Thiên Tân: Chuỗi cháy, nổ liên hoàn còn kéo dài đến bao giờ?
(Thethaovanhoa.vn) - Không quá khó để tìm ra câu trả lời, khi hôm qua, 15/8, tức 2 ngày sau vụ nổ kép, vẫn xảy ra một chuỗi các vụ nổ nhỏ ở hiện trường kèm theo các đám cháy. Người dân trong phạm vi 3km phải sơ tán thay vì chỉ trong phạm vi 500m như trước đó.
Vâng, không khó để tìm câu trả lời bởi ngay cả các nhà chức trách cũng không thể biết rõ còn bao nhiêu hóa chất dễ phát nổ ở trong đống đổ nát Thiên Tân và làm cách nào để dập được chúng.
* Chưa rõ còn bao nhiêu chất dễ phát nổ, bắt lửa
Các chuyên gia đang điều tra nhằm tìm ra nguyên nhân của các vụ nổ này. Theo CCTV News, bên trong nhà kho có calcium carbide, một chất hóa học mà khi gặp nước hoặc nhiệt độ ẩm nó sẽ tạo ta acetylene, một loại khí dễ cháy. Nó có thể phát nổ khi đạt tới một mức độ nhất định.
Trong sáng 15/8, cảnh sát Trung Quốc đã lần đầu tiên xác nhận ở khu vực phía Đông hiện trường vụ nổ có chất xyanua natri (NaCN) độc hại có thể gây chết người.
Phó Giám đốc Cơ quan an toàn lao động Thiên Tân, Cao Hoài Hữu cũng cho biết các hóa chất được lưu trong nhà kho bị nổ có thể gồm cả chất NaCN nhưng cần thêm thông tin xác nhận. Theo quan chức này, vẫn chưa thể xác minh được thông tin công ty Rui Hai Logistics - chủ sở hữu nhà kho trên - có tới 700 tấn NaCN. Theo giới chuyên gia, việc sử dụng nước để dập tắt đám cháy do NaCN gây ra sẽ tạo hàm lượng hydrogen cyanide (HCN) cao rất dễ bắt lửa. HCN cũng là một chất hóa học rất độc hại.
“Chúng tôi tin rằng có thể vẫn còn nhiều hóa chất được cất trữ tại khu vực cảng”, ông Gao nói.
Ông Sun Chenglin, nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý Hóa học Đại Liên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, cho rằng sau vụ nổ ở Thiên Tân, đáng lẽ ra nên dập tắt đám cháy do calcium carbide gây ra bằng bột than chì khô hoặc cát khô, chứ không phải nước.
Sau sai lầm dùng nước để dập đám cháy, người ta bắt đầu sợ... mưa. Trả lời câu hỏi liệu có mưa xuống có dẫn đến tai nạn phái sinh tại nơi xảy ra vụ nổ, Wang Lianqing, kỹ sư cao cấp thuộc Hiệp hội Bảo vệ Môi trường Thiên Thân, khẳng định mưa liên tục sẽ không gây thêm tai nạn bởi cả khu vực này đã được dập tắt hết.
Thế nhưng, ngày hôm qua, vẫn tiếp tục xảy ra hàng loạt vụ nổ nhỏ mới và các vụ hỏa hoạn nhỏ tại hiện trường. Có 7-8 tiếng nổ mới được ghi nhận vào khoảng 11 giờ sáng nay theo giờ địa phương, khiến lửa lại bùng lên tại khu vực cảng thành phố Thiên Tân.
* Chưa rõ khí độc đến mức nào, lan rộng đến đâu?
Ngày 15/8, Trung Quốc cảnh báo rằng người dân sống gần hiện trường 2 vụ nổ nhà kho đêm 12/8 ở thành phố cảng Thiên Tân, Đông Bắc nước này cần phải đi sơ tán để tránh hóa chất độc hại lan rộng do gió đã chuyển hướng.
Đồng thời, các nhà chức trách cũng khuyên người dân nên mặc quần dài và đeo mặt nạ. Những người dân này trước đó đã phải trú ẩn trong một trường học.
Cơ quan tìm kiếm cứu nạn của Trung Quốc cho biết thêm số người bị thương cũng tăng lên thành 722 người, trong đó có 58 người đang trong tình trạng nguy kịch hoặc nghiêm trọng. Trung Quốc tiếp tục sơ tán người dân xung quanh khu vực hiện trường vụ nổ do lo ngại gió đổi hướng có thể thổi hóa chất vào sâu trong nội địa. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người đã được sơ tán, song Tân hoa xã đưa tin khoảng 6.300 người đã bị mất chỗ ở do hậu quả của các vụ nổ.
*Ảnh hưởng lâu dài đến môi trường và lời cảnh báo về việc lạm dụng hóa chất
Hôm 14/8, Bộ Bảo vệ Môi trường thông báo, trong các đường ống ngầm của 2 cửa xả bị chặn ở nơi xảy ra vụ nổ phát hiện thấy có nhiều oxy hóa học và xyanua, cao hơn so với mức được phép 3-8 lần.
Ông Ma Jun, Giám đốc Viện các vấn đề Công cộng và Môi trường Trung Quốc nhấn mạnh quan trọng là phải đảm bảo nguồn nước bị ô nhiễm tại nơi xảy ra vụ nổ phải được ngăn chặn và xử lý một cách đúng đắn. “Nếu nước ô nhiễm chảy ra biển Bột Hải, nó sẽ phá hủy hệ sinh thái biển. Nếu nước bị ô nhiễm thấm vào nước ngầm hoặc đất, công tác khắc phục hậu quả sẽ vô cùng khó khăn và tốn rất nhiều tiền” – ông Ma Jun nói.
Ông Ma Jun kêu gọi các cơ quan giám sát an toàn và ban, ngành bảo vệ môi trường quan tâm hơn nữa tới vụ nổ ở Thiên Tân. Ông đặt vấn đề, liệu các cơ quan liên quan có biết rõ có lượng lớn các hóa chất nguy hiểm tại nơi xảy ra vụ nổ và họ có tìm ra các lỗ hổng tiềm tàng về an toàn và các lệnh chỉnh sửa đã ban hành theo các quy ước quốc tế và thiết lập một hệ thống công bố các thông tin về các hóa chất độc hại nhằm dẹp bỏ các hàng rào giữa các cơ quan giám sát an toàn, bảo vệ môi trường và giao thông, tạo áp lực cho các doanh nghiệp và buộc họ phải hoạt động theo sự giám sát chung.
Tuy nhiên, người dân địa phương sẽ không muốn sống ở nơi đầy rẫy những chất hóa học độc hại.
“Sản xuất bằng việc sử dụng các hóa chất độc hại đã trở thành một trò chơi. Có cần thiết phải sử dụng một lượng lớn hóa chất độc hại như vậy trong quá trình sản xuất? Những chất này gây đe dọa cho môi trường và cả sức khỏe của chúng ta, kể cả khi không hề có bất cứ vụ tai nạn nào. Tôi hy vọng, việc sử dụng hóa chất độc hại sẽ được giảm đáng kể bởi đây chính là giải pháp thực sự mà chúng ta đang cần”.
Thiên Chuyên (tổng hợp)