A+ A A- Kiểu đọc sách

Vì sao Trung Quốc liên tục thu hút ngôi sao?

06:09 29/01/2016
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Đài truyền hình BBC (Anh) - một trong những nguồn tin bóng đá đáng tin cậy nhất - khẳng định rằng Ramires sẽ mang về cho Chelsea 25 triệu bảng khi nhận lời đến với CLB Jiangsu Suning trong mùa Đông này. Ngay trước đó, Gervinho và Fredy Guarin cũng rời Serie A đến đây.

Chelsea: Ramires sang Trung Quốc kiểm tra y tế, sắp có Pato

Chelsea: Ramires sang Trung Quốc kiểm tra y tế, sắp có Pato

Tiền vệ Ramires sắp chính thức nói lời chia tay Chelsea để gia nhập Jiangsu Suning ở Super League Trung Quốc trong khi một người Brazil khác là tiền đạo Pato lại đang trên đường tới Stamford Bridge theo hợp đồng cho mượn từ Corinthians.

Nhưng vì sao những cầu thủ sung sức, có kinh nghiệm chinh chiến dạn dày lại đồng ý tới Trung Quốc? Chắc chắn sẽ không thiếu những đội bóng châu Âu sẵn sàng đón họ, dù dĩ nhiên phần lớn hẳn sẽ không chi đến 25 triệu bảng.

Vì sao các ngôi sao chọn Trung Quốc?

Nhưng khi nhìn vào những lập luận trái chiều, có thể cảm nhận một cách tương đối rõ ràng rằng, Trung Quốc không phải lựa chọn khó hiểu của Ramires. Trước hết, nói riêng về trường hợp của anh, dù CLB tỉnh Giang Tô chỉ đứng thứ chín trong giải VĐQG Trung Quốc 2015 nhưng lại đang được dẫn dắt bởi cựu danh thủ Chelsea - Dan Petrescu. Những người quen cũ của đội bóng London như Nicolas Anelka, Didier Drogba, Demba Ba hẳn cũng là nguồn tư vấn tốt cho Ramires.

Dĩ nhiên, không thể không nhắc tới dấu ấn của người Brazil tại Trung Quốc. Gần nhất, thương vụ đáng chú ý nhất liên quan tới một người Brazil là Paulinho. Trụ cột của đội tuyển Brazil trong giai đoạn 2013-14 sau khi không thể hòa nhập ở Tottenham cũng đã đến chơi cho CLB Guangzhou Evergrande với giá 9,9 triệu bảng.

Robinho, một cái tên quen thuộc của bóng đá thế giới cũng chơi tại đội này vào năm trước đó. Guangzhou Evergrande đã có thời điểm chơi với 8 cầu thủ Brazil trong đội hình, lại được dẫn dắt bởi HLV vô địch World Cup 2002 Luiz Felipe Scolari, lại một người quen cũ của Chelsea.

Nhìn rộng hơn, Trung Quốc thực sự là mảnh đất “màu mỡ” cho những người đã hoặc sắp hết thời ở trời Âu, hoặc đơn giản là muốn kiếm tiền nhanh chóng. Hai huyền thoại Italy là Marcello Lippi và Fabio Cannavaro đều từng làm việc ở đây, ngoài ra đáng chú ý có cựu HLV trưởng ĐT Anh Sven Goran Eriksson. Tất cả đều được đãi ngộ với những mức lương cao tận trời xanh.

Tham vọng của bóng đá Trung Quốc

Đến nay, đã từng có nhiều tờ báo châu Âu đặt dấu hỏi về việc liệu các thương vụ đắt giá một cách bất hợp lý này của Trung Quốc chỉ là một hình thức để tội phạm rửa tiền hay không. Tuy nhiên, chưa hề có bất kỳ bằng chứng nào cho chuyện này.

Nhưng nếu nói rằng người Trung Quốc thực sự mong muốn phát triển bóng đá thì sẽ là chính xác. Một trong những biện pháp để người Trung Quốc hiện thực hóa giấc mơ bóng đá ấy là mở ra Trường Quốc tế Bóng đá Đại Vạn vào năm 2014. Đây là một học viện đào tạo trẻ nằm cách Quảng Châu hơn 50 cây số, qui mô diện tích lên tới hơn 300 héc-ta đất, lớn nhất thế giới. Học viện này có 50 sân bóng đá tiêu chuẩn quốc tế, gần 20 nhà tập thể chất bao gồm cả bể bơi, đón 2.400 trẻ em từ 11 tuổi. Mục đích không gì khác ngoài để đào tạo ra những con “gà nòi” hàng đầu cho ĐTQG Trung Quốc trong tương lai.

Chưa rõ liệu 10 năm nữa, những lứa “gà nòi” đầu tiên của học viện này có đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân Trung Hoa hay không. Chỉ biết rằng hiện tại, các CLB tại Super League của người Trung Quốc vẫn đang dựa nhiều vào ngoại binh từ châu lục khác làm nòng cốt.

Còn ở bên ngoài lãnh thổ quốc gia thì sao? Mới đây, một công ty có tên Ledman, trụ sở đặt tại tỉnh Thâm Quyến đã đề xuất tài trợ cho Segunda Liga, giải hạng hai Bồ Đào Nha. Điều kiện của họ là các đội dự giải này sẽ buộc phải có cầu thủ Trung Quốc và trợ lý huấn luyện viên người Trung Quốc. Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Bồ Đào Nha đang lên tiếng phản đối kịch liệt.

25 Thương vụ Ramires tới Jiangsu Suning có thể mang về cho Chelsea tới 25 triệu bảng phí chuyển nhượng.

300 Trường Quốc tế Bóng đá Đại Vạn tại Quảng Châu, Trung Quốc là học viện bóng đá lớn nhất thế giới xét trên qui mô diện tích: hơn 300 héc-ta!

48 Vào năm 2013, Chelsea đã ký kết gói đầu tư 48 triệu bảng cùng CLB Guangzhou R&F cũng trong lĩnh vực đào tạo trẻ.

Những ngôi sao tìm đến Trung Quốc

1. Tim Cahill - Shanghai Shenhua: Huyền thoại bóng đá của Australia sau khi chinh phục trọn vẹn tình cảm của khán giả Mỹ bằng 3 năm khoác áo New York Red Bulls đã chuyển tới Trung Quốc. Anh bắt đầu chơi cho đội bóng thành phố Thượng Hải từ tháng 3/2015, tới nay đã ghi được 12 bàn sau 32 lần ra sân.

2. Paulinho - Guangzhou Evergrande: Vào tháng 6/2015, sau thời gian không hạnh phúc tại Tottenham, Paulinho được phép ra đi. Anh mang về 9,9 triệu bảng cho đội bóng Bắc London, điểm đến là một cái tên nổi danh trên trường quốc tế - Guangzhou Evergrande.

3. Demba Ba: Tháng 6/2015, sau một mùa giải khoác áo Besiktas tương đối thành công (27 bàn/44 trận), Demba Ba gây bất ngờ khi đồng ý tới Shanghai Greenland Shenhua, ký hợp đồng dài 3 năm.

4. Asamoah Gyan - Shanghai SIPG: Được cho là có 4 năm “hốt bạc” tại UAE trong màu áo Al Ain, Asamoah Gyan tiếp tục sự nghiệp “du mục” của mình tại Thượng Hải - Trung Quốc, trong màu áo SIPG. Chỉ sau 15 trận, anh ghi tới 10 bàn, chứng minh được đẳng cấp của người từng chơi bóng tại Serie A, Ligue 1, Premier League.


Dũng Lê
Thể thao & Văn hóa

Từ khóa: Chelsea Trung Quốc
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...