Thơ chống Mỹ và 'cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ'
(Thethaovanhoa.vn) - Thơ kháng chiến chống Mỹ nói nhiều đến các cuộc chia ly. Tinh thần sử thi thâm nhập mạnh mẽ nên những cuộc chia tay rơi nước mắt nhuốm màu sắc lý tưởng. Vì thế, gam màu chủ đạo mang ý nghĩa biểu tượng cho các cuộc chia tay là màu đỏ, màu lửa, màu bình minh, màu hồng...
Người vợ tiễn chồng trong màu chói sáng của nắng, hoa gạo, ngọn nến, trời đỏ “Nắng lên hoa gạo ngang trời đỏ/ Thắp nến bừng lên giữa ánh trưa/ Em tiễn đưa anh như ngọn lửa/ Dấy lòng anh mãi chiến trường xa” (Mấy bài thơ đưa tiễn thời chống Mỹ - Gia Ninh).
Trên phông nền đó, người vợ “góp thêm lửa” làm cháy sáng khung trời đưa tiễn “Chiếc áo đỏ rực như than lửa/ Cháy không nguôi trước cảnh chia ly”. Từ màu sắc cụ thể: hoa đỏ, áo đỏ, nắng “cánh nhạn lai hồng”, “bông hoa chuối đỏ tươi” đến màu sắc trừu tượng “cuộc chia ly màu đỏ”, “cuộc chia ly chói ngời sắc đỏ”, Nguyễn Mỹ sáng tạo thành công bức “thông điệp đỏ của tình yêu”.
Màu đỏ chia ly đến với “khoảng đời đêm nay cháy đỏ” trong “cái đêm hành quân rất vội” ấy, để người lính sẵn một lòng tin, sắt son lời ước hẹn “Đợi ngày về anh chia lửa cho em” (Nửa sau khoảng đời - Vũ Đình Văn); “Những chiến sĩ trẻ như ban mai/ Chia tay/ Để ngày mai trở lại” (Chiều sân ga - Lê Văn Vọng). Thậm chí người lính chấp nhận “Cuộc chia tay không hẹn ngày về” (Những người đi tới biển - Thanh Thảo)…
Không gian đưa tiễn người ra trận đã mở rộng từ cánh đồng lúa nơi hậu phương (kháng chiến chống Pháp) đến không gian liên thông hậu phương - tiền tuyến (kháng chiến chống Mỹ) qua Cuộc chia ly màu đỏ, Chia tay trong đêm Hà Nội... Từ bức tranh của buổi tiễn đưa trong Thăm lúa (Trần Hữu Thung) mang tính cụ thể với tiếng chim chiền chiện và màu xanh trong trẻo của trời, màu vàng của lúa chín đến khung cảnh tiễn đưa với gam màu đỏ rực rỡ của áo đỏ, mặt trời đỏ, bông hoa chuối đỏ của Cuộc chia ly màu đỏ (Nguyễn Mỹ). Những cuộc chia tay nhờ thế trở nên thấm đẫm lý tưởng và khái quát được vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam, vừa có nét riêng vừa mang cái chung tiêu biểu cho thời đại.
Như vậy, xa cách là thực, nhưng theo cách nói của con người ý chí, thì dường như “không hề có cuộc chia ly”. Tiềm ẩn trong một con người, nhưng con người ý chí đã vượt lên khỏi con người của đời thường với suy nghĩ và lựa chọn dứt khoát.
***
Không gian các cuộc chia tay rất đẹp, thường vấn vít sắc hương. Hương thơm ấy làm nền cho khung cảnh chia tay giàu thêm chất lãng mạn. Đó là “Hương một cối vừng, đứa em trai tiễn anh ra trận”; là “Hương bưởi thơm cho lòng bối rối” của cô gái; là “Hương ngọc lan ngào ngạt” vấn vít bên đôi bạn trẻ yêu nhau say đắm trên đường Thanh Niên; là hương nếp thơm nồng nàn trên cánh đồng lúa chín. Và “hương thầm”, dẫu có “giấu kín”, cũng vẫn ngát hương để “nói hộ tình yêu” (Hương thầm - Phan Thị Thanh Nhàn) của tuổi trẻ.
Chia tay không nói là tâm lý thường thấy trong cảnh chia phôi, họ nói bằng “sóng lòng”, “sóng mắt” - thứ ngôn ngữ riêng của tâm trạng. Tưởng “chia tay chẳng nói gì” nhưng thực ra họ đã nói, nói được nhiều nhất - tiếng nói đầy tâm trạng của con người tình nghĩa. Cô gái gửi theo chàng trai Hương thầm làm hành trang suốt chặng đường hành quân “Anh lên đường hương sẽ bay đi khắp” và “Hương thầm thơm mãi bước người đi” (Phan Thị Thanh Nhàn). Tình yêu và những kỷ niệm trở thành sức mạnh thôi thúc, thành tiếng gọi ở phía trước. Hình ảnh người yêu hiển hiện khắp chặng đường hành quân “Chín năm trời anh đã mang đi/ Cả tình em/ Xóm nhỏ...” (Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh). Người lính mang theo hành trang “tình em ra tiền tuyến” (Cô Tấm ở trong nhà - Phạm Ngọc Cảnh); mang trong tim “ngần ấy vì sao” của “mắt anh, mắt em” trong “cái đêm hành quân rất vội” (Nửa sau khoảng đời - Vũ Đình Văn). Tình yêu được nhân đôi sức mạnh “Có tình em dõi theo đi/ Một người chiến đấu với hai tâm hồn” (Vợ chuẩn bị hành trang cho chồng ra tiền tuyến - Xuân Diệu)...
Lẽ thường, các cuộc chia ly, người phụ nữ thường ở thế bị động, là người đưa tiễn, ở lại hậu phương lao động sản xuất, là hậu thuẫn lớn cho tiền phương. Nhưng trong bài thơ Chia tay trong đêm Hà Nội của Nguyễn Đình Thi, người ở lại hậu phương cũng như người ra trận đều có nhiệm vụ cầm súng chiến đấu. Tình yêu vẫn nồng nàn, mạnh mẽ và bộc lộ một cách tự nhiên theo sự rung động của trái tim nhưng cũng là một tình yêu mang “sắc màu chiến trận”: Em đi bên anh/ tóc xoà bay rối/Nhỏ nhắn vai em/ khoác súng trường/ Nhìn em anh hãy còn bỡ ngỡ/ Như sợ bất ngờ em biến đi đâu/ Anh nắm tay em và đứng lại/ Ôi, Anh không còn biết đang ở đâu... Mặt trận chiến đấu mở rộng phạm vi cho những đôi lứa yêu nhau "Cùng nhau chiến đấu hai phương trời", dẫu biết "Ngày mai hai đứa đã hai nơi/ Hai đầu đất nước trong dông bão".
Chiến tranh tác động đến cả những giây phút riêng tư. Nhu cầu giao cảm cũng vì thế mà “đặc biệt”. Cô gái dịu dàng trong vòng tay ôm “tham lam”, “bộn bề”, “lỉnh kỉnh” của chàng trai cả “em” và “súng“: “Anh ôm em/ Và ôm cả khẩu súng trường trên vai em”, nhưng vẫn “tỉnh táo” để không quên nhiệm vụ, không quên dặn dò “Nhớ nhau chân cứng đá mềm em nhé/ Hẹn đánh Mỹ xong ta sẽ về tìm nhau”...
Khi nhà thơ nói với chính mình, nói những điều riêng tư nhất đã đành, nhưng ngay cả khi nói về đất nước, nhân dân, tình cảm lớn của dân tộc thì nhà thơ cũng như đang nói với mình, trở về trái tim mình trong giọng độc thoại nội tâm:
Trăng soi gương mặt ngàn yêu dấu
Ngày mai hai đứa hai nơi
Hai đầu đất nước trong dông bão
Cùng chung chiến đấu hai phương trời
Có quá trình chuyển hoá mau lẹ trong các cuộc đưa tiễn. Ban đầu, nhà thơ thường đứng ở phía người đưa tiễn, hoặc là người chứng kiến, nghĩa là người ngoài cuộc: “Tôi bỗng thấy một cô áo đỏ” (Nguyễn Mỹ), “Họ nhìn nhau chẳng nói năng chi” (Phan Thị Thanh Nhàn), “Hôm trước đưa anh đi tòng quân” (Xuân Sách)...
Về sau, từ vị trí quan sát, nhà thơ chuyển sang chủ thể với những cuộc đưa tiễn cảm động:
“Em tiễn đưa anh như ngọn lửa
Dấy lòng anh mãi chiến trường xa”
(Mấy bài thơ đưa tiễn thời chồng thời chống Mỹ - Gia Ninh)
“Em tiễn anh lên đường
Đứng bên bờ em hát
Muốn gửi đi theo anh
Cả dòng sông trong mát
(Làng quan họ - Nguyễn Phan Hách)...
***
Trong chiến tranh, tình yêu luôn thường trực màu sắc lý tưởng. Những đôi lứa yêu nhau luôn gắn kết hài hòa giữa mạch tình cảm riêng - chung. Thơ chống Mỹ - thơ của những người lính đã ghi lại những chi tiết chân thực, cảm động từ các cuộc đưa tiễn. Ngoài âm thanh sôi động của đám đông “xôi nắm cơm đùm ríu rít theo nhau”, “tiếng cười hăm hở” là tiếng “còi lên đường. Những vì sao xôn xao” (Nửa sau khoảng đời - Vũ Đình Văn); tiếng con tàu lăn bánh “xình xịch...” trên sân ga, đưa “những chiến sĩ mười tám, đôi mươi… trẻ như ban mai” ra trận (Chiều sân ga - Lê Văn Vọng). Đó còn là “âm thanh tĩnh” của tiếng lòng dậy sóng, của mạch đập rộn ràng trong trái tim “những chàng lính trẻ măng tơ”, cùng tiếng “vọng nói về” của cha ông từ bốn ngàn năm lịch sử.
Người lính “bước vào trận mới” vẫn còn “những điều chưa nói”, vẫn canh cánh nỗi lo “mẹ lưng còng”, “những mái nhà tranh”, “cánh đồng quanh năm nước nổi”… nhưng những người lính tài hoa ấy đã hiểu sâu sắc nghĩa vụ với đất nước và cả trách nhiệm của trái tim “Qua cửa sổ con tàu là Đất nước, là Em”.
Chi phối bởi cảm quan sử thi, vượt lên mọi hoàn cảnh, người lính vừa như muốn chấp hành mệnh lệnh trái tim, vừa quyết tâm “dứt áo”, để lại sau những bộn bề, vẫn giục người yêu:
“Về đi em
Cho con tàu lăn bánh”
(Chiều sân ga - Lê Văn Vọng)
“Thôi, về đi em. Hai đứa cười nóng mặt”
(Nửa sau khoảng đời - Vũ Đình Văn).
Mô-típ “Xa anh em buồn nhưng không khóc” (Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh) xuất hiện với mật độ đậm đặc trong thơ, cũng cốt để nhấn mạnh con người ý chí, con người biết hy sinh hạnh phúc riêng tư “Bao lần trên mặt đê này em tiễn đưa/ Bao lần ra đi không lần nào rơi nước mắt” (Con đê làng - Văn Thảo Nguyên). Và nếu phải khóc thì “Nước mắt chỉ dành cho ngày gặp mặt” (Chúng con chiến đấu cho Người sống mãi Việt Nam ơi - Nam Hà). Người chiến sĩ pháo binh Trường Sơn bao năm sống, chiến đấu ở rừng cùng chung tâm sự đó “Ở đây con người sống trong ly biệt/ Nhưng không có nỗi buồn xa cách” (Diệp Minh Tuyền). Vẫn chung cảm xúc đó, cô gái tiễn đưa chàng trai trong “màu đỏ” của ý chí: “Khi anh ra đi, em tuy không buồn nhưng cũng nhớ/ Mỗi cánh chim bay qua cửa sổ/ Em ước mình được vỗ cánh bay theo” (Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh) và con người công dân chi phối cuộc chia tay “Anh yêu ơi/ Khi Tổ quốc yêu cầu/ Ta sẵn sàng gửi nhớ thương nhau” (Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh)…
Đó là tâm lý thường thấy trong thơ thời điểm đó. Nhưng đôi khi, vì quá tập trung nhấn mạnh con người ý chí, cái tôi trữ tình dễ rơi vào trạng thái cường điệu hoá, “lên gân”, thiếu đi độ “chân thật”. Sau chiến tranh, thơ tình yêu lại trả về đúng vị trí đích thực của trái tim, theo đúng quy luật tình cảm, để lý giải một cách đầy đủ và thẳng thắn “Làm sao sống được mà không yêu”, hay “Yêu là chết ở trong lòng một ít” (Xuân Diệu)...
Họ đã tìm thấy ý nghĩa cao đẹp của việc chờ đợi “Thơm cho chúng mình năm tháng đợi chờ nhau” (Nguyễn Đức Mậu). Biết chờ đợi, bất chấp không gian, thời gian là một phẩm chất của con người trọng nghĩa trong thời đại chống Mỹ: “Em chờ anh không ngại chuyện dài lâu/ Như xưa ông bà, cha mẹ đã chờ nhau” (Em biết là anh đang ở đâu - Phạm Hổ).
“Khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau” là câu thơ mang ý nghĩa đúc kết của Nam Hà - một biểu tượng đẹp về tình yêu giàu đức hy sinh - "mẫu số chung" cho tình yêu mang sắc màu chiến trận.
***
Như vậy, có thể nói trong thơ kháng chiến chống Mỹ, tình yêu và chia ly cũng chịu sự chi phối nghiêm ngặt của tinh thần sử thi. Vì thế, chuyện chia ly không chỉ là chuyện riêng tư, vì cái riêng đã hướng tới cộng đồng, cái chung được cộng hưởng sức mạnh và phần nào làm đa dạng cảm hứng sử thi. Có thể nói, hiện tượng thâm nhập, chi phối mạnh mẽ của phương thức sử thi vào mọi loại thể đã làm nên diện mạo độc đáo cho thơ tình yêu thời kỳ này:
Ôi cái nhớ sao mà kỳ diệu
Ôi cái thương sao khéo đậm đà
Có phải lúc xa nhau ta mới hiểu
Nỗi lòng những phút chia xa...
(Nhớ - Hoàng Thị Minh Khanh)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng