Thì ra Hòa Thân không phải họ 'Hòa', hậu nhân mang họ này có thể cùng gốc gác với vị tham quan nức tiếng Thanh triều
Trong các bộ phim truyền hình cổ trang Thanh triều, mỗi khi có nhân vật Hòa Thân xuất hiện, ai cũng đều gọi ông là "Hòa đại nhân". Vậy có phải họ của ông là "Hòa"?
Hòa Thân là một trọng thần dưới triều Càn Long đế của nhà Thanh. Ông được biết đến là một đại tham quan nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.
Song hậu nhân không thể phủ nhận, Hòa Thân có đầu óc mưu mô, thông minh và giỏi hiến kế bày chiến lược, có thể xem là cánh tay đắc lực của Càn Long lúc bấy giờ. Mặc dù biết rõ Hòa Thân đã ăn tham không ít của cải triều đình, nhưng Càn Long vẫn không vạch trần cũng chỉ vì vị trọng thần này có ích cho đất nước.
Hòa Thân - vị tham quan nức tiếng trong lịch sử Trung Quốc
Xuất thân là một công tử Mãn Châu (Trung Quốc), gia thế nhà Hòa Thân tuy không hiển hách song cũng là gia tộc quân công.
Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông rất được yêu thích và trọng dụng ngay từ thuở còn đi học.
Năm Càn Long thứ 37 (1772), Hòa Thân nhậm chức Tam đẳng Thị vệ sau cải thành Niêm can xứ Thị vệ. Kể từ đó, con đường làm quan của ông cực kỳ rộng mở. Sau năm 1784, Hòa Thân nhận rất nhiều chức vụ khác nhau và đều là quan nhất phẩm chánh hoặc nhất phẩm tòng.
Được bảo đảm bởi sự ưu ái của Càn Long, Hòa Thân đã làm loạn chốn quan trường. Trong những năm tháng làm quan, Hòa Thân vơ vét và thao túng, ăn hối lộ, tham nhũng của cải của nhà nước.
Của cải của Hòa Thân nhiều đến mức trong dân gian có tương truyền rằng "Cái Càn Long có, Hòa Thân có; cái Càn Long không có chưa chắc Hòa Thân không có". Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước tính vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố Nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được.
Hòa Thân mang họ "Hòa"?
Trong các bộ phim truyền hình cổ trang Thanh triều, mỗi khi có nhân vật Hòa Thân xuất hiện, ai cũng đều gọi ông là "Hòa đại nhân". Vì vậy, nhiều người nhầm lẫn Hòa Thân mang họ "Hòa".
Trên thực tế, Hòa Thân không phải họ Hòa. Ông là người Chính Hồng Kỳ Mãn Châu, thuộc tộc Nữu Hỗ Lộc, tên thật là Thiện Bảo, sau khi đi học mới được đổi tên thành Hòa Thân. Như vậy, tên đầy đủ của Hòa Thân phải là Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân.
Gia tộc Nữu Hỗ Lộc là dòng họ lâu đời nhất của người Mãn. Trong gia tộc này, ngoài quyền thần Hòa Thân thời Càn Long, còn có không ít danh nhân nổi tiếng như danh tướng khai quốc nhà Thanh Ngạch Diệc Đô, chính thất của Hoàng Thái Cực là Nguyên phi, Hoàng hậu thứ hai của Hoàng đế Khang Hi là Hiếu Chiêu Nhân hoàng hậu, Hoàng hậu của Hàm Phong đế là Hiếu Trinh Hiển Hoàng hậu (tức Từ An thái hậu)...
Vì vậy, phim truyền hình Trung Quốc gọi Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân là “Hòa đại nhân” là sai lầm sao? Câu trả lời là không.
Quay trở lại thời kỳ Càn Long, các đại thần trong triều gọi Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân là "Hòa đại nhân", "Hòa trung đường".
Điều này là do, Bát Kỳ Mãn Châu có tập tục truyền thống "xưng danh không nhắc họ". Trong cuộc sống hàng ngày, người Mãn Châu sẽ bỏ qua các họ như Nữu Hỗ Lộc, Qua Nhĩ Giai, Ái Tân Giác La, Phú Sát… mà trực tiếp gọi tên. Nếu không phải là những trường hợp quan trọng mang tính lễ nghi, người Mãn Châu sẽ không gọi nhau bằng họ.
Vì vậy, Hòa Thân trong tấu chương viết cho triều đình, thường tự gọi mình là "Thần, Hòa Thân", chứ không phải tự xưng là Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân.
Nhà Thanh tiếp thu văn hóa Trung Nguyên. Trong văn hóa Trung Nguyên có thói quen gọi “họ + chức vụ của quan chức” để thể hiện sự tôn trọng. Chốn quan trường nhà Thanh cũng bắt đầu hình thành tục lệ này.
Vì họ của người Hán tương đối đơn giản, họ và tên cộng lại bình thường cũng chỉ có 2-3 chữ. Cho dù cộng thêm các họ kép như Âu Dương, Mộ Dung… nhiều nhất cũng chỉ có 4 chữ, xưng hô như vậy không có vấn đề gì. Trong khi đó, tên người Mãn tương đối phức tạp, giao tiếp với người Hán tương đối khó khăn. Thế là người Mãn bắt đầu học cách chỉ gọi nhau bằng tên không gồm họ.
Ví dụ, danh tướng nhà Thanh Phú Sát Phúc Khang An, quyền thần thời Khang Hi Hách Xá Lý Sách Ngạch Đồ đều là "Phúc đại nhân", "Sách đại nhân" hoặc "Phúc tướng quân", "Sách trung đường".
Vì vậy, phim truyền hình gọi Nữu Hỗ Lộc Hòa Thân là "Hòa đại nhân" hoàn toàn phù hợp với lịch sử.
Đáng chú ý là, vì Hòa Thân thuộc Nữu Hỗ Lộc thị là một trong 8 gia tộc lớn của Mãn Châu, đồng thời trong gia tộc này cũng xuất hiện vài Hoàng hậu, bởi vậy họ có một đặc quyền, đó là được phép lấy chữ cái đầu tiên trong họ để làm “họ giả”, tức là tộc Nữu Hỗ Lộc có thể được gọi tắt là “Nữu”.
Cũng bởi vì đặc quyền này nên chữ Nữu dần phái sinh thành chữ Lang, cuối cùng hình thành họ Lang ngày nay.
Từ sau triều đại nhà Thanh, Lang thị xuất hiện không ít người nổi tiếng. Họa sĩ thư pháp nhà Thanh Lang Bảo Thần, tuần phủ Giang Tây Lang Đình Tá, cùng với những danh nhân đương đại khác. Ngày nay, người dân tộc Mãn họ Lang có thể là cùng tổ tiên gốc gác với Hòa Thân.
Thật ra, sau khi nhà Thanh diệt vong, Ái Tân Giác La thị, Phú Sát thị và các dòng họ Mãn Châu khác đều đổi tên. Ái Tân Giác La thị đổi thành "Kim"; Phú Sát thị đổi thành "Phú" hoặc "Phó"; Qua Nhĩ Giai thị thì đổi thành "Quan", "Thạch", "Tô", "Lý", "Cao"; Diệp Hách Na Lạp thị đã được thay đổi thành "Diệp" hoặc "Na".
Nguồn: Baidu