A+ A A- Kiểu đọc sách

Tiger Woods: Vẫn giàu và đâu đã là đồ bỏ!

14:40 01/12/2015
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Người ta đã đùa rằng, có 700 triệu lý do cho Tiger Woods để anh luôn mỉm cười. Bởi cựu golf thủ số 1 thế giới chắc chắn không còn là tay golf từng thống trị các giải major trước đây nữa nhưng anh vẫn có thể thoải mái mà nghĩ rằng, có một điều khiến anh luôn được nhắc đến: Tiền.

Liên tục bị các chấn thương hành hạ trong hai năm qua, Woods chỉ có một lần đứng trong tốp 10 ở một giải đấu và thu về vỏn vẹn 556.873 USD tiền thưởng. Con số này hoàn toàn kém xa số tiền thưởng từ ba mùa giải anh kiếm được trên 10 triệu USD vào các năm 2005, 2007 và 2009. Ngoài ra, cũng nên nói thêm rằng, golf thủ 39 tuổi người Mỹ còn dẫn đầu bảng tiền thưởng của PGA tới 10 lần.

Thế nhưng, thật bất ngờ là cựu số 1 thế giới vẫn lọt vào danh sách 40 doanh nhân giàu nhất ở độ tuổi U40 tại Mỹ mà tạp chí Forbes vừa công bố mới đây. Thậm chí, dù chỉ đứng thứ 26, vị trí mà Woods có được trong danh sách này là rất đặc biệt bởi anh là VĐV duy nhất có tên ở đây.

Nếu chưa đủ ngạc nhiên, đừng quên rằng trong những năm gần đây, Woods không chỉ gặp vấn đề về phong độ khi anh đã phải trả giá cho cuộc hôn nhân bằng một tờ séc không nhỏ do scandal sex và kéo theo đó là hàng loạt nhà tài trợ rút lui.

Đó là những lý do giải thích tại sao Forbes ước tính số tài sản của Woods giờ chỉ còn 700 triệu USD, trong tổng số tiền trị giá 1,35 tỷ USD mà anh kiếm được kể từ năm 1996. Đi sâu vào là những thâm hụt đáng về tiền thưởng bởi như đã nói ở trên, trong các năm 2005, 2007 và 2009, anh từng kiếm được hơn 10 triệu USD.


Forbes ước tính số tài sản của Woods giờ chỉ còn 700 triệu USD

Nhiều hơn và tổn lớn nhất là vụ ly dị của golf thủ người Mỹ với cựu mẫu Elin Nordegren vào năm 2010. Nhìn bề ngoài, vụ ly dị này đã lấy đi của Woods khoảng 100 triệu USD nhưng đằng sau đó là sự rút lui của hàng loạt nhà tài trợ như Accenture, AT&T, Buick và Gatorade. Rất may cho tay golf 39 tuổi là Nike đã sát cánh bên anh trong những tháng ngày khó khăn đó và đến giờ, họ vẫn trả cho anh 20 triệu USD/năm. Nếu không có Nike, thật khó để golf thủ từng giành 14 danh hiệu major duy trì mức thu nhập khoảng 50 triệu USD/năm như Forbes ước tính, bao gồm tiền thưởng và tài trợ, dù con số này chỉ bằng một nửa trước đây, trong đó đỉnh cao là năm 2008, anh kiếm được 115 triệu USD.

Sau cùng thì nếu trong bóng đá, người ta vẫn thường có câu “Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi” thì ở golf, trường hợp của Woods có thể là “Phong độ là nhất thời, danh tiếng là mãi mãi”. Giống như Michael Jordan ở bóng rổ, David Beckham và Cristiano Ronaldo ở bóng đá, Roger Federer và Maria Sharapova ở quần vợt, Woods là một thương hiệu lớn và là một sự đảm bảo chắc chắn về mặt doanh thu ở golf. Bởi golf hiện nay có thể có những gương mặt tài năng như Jordan Spieth, Rory McIlroy hay Jason Day… huyền thoại thực sự vẫn sống và vẫn cầm gậy không ai khác là Woods. Đây cũng là lý do giải thích tại sao Nike quyết định gắn bó với anh lâu như vậy, trong khi Woods còn có những nhà tài trợ khác như Hero MotoCorp, Kowa, MusclePharm, Rolex và Upper Deck.

Bên cạnh đó, Woods còn hỗ trợ Nike trong các dự án xây dựng sân golf hay tự anh thiết kế nếu có nhà đầu tư yêu cầu. Chẳng hạn như sân golf đầu tiên do anh thiết kế đã được khai trương vào năm ngoái ở Cabo San Lucas, Mexico, sau rất nhiều lần anh tham gia về mặt ý tưởng ở các dự án sân golf tại Dubai và Bắc Carolina nhưng không thành do cuộc khủng hoảng tài chính.

Và không rõ danh tiếng của Woods có phải là lý do đảm bảo Ryder Cup năm 2016 ở sân golf Hazeltine National tại Chaska, Minnesota hấp dẫn hơn hay không, cựu golf thủ số 1 thế giới không những góp mặt mà còn giữ vai trò là một đội phó cho Davis Love III. Điều đáng nói ở đây là nếu sự giàu có của Woods không làm ai ngạc nhiên, việc anh có tên trong thành phần đội tuyển Ryder Cup của Mỹ là rất bất ngờ. Bởi họ không thể xếp một golf thủ chỉ chơi 20 giải trong hai năm qua vì những chấn thương, phong độ sa sút và hy vọng anh ta có thể giúp đội tuyển Ryder Cup của Mỹ phục thù cho ba thất bại gần đây trước đội tuyển Ryder Cup châu Âu vào các năm 2010, 2012 và 2014.

Đó là chưa kể ngay ở thời điểm hiện tại, bản thân Woods cũng chưa rõ là khi nào anh có thể trở lại thi đấu.

‘Tiger Woods từng đối xử với tôi như nô lệ’

Trong khi "Hổ gỗ" vẫn kiếm được nhiều tiền và chưa hề mất giá về chuyên môn, thì Steve Williams, caddie một thời của Tiger Woods đã gây sốc khi công bố thông tin ông từng bị đối xử thậm tệ trong suốt 12 năm phục vụ golf thủ huyền thoại người Mỹ trong cuốn tự truyện mới phát hành mang tên “Out of the Rough”.

“Woods nổi tiếng với tính khí thất thường. Không hiếm lần, cậu ta quăng luôn gậy xuống sàn nhà và ra lệnh tôi nhặt chúng lên. Hành động đó chẳng khác nào đối xử với một kẻ nô lệ. Ngoài ra, cậu ta cũng có thói quen rất xấu khác, nhổ nước bọt vào lỗ sau một cú gạt bóng không thành công.”

Sau khi bị Woods sa thải năm 2011, Williams không mất nhiều thời gian để tìm được công việc mới. Trong vai trò caddie, ông giúp Adam Scott giành chức vô địch WGC-Bridgestone Invitational chỉ một tháng sau đó.

Phạm Hưng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Từ khóa: golf Tiger Woods
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...