
Tuy nhiên, trước những sự thực không thể chỗi cãi, tác giả này phải nhiều lần xin lỗi các nhà thơ nổi tiếng và Nguyễn Việt Chiến.
Tiếp theo, một nhà thơ hội viên Hội nhà văn Hải Phòng cũng đạo bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến để dự một cuộc thi thơ ở Hải Phòng và đã được trao giải. Sau khi được bạn bè Nguyễn Việt Chiến phát hiện, tác giả trên đã xin lỗi tác giả, tạp chí đăng bài thơ đạo cũng đã xin lỗi và Hội Nhà văn Hải Phòng cho biết đã thu hồi giải thưởng trên.
2 bài thơ bị biến thành... vọng cổ chưa có lời xin lỗi
Mới đây, một bạn đọc trên mạng xã hội Facebook có nhắn tin cho Nguyễn Việt Chiến về việc phát hiện một trường hợp “đạo thơ” của anh để viết thành vọng cổ đăng trên trang mạng điện tử vongco.vn - Kho tàng vọng cổ Việt Nam. Vào trang vongco.vn, Nguyễn Việt Chiến thấy ngày 25/9/2015 có đăng bài ca vọng cổ Xuân Trường Sa của tác giả BS Nguyễn Thanh Điền (http://vongco.vn/Vong-co/Xuan-Truong-Sa-1381.html).
Trang vongco.vn cũng giới thiệu BS Điền, sinh năm 1966, quê Kiên Giang, hiện công tác ở khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang, là hội viên Hội VHNT tỉnh Kiên Giang, mê ca hát đờn ca tài tử và đã sáng tác hơn 70 tác phẩm cải lương, vọng cổ, có nhiều bài được Đài PT-TH Kiên Giang dựng phát sóng và đăng trên một số tạp chí.
Đọc kỹ bài Xuân Trường Sa, nhà thơ Nguyễn Việt Chiên thấy tác giả này đã lấy nhiều câu thơ trong hai bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển và Tổ quốc ở Trường Sa (đã đăng trênTạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Thanh niên, báo Văn nghệ từ năm 2009-2011 và nhiều tờ báo khác) của anh để đưa vào bài vọng cổ Xuân Trường Sa của mình.
Với tất cả sự khiêm tốn của một nhà thơ, Nguyễn Việt Chiến đã viết “thư ngỏ” đề nghị những người quản lý trang vongco.vn- Kho tàng vọng cổ Việt Nam và Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Kiên Giang và BS Nguyễn Thanh Điền làm rõ vụ việc nói trên, đồng thời đề nghị phải có lời xin lỗi chính thức, tránh những hệ lụy tiếp theo. Tuy nhiên đến nay, một lời xin lỗi với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến vẫn chưa hề có.
An Như
Thể thao & Văn hóa