Theo 'dấu vết' người giúp việc bạo hành trẻ sơ sinh ở Phủ Lý: Thần kinh bình thường
(Thethaovanhoa.vn) - Đêm ngày 22/11, một tài khoản trên Facebook có tên N.P đã đăng tải một số đoạn video, trong đó ghi lại cảnh một người phụ nữ liên tục dùng tay bóp miệng, đập vào đầu, tát vào mặt, tung lên cao một cháu bé vẫn còn rất nhỏ mặc cho bé gào khóc.
Sau khi đoạn video được đăng tải, dư luận vô cùng phẫn nộ. Sự việc được xác định xảy ra ở nhà chị T.N.P ở tổ 2, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý, Hà Nam.
Cháu bé là con thứ 2 của chị T.N.P, mới sinh được hơn 1 tháng. Người phụ nữ có hành động độc ác trong đoạn video là bà H.(sinh năm 1960) là người giúp việc của gia đình. Ngay đêm hôm đó gia đình đã trình báo vụ việc lên chính quyền, cơ quan chức năng.
11 giờ trưa ngày 23/11 chúng tôi có mặt tại cửa nhà chị T.N.P và anh N.N.A (bố mẹ cháu bé bị người giúp việc bạo hành như báo chí đã đưa) tại tổ 2, phường Quang Trung, thành phố Phủ Lý. Cửa nhà đóng kín, khóa trong, đồ tã lót, quần áo trẻ em phơi khá nhiều trên tầng 2.
Chúng tôi tìm đến nhà bác Hoàng Kim Sơn, Tổ trưởng tổ dân phố, bác Sơn cho biết: “Từ sáng đến giờ tôi lúc thì cùng cán bộ phụ nữ phường, cán bộ lao động - thương binh - xã hội đã đến gia đình chị T.N.P. 3 lần nhưng đều không có người ở nhà. Tôi hỏi hàng xóm thì có người nói gia đình cho con đi khám sức khỏe ở bệnh viện trên Hà Nội”.
Qua bác Sơn chúng tôi được biết, vợ chồng anh chị N.N.A, T.N.P đều làm bên ngành công an. Anh chị có 2 con, cháu bé mới sinh được hơn 1 tháng. Người giúp việc mới đến gia đình chị T.N.P. được gần 2 tháng. Người giúp việc này cũng từng giúp việc cho một gia đình khác trong tổ.
Khi chúng tôi đến bác Sơn vẫn đang mở điện thoại xem thông tin về vụ việc trên báo chí. Bác tỏ ra vô cùng giận dữ, phẫn nộ về hành vi của người giúp việc. Bác giận dữ, phẫn nộ vì cháu bé còn quá nhỏ, mới hơn 1 tháng tuổi, vậy mà người giúp việc lại có thể hành hạ cháu như thế. Bác Sơn cũng cho rằng, gia đình chị P. cửa lúc nào cũng đóng kín nên vụ việc có xảy ra, người ở bên ngoài cũng khó phát hiện được mà can thiệp.
Chúng tôi vào nhà anh N.V.M, cũng ở tổ 2, phường Quang Trung - nơi bà H. từng giúp việc. Anh M. cho biết bà H. có giúp việc cho nhà anh một thời gian cách đây khoảng 2 năm. Khi đó vợ anh sinh con đầu lòng. Lúc cháu được hơn 2 tuổi đi học ở trường mầm non, bà H. không làm ở nhà anh nữa.
Anh M. cũng cho biết thêm, khi giúp việc ở nhà anh, bà H. chỉ lo công việc cơm nước, dọn dẹp nhà cửa. Con anh do mẹ anh chăm sóc. Gia đình thấy bà H. bình thường, đầu óc không có vấn đề gì.
Mẹ anh M. cho biết, gia đình bà H. ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Cũng qua gia đình anh M. được biết, bà H. có chồng và 4 người con, hiện nhà vẫn ở quê.
Cần đưa cháu bé đi khám và theo dõi
Sau vụ việc, các bác sĩ nhi khoa khuyên cha mẹ nên đưa bé đi thăm khám để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), gia đình cần đưa bé đến gặp các bác sĩ nhi khoa để thăm khám và xác định chính xác xem có phải bé bị bạo hành hay không.
Nếu có dấu hiệu bạo hành, tùy theo mức độ tổn thương về sức khỏe, tâm lý các bác sĩ sẽ có hướng điều trị phù hợp.
Còn bác sĩ nhi Phạm Thọ Dũng (Bệnh viện Sản Nhi Lào Cai) thì cho rằng, ‘việc trẻ nhỏ hơn 1 tháng tuổi bị người lớn dùng tay đánh vào đầu, tùy theo mức độ, vị trí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ, nhất là những vị trí nguy hiểm như thóp, thái dương, gáy…
Khi bé chẳng may bị va chạm ở vùng đầu, hoặc bị người lớn đánh vào vùng đầu cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu bất thường ở trẻ như trẻ không chịu bú mẹ, nôn trớ liên tục, không ngừng quấy khóc, thóp phồng lên, luôn trong trạng thái lơ mơ, tiếp xúc kém…
Nếu trẻ xuất hiện những dấu hiệu bất thường này cần đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ ngay để được thăm khám, chụp CT hoặc cộng hưởng từ và điều trị sớm.
Cần theo dõi cả về diễn biến tâm lý
Trẻ hơn 1 tháng tuổi tâm lý cũng chưa phát triển đầy đủ nên trẻ chưa bị ảnh hưởng nhiều về tâm lý khi bị đánh và quát mắng.
Cha mẹ cần phải theo dõi diễn biến sức khỏe, tâm lý của trẻ để phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường.
Trả lời Giadinhmoi, Th.S, BS Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho biết: Khi mà chúng ta giao con cho người giúp việc hay các giáo viên, cần đặc biệt chú ý khi thấy con có biểu hiện lạ: những dấu hiệu bên ngoài như các vết bầm tím, vết cào, xước không rõ nguyên nhân; hay thất thường trong ăn uống như nôn, trớ, bỏ ăn; thay đổi lạ trong giấc ngủ như mất ngủ, hay giật mình, khóc thét trong khi ngủ. hnh
Một số biểu hiện khác như trẻ thay đổi tâm tính: dễ giật mình, cáu bẳn hơn, lo lắng, sợ hãi, tránh tiếp xúc gần gũi...
Nhiều khi chúng ta tưởng rằng trẻ đau ốm nhưng không phải, mà là do sang chấn tâm lý vì bị bạo hành.
Bản thân mỗi phụ huynh nên trang bị kiến thức cho mình bằng cách tham gia các khóa học làm cha mẹ, tìm hiểu về tâm lý trẻ em, nếu thấy con có biểu hiện bất thường cần đặt ngay câu hỏi và trong trường hợp cần thiết, có thể xin tư vấn của chuyên gia tâm lý để tránh những hậu quả lâu dài về sau.
Hiện tại Viện Kiểm sát, Công an thành phố Phủ Lý đang phối hợp xác minh điều tra làm rõ vụ việc.
Thảo Nhi (tổng hợp)