Vi phạm hành chính ở Thủ đô bị phạt nặng hơn
Theo tờ trình của Chính phủ, dự án Luật Thủ đô nêu ra tới 20 chính sách, cơ chế đặc thù áp dụng với Thủ đô Hà Nội so với các địa phương khác.
Cơ chế thu phí và xử phạt riêng
Trong 20 chính sách, cơ chế đặc thù, có nhiều quy định rất được dư luận chú ý thời gian qua. Dự luật đề nghị, không xây dựng mới các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, một số trường học, bệnh viện không mở rộng diện tích, đồng thời không mở rộng quy mô giường bệnh của các bệnh viện Trung ương hiện có ở nội thành.
Về quản lý dân cư, dự luật quy định giao Chính phủ ban hành quy định về điều kiện cư trú ở nội thành phù hợp với quy mô, mật độ, cơ cấu dân cư hợp lý theo quy hoạch chung Thủ đô.
vấn đề đặc thù của Thủ đô Hà Nội (ảnh minh họa)
Do yêu cầu quản lý nhà nước đặc thù ở Thủ đô, dự án luật cũng cho phép UBND thành phố trình Thủ tướng quyết định thành lập thêm một số cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Hà Nội.
Đặc biệt, Dự luật Thủ đô cho phép áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số hành vi vi phạm hành chính ở nội thành cao hơn, nhưng không quá 5 lần so với mức xử phạt áp dụng chung cho cả nước trong 6 lĩnh vực gồm: Xây dựng, đất đai, môi trường, giao thông vận tải, cư trú và văn hóa. HĐND TP Hà Nội có thẩm quyền quy định mức thu phí cao hơn nhưng không quá 3 lần so với mức chung của cả nước trong 2 lĩnh vực là môi trường và giao thông vận tải ở khu vực nội thành.
Cần đặc thù cho Thủ đô
Góp ý kiến vào dự án Luật Thủ đô, các ủy viên UBTVQH đều nhất trí với việc cần có Luật Thủ đô với những cơ chế, chính sách đặc thù riêng cho Hà Nội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định còn chung chung, áp dụng cho địa phương nào cũng được, chưa có gì là “đặc thù”, đồng thời việc áp dụng cơ chế đặc thù nên có thời hạn cụ thể chứ không nên kéo dài vô thời hạn.
Ông Phùng Quốc Hiển, ủy ban Tài chính, ngân sách của QH cho rằng, mức phạt hành chính không nên cao quá vì người vi phạm lẩn trốn, không nộp hoặc có thể phát sinh tiêu cực.
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận đánh giá: “Quy định mức xử phạt vi phạm hành chính cao không quá 5 lần so với mức chung của cả nước là chưa có cơ sở khoa học pháp lý rõ ràng”.
Về điều kiện cư trú ở nội thành, ông Nguyễn Văn Thuận đánh giá: “Việc hạn chế di dân bằng biện pháp hành chính đã được chứng minh là không hiệu quả, nên quản lý bằng quy hoạch, tức là giải pháp kinh tế - xã hội”.
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách đặc thù đối với Hà Nội chủ yếu là về quản lý đô thị, phải coi Hà Nội là đô thị loại đặc biệt, không thể giống như các thành phố, địa phương khác.
Ý kiến của các thành viên UB TVQH sẽ được tiếp thu để Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Dự án luật trước khi trình Quốc hội.