Thị trường ô tô Việt Nam: Sức mua cầm chừng, chờ giảm thuế trước bạ
Thị trường ô tô Việt Nam tháng 6/2024 tiếp tục duy trì trạng thái cầm chừng khi người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước. Dù lượng tiêu thụ có nhích nhẹ nhưng chưa thể bứt phá.
Xe lắp ráp tăng trưởng, nhập khẩu giảm nhẹ
Theo báo cáo của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố, tổng doanh số bán hàng của các đơn vị thành viên trong tháng 6/2024 đạt 26.575 xe các loại, tăng 3% so với tháng trước.
Trong tổng doanh số bán hàng trên, lượng xe du lịch bán ra đạt 19.944 chiếc, tăng 9%; xe thương mại đạt 6.419 chiếc, giảm 12%; và xe chuyên dụng giảm đến 21%, chỉ đạt 212 chiếc.
Mặc dù vậy, so với cùng kỳ năm 2023, tổng lượng ô tô tiêu thụ tháng 6/2024 vẫn tăng 12%, con số đáng khích lệ trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn.
Một điểm đáng chú ý là sự thay đổi trong tương quan giữa xe lắp ráp trong nước (CKD) và xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Cụ thể là tháng 6/2024, lượng xe CKD bán ra đạt 12.962 chiếc, tăng 8% so với tháng trước, trong khi xe CBU giảm nhẹ 1%, đạt 13.613 chiếc.
Mặc dù lượng xe CKD bán ra vẫn thấp hơn xe nhập khẩu, nhưng dấu hiệu tăng trưởng cho thấy tín hiệu tích cực. Cụ thể là nhiều người tiêu dùng không muốn chờ đợi quá lâu khi chính sách giảm lệ phí trước bạ dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 thay vì ngày 1/7 như những lần trước. Đối với nhiều người, ô tô là phương tiện thiết yếu cho nhu cầu đi lại hàng ngày và các hoạt động kinh doanh, do đó, việc chờ đợi kéo dài có thể ảnh hưởng đến các nhu cầu cần thiết khác.
Theo nhận định của một số hãng xe, sức mua chính của thị trường lúc này chính là những người có nhu cầu cấp thiết và những người tranh thủ mua xe từ các chương trình ưu đãi, giảm giá tương đương 50% thậm chí đến 100% lệ phí trước bạ trong bối cảnh người dân chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu mua sắm tự nhiên.
Tuy nhiên, tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng dung lượng thị trường ô tô Việt Nam của các đơn vị thành viên VAMA đạt 134.884 chiếc, giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, xe du lịch đạt 97.295 chiếc, giảm 3%; xe thương mại đạt 36.441 chiếc, tăng 2%; và xe chuyên dụng đạt 1.148 chiếc, giảm 4%.
Đặc biệt, sản lượng bán hàng xe CKD trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 67.849 chiếc, giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Trái ngược với sự sụt giảm của xe CKD, xe CBU lại tăng trưởng 16%, đạt 67.035 chiếc.
Với sự tăng giảm trồi sụt giữa xe CKD và xe CBU như trên, các chuyên gia cho rằng, trong cuộc đua giảm giá khuyến mại giữa các hãng và giữa xuất xứ, xe CBU có nhiều mẫu mã và chủng loại đa dạng hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu và sở thích phong phú của người tiêu dùng. Đặc biệt, chất lượng và tính năng của xe CBU thường được trang bị công nghệ hiện đại, tính năng an toàn tiên tiến và chất lượng cao hơn so với xe CKD, thu hút khách hàng có thu nhập cao.
Chờ sự chuyển biến tích cực trong nửa cuối năm
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, bên cạnh cuộc đua giảm giá trên, thị trường ô tô Việt Nam vẫn đang "nín thở" chờ đợi sự chuyển biến tích cực từ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe sản xuất lắp trong nước để có thể bứt phá mạnh hơn trong nửa cuối năm 2024. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, cả người tiêu dùng và các nhà sản xuất đều hy vọng vào động thái chính thức giảm lệ phí trước bạ để đưa thị trường ô tô Việt Nam trở lại đà tăng trưởng vào những tháng cuối năm.
Theo tính toán, việc giảm 50% lệ phí trước bạ nếu được thông qua có thể giúp khách hàng tiết kiệm một khoản đáng kể. Cụ thể, tại thị trường Việt Nam ô tô truyền thống có giá rẻ nhất là Kia Morning MT giá 349 triệu đồng, khi giảm 50% lệ phí trước bạ, mức giảm sẽ tương đương 17,45 triệu; và mẫu xe hạng sang phổ như Mercedes-Benz E 300 AMG FL có giá 3,209 tỷ đồng, sẽ có mức giảm đến 192 triệu đồng. Với mức giảm như vậy và tùy theo địa phương áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 10% hoặc 12% nên sẽ giúp người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Thực tế cho thấy, thị trường ô tô Việt Nam trầm lắng từ đầu năm đến nay, nhiều hãng xe đã chủ động điều chỉnh giá bán, ưu đãi lệ phí trước bạ không chỉ cho xe lắp ráp trong nước mà còn cho cả xe nhập khẩu nguyên chiếc hoặc giảm tiền trực tiếp cho khách hàng từ vài chục đến cả hàng trăm triệu đồng.
Cụ thể, ở nhóm xe lắp ráp trong nước, Hyundai Thành Công đã điều chỉnh giá bán cho loạt sản phẩm của mình như Hyundai Venue, Hyundai Elantra, Hyundai Custin, Hyundai Santa Fe với mức giảm từ 20 triệu đến 100 triệu đồng. Honda Việt Nam ưu đãi 50% lệ phí trước bạ cho Honda CR-V và City, mức giảm tương ứng từ gần 28 triệu đến 78 triệu đồng.
Ở nhóm xe nhập khẩu, Honda Việt Nam giảm tiền mặt đến 220 triệu đồng cho khách mua Accord. Tương tự, Volkswagen cũng ưu đãi 50% phí trước bạ cho Teramont X, giúp khách hàng tiết kiệm được từ gần 100 triệu đến hơn 130 triệu đồng, tùy theo địa phương áp dụng mức thu lệ phí trước bạ 10 hay 12%. Haval H6 Hybrid cũng giảm 100 triệu đồng tiền mặt và 50% lệ phí trước bạ cho khách mua xe nâng tổng mức giảm lên đến 166 triệu đồng...
Mặc dù doanh nghiệp giảm giá, ưu đãi là vậy, nhưng theo ghi nhận của phóng viên, trước thông tin đề xuất giảm lệ phí trước bạ, nhiều khách hàng vẫn có tâm lý thăm dò và chờ đợi chính sách giảm lệ phí trước bạ có hiệu lực để có thể sở hữu ô tô với giá "mềm" hơn. Thậm chí, có những khách hàng đã đặt cọc nhưng yêu cầu đại lý bàn giao xe sang tháng 8 tới để được hưởng lợi "kép" tức là gồm cả khuyến mãi từ đại lý và hỗ trợ trước bạ từ Chính phủ.